(QK7 Online) - Ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) đã trở thành địa chỉ đỏ, điểm đến của rất nhiều người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc mỗi dịp đầu mùa nước nổi hằng năm. Bởi ấp nhỏ vùng rốn lũ này là nơi đặt Khu tưởng niệm gần 200 chiến sĩ Trung đoàn 207 (Quân khu 8 cũ) đã hy sinh oanh liệt cách đây 50 năm.
Lễ giỗ năm nay được UBND huyện Thạnh Hóa cùng các cựu chiến binh, nhân dân địa phương tổ chức trang trọng, chu đáo. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng hơn 1.000 người dân xa gần đã đến thắp hương tưởng niệm liệt sĩ.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, địa phương dâng hương, dâng hoa lên các liệt sĩ Trung đoàn 207 (Ảnh Lê Trầm).
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thắp hương trên từng phần mộ liệt sĩ.
Gần 200 chiến sĩ "lính sinh viên" hy sinh
Tại lễ giỗ, các đại biểu ôn lại sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ năm xưa. Cách đây 50 năm, đêm ngày 2, rạng sáng ngày 3/10/1973 (tức mồng 7, 8 tháng 9 âm lịch), các chiến sĩ của Trung đoàn 207 (Quân khu 8 cũ), hầu hết là sinh viên của các trường đại học miền Bắc khi đó như: Đại học Xây dựng, Thủy lợi, Giao thông… xếp bút nghiên, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường chi viện vào chiến trường miền Nam chống giặc. Trên đường hành quân từ Mỏ Vẹt (giáp biên giới Campuchia), bí mật vượt sông Vàm Cỏ Tây. Năm ấy nước lên to đã nhấn chìm các gò đất, chỉ còn những cây tràm kiên cường vươn lên giữa nước trắng mênh mông. Do hành quân bộ suốt đêm nên bộ đội mệt rã rời, nên đã trú quân tại rừng tràm ấp Đá Biên, sau đó máy bay trinh sát của địch phát hiện, chúng lập tức cho 12 chiếc máy bay trực bắn rocket, rồi nhiều xe tăng lội nước xông thẳng vào đội hình Trung đoàn bắn xối xả vào đoàn quân ta.
Các cựu chiến binh Trung đoàn 207 vui mừng, xúc động khi gặp lại đồng đội năm xưa đã cùng nhau vào sinh ra tử (Ảnh Lê Trầm).
Cựu chiến binh Phạm Trí Luyện, một trong những chiến sĩ Trung đoàn 207 may mắn sống sót không sao quên được thời khắc ác liệt đó. Ông kể: “Anh em chiến sĩ Trung đoàn đã chống cự quyết liệt nhưng vẫn không thoát được vòng vây dày đặc và hỏa lực quá mạnh của địch, do địa hình vào mùa nước nổi rất khó di chuyển, bất lợi cho việc triển khai chiến đấu, lại bị tập kích bất ngờ nên gần 200 đồng đội đã hy sinh. Thời điểm đó tôi thoát chết nhờ sự che chở của đồng đội, lúc địch dội bom xuống, một đồng đội đã hy sinh, nằm ngay trên người tôi nên địch không thấy tôi bên dưới. Những ngày sau đó, địch tiếp tục đưa trực thăng tới quần tại khu vực này, chúng phát hiện và túm lấy tóc lôi tôi đưa lên trực thăng, sau nhiều lần dụ dỗ tôi theo chúng không thành, chúng đưa tôi về giam tại Khám lớn Cần Thơ. Biết ơn người đồng đội đã bảo vệ cho tôi, tôi đã họa di ảnh và thờ anh ấy đến hôm nay”. Cựu chiến binh Phạm Trí Luyện xúc động chia sẻ. Từ Hà Nội vào ấp Đá Biên chung tay làm đám giỗ lần thứ 50 cho các liệt sĩ, ông còn mang theo chiếc võng để “đêm nay tôi mắc võng ở rừng tràm tâm sự cùng đồng đội”.
Xương máu của đồng đội cựu chiến binh Phạm Trí Luyện đã hoà vào cánh đồng ngập nước ấp Đá Biên.
Lập miếu "Bắc Bỏ" giữa cánh đồng ngập nước
Sau trận đánh, khi địch rút hết quân, má Lê Thị Sáu, cán bộ địa phương cùng với các lực lượng đã vào trận địa tìm xác đồng đội, chia làm nhiều cánh bơi xuồng len lỏi giữa đồng nước mênh mông. Đang mùa nước nổi, thân xác các anh theo năm tháng chìm dần vào lòng đất, do hy sinh nhiều ngày, lại bị ngâm mình trong nước, xương thịt đã rã nên phải dùng mùng để vớt.
Năm nay dù đã 83 tuổi, mái tóc bạc phơi, đôi chân không còn được nhanh nhẹn như trước nữa, nhưng má Lê Thị Sáu vẫn chuẩn bị hương hoa, trái cây, nấu các món ăn đến dâng cúng các liệt sĩ. Má Sáu cũng chính là người đã cùng với ông Nguyễn Văn Tư, hay còn gọi là Tư Tờ (cháu của má Sáu) đã cưa những cây tràm, mua 2 tấm tôn và đắp mô đất giữa cánh đồng ngập nước một ngôi miếu nhỏ, đặt tên là miếu “Bắc Bỏ”, trong miếu có bát hương, một chiếc mũ cối của liệt sĩ. Má sáu nói: “Thắp nhang cho anh em đỡ lạnh, để có chỗ anh em quây quần họp mặt”. 50 năm trôi qua nhưng má Sáu vẫn nhớ như in giây phút đồng đội đã anh dũng hy sinh, má kể “Sau một trận càng quét của địch, máu của đồng đội nhuộm đỏ cánh đồng, nhìn đau xót lắm, tới bây giờ nhớ lại vẫn không kìm được nước mắt”.
Má Lê Thị Sáu (bên trái) xúc động khi nhớ về thời khắc hy sinh của các liệt sĩ (Ảnh Lê Trầm).
Ông Nguyễn Văn Tư (Tư Tờ) chăm lo hương khói cho các liệt sĩ suốt hàng chục năm qua.
Công trình của những tấm lòng
Những năm nước ngập sâu, nền miếu bị ngập, vào ngày giỗ bà con phải để mâm cơm trên mũi xuồng, đốt nhang cúng vái. Để tưởng nhớ đến sự hy sinh của các liệt sĩ, tháng 10/2012, Khu tưởng niệm được khánh thành trên diện tích hơn 5.000 m2, gồm các hạng mục: Nhà văn bia, nhà thờ và các khu phụ trợ phía sau nhà thờ. Công trình được sự đóng góp từ các cựu chiến binh Trung đoàn 207, cùng nhân dân trên khắp mọi miền đất nước và Ngân hàng thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam với kinh phí khoảng 14 tỷ đồng.
Cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Thạnh Hoá chăm sóc, quét dọn khu tưởng niệm liệt sĩ ấp Đá Biên (Ảnh Lê Trầm).
Tự hào và tiếp nối truyền thống
Năm nay, để chuẩn bị cho lễ giỗ lần thứ 50 chu đáo, trước đó, cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Thạnh Hoá cùng chung tay với bà con địa phương quét dọn, tân trang đền tưởng niệm, nấu hơn 150 mâm cỗ với những món ăn đặc sản của miền Tây sông nước, trước để dâng cúng liệt sĩ, sau là mời khách thập phương. “Các anh hùng liệt sĩ ở ấp Đá Biên là tấm gương sáng, là động lực để tôi và đồng đội cố gắng, phấn đấu mỗi ngày, huấn luyện giỏi, rèn luyện nghiêm, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các hình thức tác chiến trên địa bàn sông nước để đóng góp công sức bảo vệ quê hương, Tổ quốc thân yêu”. Chiến sĩ Phạm Minh Trí, Đại đội Bộ binh Thạnh Hoá, Ban CHQS huyện Thạnh Hoá, tỉnh Long An chia sẻ.
Chiến sĩ Phạm Minh Trí dâng hoa lên các liệt sĩ.
Lễ giỗ lần thứ 50 của các liệt sĩ Trung đoàn 207 được tổ chức trang trọng, chu đáo.
Cũng ánh nắng ấy, cánh đồng ngập nước ở ấp Đá Biên đã chứng kiến giờ phút bi tráng của những người lính tuổi mười tám đôi mươi. Tròn 50 năm các liệt sĩ hy sinh, lễ giỗ năm nay, không chỉ có người thân của các chiến sĩ Trung đoàn 207, những bạn thanh niên, các em nhỏ cũng được gia đình đưa đến đây, nhắc nhớ lịch sử hào hùng, những hy sinh không thể đo đếm được của thế hệ cha anh vì độc lập, tự do cho dân tộc, để tiếp thêm ngọn lửa truyền thống cho thế hệ mai sau.
Người dân địa phương thả hoa đăng tưởng niệm các liệt sĩ
Giữa mêng mông cánh đồng ngập nước, ngôi đền mái ngói đỏ tươi hiện lên nổi bật. Từ ngày Khu tưởng niệm mới được xây dựng, nhiều người từ Bắc vào đây để tìm người thân. Có người xúc động đến trào nước mắt khi thấy tên người thân của mình được khắc trên bia tưởng niệm.
BẠCH THIẾT