Mệnh lệnh kịp thời từ Tân Trào lịch sử
“Tổng tập Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, phần “Từ Nhân dân mà ra” đã khắc họa vô cùng sinh động những thời khắc quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa.
Hồi ký của Đại tướng, Tổng tư lệnh cho thấy, những ngày đầu tháng 8-1945, Bác Hồ ốm nặng. Lúc nào tỉnh, Bác chỉ nói chuyện tình hình và Người khẳng định: "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu
Mặc dù Bác đã chỉ thị viết nhiều thư hỏa tốc, tung giao thông đặc biệt đi các hướng để thúc giục các đại biểu, nhưng vì đường sá trắc trở, liên lạc khó khăn, nhiều đại biểu đã cố gắng đi cho nhanh nhưng mãi tới ngày 13, 14-8 mới lên tới Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Có những đoàn đại biểu mãi tới ngày 16, 17, 18-8 mới đến kịp. Trong khi đó, ngày 11, 12-8, tin vô tuyến điện cho biết có hiện tượng nguy ngập tan rã trong quân đội Nhật. Đến ngày 13-8, có tin Nhật đầu hàng Đồng minh, quân đội Nhật ở các nơi đã ngừng chiến đấu. Trung ương và Tổng bộ Việt Minh quyết định không thể đợi lâu hơn nữa. 11 giờ đêm ngày 13-8, Ủy ban chỉ huy tạm thời Khu giải phóng hạ mệnh lệnh khởi nghĩa cho nhân dân và bộ đội.
Ngày 14-8, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp. Bác vừa dứt cơn sốt và tới dự họp, người còn võ vàng. Hội nghị nhận định "Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới". Hội nghị quyết định mục đích của cuộc chiến đấu là giành quyền độc lập hoàn toàn cho đất nước, thành lập chính quyền nhân dân, thi hành 10 chính sách của Việt Minh, định chính sách ngoại giao đối với Đồng minh. Để đạt mục đích đó, phải huy động toàn thể nhân dân, gồm tất cả các giới, các đảng phái tham gia phong trào cứu quốc, phải gấp rút vũ trang nhân dân chống Nhật và mở rộng Giải phóng quân Việt Nam. Hội nghị định ra nhiệm vụ quân sự cần kíp, những nguyên tắc của kế hoạch tác chiến, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Giải phóng quân Việt Nam; gấp rút củng cố và phát triển bộ đội, thống nhất biên chế, kỷ luật, tăng cường công tác chính trị; tổ chức Đảng trong quân đội, lấy trung đội làm đơn vị cơ sở; củng cố các tổ chức chiến đấu và tiểu tổ du kích để lập những đơn vị Giải phóng quân mới ở ngoài Khu giải phóng.
“Sang ngày 15-8, được tin đích xác Nhật Hoàng đã ra lệnh cho quân đội đầu hàng, Hội nghị toàn quốc của Đảng đang họp quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc để lãnh đạo Tổng khởi nghĩa và lập Bộ tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam. Một số chúng tôi ngừng họp và nhận nhiệm vụ mới. Tôi sẽ cùng Giải phóng quân tiến về phía Nam. Anh Song Hào về phía Tuyên Quang cùng các đồng chí ở đấy lãnh đạo nhân dân cướp chính quyền các tỉnh phía Tây”, Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đoạn đề cập.
Chiều 16-8, một đơn vị Giải phóng quân tập hợp dưới cờ làm lễ xuất phát tiến về Nam. Các đại biểu về dự Quốc dân đại hội đều có mặt dưới cây đa cổ thụ, cạnh ngôi nhà Hội đồng cứu quốc xã Tân Trào để tiễn bộ đội lên đường chiến đấu. Chưa bao giờ Tân Trào lại đón tiếp một đoàn người nhiều màu sắc như vậy. Cùng với màu chàm rừng núi quen thuộc, còn có màu nâu dày dạn của đồng bằng, và những màu sắc tươi sáng của đô thị. Những chiến sĩ Giải phóng quân, quần áo đủ kiểu, mang trên người dấu vết của những cuộc vật lộn ác liệt với quân thù trên các nẻo đường rừng, trên các triền núi đá Việt Bắc, tề tựu nghiêm trang dưới cờ nghe đọc bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa.
Đoàn quân giải phóng, áo vải chân đất, rầm rập tiến về phía Nam trước những bàn tay vẫy chào chúc mừng thắng lợi, cất cao lời ca hùng tráng.
Cờ giải phóng phất cao, mau thẳng tiến!
Trời phương Nam, dân chúng đang ngóng chờ...
Nam Định 5 ngày rền vang "tiếng sấm"
Trung tướng Vũ Cao, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu) quê ở xã Xuân Phú, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông là người vinh dự có mặt trong đội hình của lực lượng cách mạng trong những ngày tháng Tám năm 1945. Không khí của sự kiện lịch sử ấy được tái hiện sinh động trong cuốn hồi ký “Phía sau trận tuyến” của ông.
Thực hiện Nghị quyết phát động tổng khởi nghĩa của Đại hội đại biểu quốc dân và lời kêu gọi của Bác Hồ gửi tới đồng bào cả nước, ngày 17-8-1945, Đảng bộ huyện Giao Thủy (Nam Định) đã triệu tập hội nghị ở xã Thọ Nghiệp, giới thiệu tinh thần nghị quyết Đại hội Đại biểu quốc dân, 10 chính sách lớn của Việt Minh, đồng thời ra chỉ thị khởi nghĩa, trong đó xác định: Kêu gọi số dân đi biểu tình tự vũ trang bằng các vũ khí thô sơ sẵn có như búa, liềm, tầm vông, mã tấu và chuẩn bị cho mỗi người một lá cờ đỏ sao vàng cầm tay; quy định thời gian đi giành chính quyền là ngày 19-8-1945.
Trung tướng Vũ Cao. Ảnh tư liệu
Với không khí sục sôi, lực lượng cách mạng và nhân dân phủ Xuân Trường, huyện Giao Thủy đã thức trắng đêm để chuẩn bị cờ đỏ sao vàng, lương thực, cơm nắm cho ngày hôm sau (Thời thuộc Pháp phủ Xuân Trường tương đương với huyện, bao gồm phần đất hai huyện Xuân Trường và Giao Thủy ngày nay. Năm 1934, chia phủ Xuân Trường thành hai đơn vị hành chính là phủ Xuân Trường và huyện Giao Thủy- PV). Mờ sáng 19-8, nhân dân nô nức xuống đường tuần hành thị uy, dồn dập hướng về huyện lỵ Giao Thủy và phủ Xuân Trường. Cờ đỏ sao vàng như sóng trào dâng. Tiếng hô khẩu hiệu “Đả đảo phát xít Nhật”, “Phản đối xâm lược”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Việt Minh muôn năm” vang dội như sấm rền. Giữa trưa, cánh quân từ Hoạch Nha qua Quất Lâm, chợ Bề về; cánh Xuân Trường từ Lạc Nghiệp qua Lạc Thành, Ngô Đồng đã gặp nhau, thắt chặt vòng vây quanh huyện lỵ Giao Thủy. Cổng huyện mở toang, không có bóng dáng tên lính gác nào. Trong sảnh đường có 15 người ăn mặc chỉnh tề, đứng thành hàng chờ đón lực lượng cách mạng. Đại diện lực lượng cách mạng tuyên bố giải tán chính quyền bù nhìn; nhân sự trong cơ quan công quyền huyện vẫn làm việc bình thường dưới dưới sự điều hành của chính quyền cách mạng cho đến khi có sự thay đổi nhân sự chính thức. Tiếp đó, cũng trong ngày 19-8, quần chúng nhân dân đã chiếm phủ Xuân Trường, giải tán chính quyền tay sai thân Nhật, xóa bỏ bộ máy bù nhìn, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân.
Xuất phát tại phủ Xuân Trường từ 5 giờ sáng ngày 20-8, đến 10 giờ sáng, đoàn biểu tình rầm rộ kéo đến đồn Lạc Quần. Trong hồi ký của Trung tướng Vũ Cao ghi lại: “Các lực lượng vũ trang chiếm giữ bến phà. Hàng ngàn người tham gia biểu tình đã gặp lực lượng nhân dân tại chỗ ở phố chợ Lạc Quần với cờ đỏ sao vàng và các khẩu hiệu, vũ khí thô sơ trong tay”. Cả đoàn tiến về chiếm đồn Lạc Quần. Cho đến ngày 20-8, chính quyền cách mạng của nhân dân đã được thiết lập tại các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Ý Yên, Vụ Bản, Hải Hậu, Nghĩa Hưng.
Theo kế hoạch đã vạch ra, 4 giờ sáng ngày 22-8, hơn 30 nghìn người từ các ngả rầm rộ tiến về trung tâm thành phố Nam Định, với cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ “Việt Nam độc lập muôn năm”, và dao, mác, kiếm, mã tấu trong tay, vừa đi vừa hô khẩu hiệu vang như sấm rền. Đoàn biểu tình tiến vào các đồn binh và công sở, thế như chẻ tre. Bọn Nhật cử đại diện và phiên dịch ra tiếp đại diện Việt Minh và xin nộp vũ khí chấp nhận đầu hàng. 13 giờ ngày 22-8, quần chúng biểu tình từ các hướng tiến về tụ hội tại vườn hoa Cửa Đông, tổ chức mít tinh mừng thắng lợi, giành hoàn toàn chính quyền về tay nhân dân…
(Còn nữa)
(nguồn: qdnd.vn)