Sáng 8-10, tại Đường sách TPHCM đã diễn ra Triển lãm lịch Xuân 2018 có chủ đề “Những sắc màu sáng tạo” với hàng trăm mẫu lịch của 3 đơn vị làm lịch nổi tiếng cùng với cuộc thi lịch với sự tham gia của 8 đơn vị làm lịch tại TP.
Do tính phức tạp của các yếu tố văn hóa, nhằm đảm bảo tránh sơ sót, những nhà làm lịch đã mời thêm PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Trưởng Bộ môn Văn học Việt Nam, Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm TPHCM hỗ trợ trong việc phản biện nội dung.
Nội dung sau khi hoàn tất được chuyển qua phần thể hiện hình ảnh do họa sĩ Lê Phi Hùng, giảng viên ĐH Mỹ Thuật TPHCM cùng các cộng sự thực hiện trong khoảng thời gian gần 1 năm.
Bộ lịch có 365 tranh vẽ, chia thành 10 chủ đề chính gồm: Thắng cảnh -kỳ quan thiên nhiên; Công trình kiến trúc – Di tích văn hóa; Lễ hội; Phong tục; Nghệ thuật; Đời sống; Trang phục; Ẩm thực; Ngành nghề truyền thống; Danh nhân Việt Nam.
Theo cô Thu Vân, tiêu chí để lựa chọn là có tính tiêu biểu, có nội dung độc đáo, tương đối hiếm lạ, ví dụ như Chợ tình Khâu Vai hay Chợ nổi miền Tây Nam bộ là các hiện tượng văn hóa đặc biệt nên được lựa chọn.
Ngoài ra, việc chọn lọc còn cố gắng cân đối giữa cả ba vùng miền trên cả nước để đảm bảo các vùng đểu có những sản vật, thiên nhiên, phong tục… hiện diện trên bộ lịch.
Bộ lịch được in khoảng 20.000 bản với kích thước dạng siêu cực đại (40x60) thuộc dạng lớn nhất hiện nay trong dòng lịch bloc, giá bán dự kiến khoảng 500.000 đồng/cuốn.
Bên cạnh bộ lịch Văn hóa Việt Nam, An Hảo năm nay còn giới thiệu 2 bộ lịch lấy chủ đề văn hóa truyền thống đất nước.
Đầu tiên phải kể đến là bộ lịch Truyện cổ dân gian Việt Nam. Đây có thể coi là bộ lịch đầu tiên lấy đề tài truyện cố làm điểm nhấn. Cũng như bộ lịch văn hóa, bộ lịch truyện cổ cũng có sự đầu tư chuyên nghiệp từ nội dung đến hình thức.
Phần nội dung của bộ lịch do PGS. TSKH. Bùi Mạnh Nhị - Nguyên Trưởng khoa Ngữ văn, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM đảm nhận. Phần vẽ minh họa do các giảng viên và sinh viên trường ĐH Mỹ thuật TPHCM thực hiện.
Bộ lịch gồm 53 câu truyện tiêu biểu trong kho tàng thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích và truyện ngụ ngôn Việt Nam. Trong mỗi câu truyện luôn ẩn chứa tinh thần, ý chí của ông cha, những bậc tiên hiền, hậu hiền đi mở cõi và dựng xây đất nước. Đó là thần thoại về Thần Trụ Trời, truyền thuyết về Lạc Long Quân, Âu Cơ, Thánh Gióng, Thánh Tản Viên hay các vị anh hùng Yết Kiêu, Bố Cái Đại Vương, Lê Lợi, Chàng Lía, Nguyễn Trung Trực…
Truyện cổ vốn được sinh ra trong dân gian, thế nên trong đó cũng có một phần cuộc sống được phản ánh chân thật nhưng cũng đượm màu cổ tích, như truyện Trầu Cau, Sọ Dừa, như Thạch Sùng, Cây khế, Thằng Cuội cung trăng, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Ả Chức chàng Ngưu…
Khách xem triển lãm bộ lịch Trò chơi dân gian
Bộ lịch văn hóa tiếp theo lấy chủ đề Trò chơi dân gian. Đây là một kho tàng đầy màu sắc và tiếng cười, đầy niềm vui, hứng khởi và hân hoan, náo nhiệt.
Ngày hôm nay, có thể nhiều người đã quên cách chơi bắn bi, banh đũa, mèo đuổi chuột hay rồng rắn lên mây, nhưng tất cả từng là thế giới rực rỡ sắc màu của hồn nhiên, của tuổi thơ, của bạn bè và của tiếng cười bất tận…
Bộ lịch như một sự lưu giữ, nhắc nhớ đồng thời mang đến cho người xem những bức tranh sinh động về các trò chơi dân gian Việt Nam.
Một trò chơi dân gian được giới thiệu trong bộ lịch
Tổng cộng có 105 trò chơi tiêu biểu được thể hiện trong bộ lịch (một số trò được thể hiện bằng nhiều tranh) thông qua những nét vẽ tươi vui, sinh động hòa cùng những gam màu nồng ấm, thân thương. Người xem có thể tìm thấy trong bộ lịch này những trò chơi dành cho các em bé như chi chi chành chành, chồng nụ chồng hoa, tập tầm vông, nu na nu nống đến các trò chơi dành cho lứa tuổi lớn hơn một chút, có thể chạy nhảy đùa giỡn như rồng rắn lên mây, mèo đuổi chuột, nhảy cóc, chơi u, trốn tìm, dung dăng dung dẻ…
Song Hành- một trong các nhà làm lịch tham gia triển lãm năm nay cũng chọn chủ đề văn hóa làm điểm nhấn mà tiêu biểu là bộ lịch Di sản Việt Nam.
Thông qua 365 trang lịch, bộ lịch giới thiệu đến người xem 11 di sản sản vật thể và phi vật thể của đất nước đã được vinh danh là di sản văn hóa tiêu biểu của thế giới. Tiểu biểu như Nhã nhạc cung đình Huế; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca quan họ Bắc Ninh; Ca trù; Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc; Hát Xoan; Lễ hội đền Vua Hùng; Đờn ca tài tử Nam Bộ; Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh…
Triển lãm lịch xuân 2018 sẽ kéo dài cho đến hết ngày 12-10-2017 và tại buổi bế mạc sẽ diễn ra lễ trao giải cho các lịch xuân ấn tượng nhất mùa lịch 2018.
Cũng nhân dịp này, Hội Xuất bản Việt Nam – Văn phòng đại diện phía Nam đã chính thức công bố Dự án Sách hay cho trường học do Văn phòng Hội kết hợp với Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong thực hiện.
Đây là một dự án nhằm gây quỹ, mua sách, đưa sách đến các thư viện trường học tại những địa phương còn gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn.
Theo cô Hoàng Thị Thu Hiền, giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong đồng thời là Trưởng ban dự án thì điểm khác biệt lớn nhất của dự án lần này là không chỉ đơn thuần mang sách đến các trường mà dự án còn tổ chức để các thầy cô, các nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa… đến tận trường, tư vấn, trao đổi, giao lưu, hướng dẫn trực tiếp các em học sinh cách để cảm thụ, tiếp nhận một cuốn sách.
Chính vì thế, mục tiêu chủ yếu của dự án sẽ nhắm đến các trường tiểu học bởi đây chính là giai đoạn thích hợp nhất nhằm xây dựng tình yêu với sách của một cá nhân.
Dự kiến một thư viện trường sẽ được tặng khoảng 100 cuốn sách và 150 cuốn tạp chí. Số sách này chủ yếu là sách dạy kĩ năng sống, dạy cách hình thành những thói quen tốt, nhận biết về thế giới xung quanh, nâng cao văn hóa Việt, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn cho học sinh...
Ngay trong buổi lễ công bố, đại diện Công ty lịch An Hảo đã trao tặng dự án số tiền 100 triệu đồng để mua sách cho các em học sinh. Đây là toàn bộ số tiền lợi nhuận bước đầu có được từ việc kinh doanh bộ lịch Văn hóa Việt Nam.