(QK7 Online ) - “Các tác phẩm được dàn dựng công phu, hoành tráng, đa màu sắc với chất liệu múa, dân gian đương đại... tạo sự thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật đã để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả, được Ban Giám khảo đánh giá cao về tài năng chuyên môn và tính sáng tạo”, là nhận xét của người xem về các tác phẩm múa mà Đoàn Văn công Quân khu đem đến Liên hoan nghệ thuật Múa TPHCM mở rộng lần thứ VIII năm 2024 do Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM tổ chức cuối tháng 10/2024.
Liên hoan có 36 tác phẩm của 20 tập thể, cá nhân tham dự với cơ cấu giải thưởng gồm 1 giải A; 1 giải B; 2 giải C; 9 giải khuyến khích cho giải tác phẩm. 4 giải A; 10 giải B; 10 giải C; 5 giải khuyến khích cho giải diễn viên. Đoàn Văn công Quân khu dự thi 3 tác phẩm. Trong thời gian 3 tháng xây dựng kịch bản và tổ chức tập luyện, các diễn viên múa của Đoàn đã mang đến một không gian biểu diễn nghệ thuật đầy mới lạ và khác biệt.
Tác phẩm múa “Khúc tráng ca vườn cau đỏ” đã thể hiện được tinh thần dân tộc.
Tác phẩm múa “Khúc tráng ca vườn cau đỏ” được các diễn viên thể hiện ấn tượng không chỉ về mặt nội dung mà còn mang đến xúc cảm ý nghĩa, thể hiện truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Thượng úy QNCN Hoàng Đào Vương An, Đội trưởng Đội múa chia sẻ: “Bằng ngôn ngữ hình thể, chúng tôi mang đến khán giả hình ảnh ngọn cau đỏ vươn mình khỏi những mái nhà đơn sơ, chính là hiện thân của bao lớp thanh niên đem thân mình viết tên đất nước. Chiến tranh đã qua đi, non sông liền một dải, những vườn cau đỏ trở thành biểu tượng của sự sống, niềm tin và hy vọng như màu cờ, màu máu và màu sắc hồn dân tộc in đậm trên nền trời xanh độc lập hôm nay và đến tận mai sau; như các anh vẫn ở quanh đây ngân mãi “Khúc tráng ca vườn cau đỏ”.
Tác phẩm múa “Những chiến sĩ thời bình” đem đến nhiều xúc cảm cho người xem.
Với không gian đầy cảm xúc qua tác phẩm múa “Những chiến sĩ thời bình”, các diễn viên đã tái hiện chân thực hình ảnh chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy thầm lặng, kiên cường trước cơn lửa đỏ bạo cuồng để cứu tính mạng, tài sản của Nhân dân. Trung úy QNCN Nguyễn Thành Phát, biên đạo chính cho tác phẩm tâm sự: “Là nghệ sĩ-chiến sĩ, tôi luôn muốn khai thác các đề tài liên quan đến người lính để người xem có thể hiểu, cảm nhận nhiều khía cạnh khác nhau về sự gian nan, vất vả nhưng cũng rất đỗi tự hào của chiến sĩ trong thời bình. Từ chất liệu lấy từ cuộc sống đó để biên đạo, thổi hồn vào nghệ thuật múa, vào từng động tác của diễn viên”.
Tác phẩm múa “Sắc” là bức tranh sinh động về thanh xuân Việt Nam.
Tác phẩm múa “Sắc” cũng được Hội đồng chuyên môn đánh giá cao bởi các diễn viên đã khéo léo đưa nghệ thuật múa truyền thống kết hợp múa đương đại mang tính đột phá, mới mẻ, sáng tạo vào tác phẩm. “Sắc là bức tranh sinh động về thanh xuân Việt Nam. Những chàng trai, cô gái với sức trẻ căng đầy, lồng lộng ước mơ và hoài bão lớn lao. Với thời lượng 5 phút được tỏa sáng trên sân khấu, chúng tôi muốn lan tỏa tinh thần năng động, nhiệt huyết của tuổi trẻ hòa vào nhịp sống sôi động của quê hương đất nước”, Trung úy QNCN Vũ Đức Trường Giang, Diễn viên múa bộc bạch.
Đạt giải A giải diễn viên, Thiếu tá QNCN Nông Thị Thuận Hà, Diễn viên múa phấn khởi, nói: “Liên hoan là nơi để các nghệ sĩ trẻ thể hiện tài năng và có cơ hội học hỏi, khám phá. Những tác phẩm mà Đoàn Văn công đem đến năm nay không chỉ tập trung vào yếu tố truyền thống mà còn phản ánh hơi thở của thời đại, sự đổi mới trong nghệ thuật múa. Khán giả sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa dân tộc qua những động tác múa và giai điệu đặc trưng của tác phẩm”.
Với tinh thần, ý chí quyết tâm, trách nhiệm của người nghệ sĩ - chiến sĩ, các tác phẩm của Đoàn Văn công Quân khu đều được đánh giá cao. Tác phẩm múa “Khúc tráng ca vườn cau đỏ” đạt giải B; “Những chiến sĩ thời bình” đạt giải khuyến khích và các diễn viên đạt 1 giải A, 2 giải B, 2 giải C.
Quỳnh Nhi