![](/fileman/Uploads/tbNews/29757/thumb/o-lvt.jpg)
Sinh năm 1947 tại xã Nam Trạch, Bố Trạch (Quảng Bình). Đúng 18 tuổi ông nhập ngũ vào Tỉnh đội Quảng Bình. Mấy tháng sau, quân nhân Lê Văn Thể được cán bộ Quân chủng Không quân đến khám tuyển tại cơ quan Tỉnh đội. Đầu năm 1966, ông trúng tuyển khóa đào tạo học viên lái máy bay quân sự. Năm 1969, ông trở thành phi công trẻ của Không quân Việt Nam và là một trong những phi công đầu tiên của tỉnh Quảng Bình.
Từ chỗ lái máy bay huấn luyện, đầu năm 1970 ông được bố trí về trung đoàn phản lực. Đây là nhiệm vụ đặc biệt của người lính phi công, trực tiếp chiến đấu với máy bay, tàu chiến địch, khi chúng xâm phạm vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Nhờ nỗ lực trong công tác và sẵn sàng chiến đấu, năm 1971 ông được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 1972 đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra toàn miền Bắc. Phát huy truyền thống quê hương “Hai giỏi” và tinh thần người chiến sĩ Không quân Việt Nam, ông tham gia nhiều trận chiến đấu với máy bay địch trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh, thành phố khác. Trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972 ông phối hợp cùng đồng đội, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, trong đó có cả máy bay B.52.
Trên chiến trường Campuchia, trong chuyến bay chở Đại tá Trần Lê Đặng quê Nam Định - Phó Phòng Tác chiến, trực tiếp trinh sát ở mặt trận Xiêm Riệp. Nhiệm vụ đòi hỏi phải bay thấp, không may, máy bay của ông bị trúng đạn của lính Pôn-Pốt. Đại tá Trần Lê Đặng bị thương gãy 4 chiếc răng, máy bay bị thủng ống dầu. Ông bình tĩnh đưa máy bay lên cao, rồi cố gắng dìu “con én bạc trọng thương” về gần sân bay và lựa thế bổ nhào, hạ cánh an toàn. Lúc này, máy bay chỉ còn 10 lít xăng. Đây là một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời ông. Sau ngày bình phục, Đại tá Đặng ôm lấy ông xúc động “Mình còn đây là nhờ cậu!”.
Hơn 22 năm phục vụ trong Quân chủng Không quân, ông từng lái rất nhiều loại máy bay, trong đó có máy bay chiến đấu MIG-15, MIG-17, MIG-19... Ông tâm sự: “Lái máy bay chiến đấu tuy trực tiếp đối mặt với kẻ thù nhưng yên tâm, vì kỹ thuật đảm bảo…”. Trong cuộc đời làm phi công của ông còn có một công việc rất gian nan, vất vả và nhiều rủi ro chực chờ. Đó là trong hai năm ông được phân công lái thí nghiệm máy bay do Việt Nam chế tạo. Lúc này ông đang chiến đấu ở chiến trường nước bạn, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân gọi đích danh ông về nước nhận nhiệm vụ mới. Nhờ được tôi luyện, thử thách nhiều qua chiến đấu và thực tiễn kỹ thuật, cộng với bản chất điềm tĩnh, thận trọng, sáng tạo trong những tình huống khó khăn, ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Năm 1991 ông chuyển ngành qua Hàng không Việt Nam. Thêm 18 năm làm cơ trưởng máy bay vận tải hành khách, đến năm 2008 phi công Lê Văn Thể nghỉ hưu. Hiện ông sống cùng gia đình tại quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Vợ ông là cán bộ hưu trí của ngành thương nghiệp. Ông bà có hai con trai và cả hai đều theo nghề của bố. Một anh là cơ trưởng Việt Nam Airlines; một anh phụ trách tư vấn, tuyển dụng và đào tạo phi công.
Bốn chục năm thỏa chí với bầu trời, cùng 13 loại tàu bay. Đó là hai kỷ lục lớn trong cuộc đời. Để đạt được nó, ông đã nếm trải biết bao vui buồn lẫn lộn. Mỗi lúc được hỏi tới, ông chỉ ôn tồn: “Đã mấy lần tính mất mạng, không hiểu sao vẫn giữ được “chiếc gáo” cho đến ngày về hưu. Tôi luôn có cảm giác như mắc nợ các đồng đội của mình…”.