Dự án có chiều dài khoảng 9km, đi qua các xã Tân Bửu, Thanh Phú, Mỹ Yên và thị trấn Bến Lức. Theo kế hoạch điều chỉnh, tổng vốn đầu tư được nâng từ 971 tỷ đồng lên 1.851 tỷ đồng, gần gấp đôi so với dự kiến ban đầu. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng chiếm khoảng 1.100 tỷ đồng – phần lớn dùng để chi trả đền bù cho người dân và thu hồi đất phục vụ dự án.
Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường giao thông cấp II, trong đó:
Đoạn từ đường Nguyễn Hữu Thọ đến Nguyễn Văn Tiếp (0,7km) sẽ giữ nguyên hiện trạng với mặt đường bê tông nhựa rộng 12m, nền đường 22m.
Đoạn từ Nguyễn Văn Tiếp đến ranh TP.HCM (8,3km) sẽ được nâng cấp toàn diện, với mặt đường rộng 20m, nền đường rộng 30m, kèm theo hệ thống thoát nước, vỉa hè, cây xanh và chiếu sáng đồng bộ.
Trước đó, dự án từng bị đình trệ do người dân chưa đồng thuận với mức bồi thường, so sánh với các khu vực lân cận có giá cao hơn. Ngoài ra, việc chậm bố trí nguồn vốn cũng khiến tiến độ giải ngân và triển khai bị ảnh hưởng.
Lãnh đạo tỉnh Long An nhấn mạnh, ĐT830C không chỉ đóng vai trò là tuyến kết nối các khu công nghiệp trong tỉnh với TP.HCM mà còn liên thông với Quốc lộ 1, đường Vành đai 3 và Vành đai 4. Việc nâng cấp tuyến đường này sẽ tạo trục giao thông chiến lược, góp phần giảm tải cho khu vực cửa ngõ phía Tây TP.HCM, đồng thời tạo sức bật thu hút đầu tư vào các vùng ven đô thị.
Trong thời gian tới, Long An sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư các tuyến đường liên kết vùng như ĐT823D, đường ven sông Vàm Cỏ Đông và các nhánh kết nối vành đai, nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm phát triển công nghiệp – logistics hàng đầu khu vực.
Phong Vân