
Công tác dân vận nói chung, trong Quân đội nói riêng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội với Nhân dân, góp phần giữ vững và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, lực lượng vũ trang tỉnh luôn coi trọng và thực hiện tốt công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc Chăm nói riêng.
Trên cơ sở quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số” và Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”, hằng năm, lực lượng vũ trang tỉnh đều xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể.
Theo đó, các đơn vị lực lượng vũ trang cấp tỉnh, huyện, xã đều xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch tại vùng dân tộc thiểu số; thường xuyên bám sát địa bàn, tuyên truyền, vận động đồng bào nâng cao cảnh giác, tham gia đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của các phần tử xấu, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Các mô hình như: “Tự phòng, tự quản”, “Ánh sáng an ninh”, “Dân vận khéo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, “Lực lượng vũ trang tăng cường đoàn kết với dân tộc, tôn giáo”, “Nhà tình nghĩa quân - dân”... được xây dựng và nhân rộng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ tính riêng vùng đồng bào dân tộc Chăm, từ năm 2018 đến nay, lực lượng vũ trang tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 10 căn nhà “Tình nghĩa quân - dân” cho những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần thắt chặt tình quân - dân trong tình hình mới. Công tác hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào được xem là nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh và được triển khai thường xuyên, liên tục nhằm giúp đồng bào nâng cao đời sống tinh thần, vật chất. Các hoạt động được tổ chức thường xuyên, như: biểu diễn văn nghệ, giao lưu, kết nghĩa, nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; huy động nguồn lực sửa chữa đường liên thôn, kênh mương nội đồng, trường học, nhà ở...
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lực lượng vũ trang tỉnh quan tâm triển khai thực hiện trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và vùng đồng bào dân tộc Chăm nói riêng; gắn với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Xây dựng nông thôn mới, cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư...
Trong thực hiện, các cơ quan, đơn vị phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín, cốt cán, đoàn viên, hội viên là người dân tộc Chăm để tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tích cực xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, cử cán bộ phụ trách bám sát địa bàn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào để tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của đồng bào. Đặc biệt, trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh luôn là lực lượng tiên phong, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào phòng, chống dịch. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng các cấp kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền, thuốc, thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm ở vùng đồng bào dân tộc Chăm, thông qua các mô hình như: “Phiên chợ 0 đồng”, “Cửa hàng 0 đồng”, “Cửa hàng nhân ái”, “Chuyến xe tình nghĩa”, “10.000 ly sữa cho trẻ vùng dân tộc thiểu số”, “Tổ vay vốn tiết kiệm”…
Với những việc làm thiết thực trên của lực lượng vũ trang tỉnh góp phần giúp đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Chăm nói riêng không ngừng nâng cao đời sống, vươn lên no ấm, tiến bộ, làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Chăm trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; giữ vững và phát triển khối đại đoàn kết các dân tộc, đồng bào luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.