Khi hoạt động ở miền Tây Nam Bộ thời kháng chiến chống thực dân Pháp, ông nhất quyết không nhận chức Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá thay ông Nguyễn Thành Nhơn. Ông không chịu vì ông tự nhận thấy mình thua kém ông Nguyễn Thành Nhơn cả về học vấn và kinh nghiệm lãnh đạo. Chính tư duy này của ông đã hun đúc nên một nhà lãnh đạo Võ Văn Kiệt với những quyết định táo bạo.
Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
TP.HCM sau ngày thống nhất đất nước có khoảng 4 triệu dân và cũng chịu chung những khó khăn của đất nước khi ấy là thiếu lương thực trầm trọng. Đặc biệt, với chính sách “ngăn sông, cấm chợ” nên dù sống cạnh vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long song người dân vẫn thiếu đói. Khi ấy, ông Võ Văn Kiệt có nhiều quyết sách tháo gỡ khó khăn này, đặc biệt câu chuyện còn để lại dấu ấn sâu đậm nhất chính là việc ông “bật đèn xanh” để bà Ba Thi (Nguyễn Thị Ráo), Phó giám đốc Sở Lương thực TP.HCM khi ấy tổ chức đi xuống miền Tây mua lúa gạo theo giá thị trường chứ không theo giá Nhà nước quy định. Sau này, bà Ba Thi là một trong những người phụ nữ đầu tiên được phong anh hùng sau đổi mới đất nước.
Miền Nam những năm ấy thiếu điện trầm trọng, đầu năm 1992, Thủ tướng Võ Văn Kiệt chính thức tuyên bố cho làm đường dây 500KV nhưng đặt ra yêu cầu chỉ cho làm trong 2 năm vì nếu không làm xong trong 2 năm thì không giải quyết được điện cho miền Nam. Khi làm đường dây này, có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có cả giáo sư người nước ngoài đã viết thư gửi Bộ Chính trị phản đối đề xuất xây dựng đường dây 500KV.
Ông Vũ Ngọc Hải, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng, “tổng công trình sư” đường dây 500KV cho biết, thư của vị giáo sư cũng khiến “nhiều thành viên Bộ Chính trị băn khoăn”. Thế nhưng, khi các nhà khoa học trong nước luận chứng và khẳng định quyết tâm sẽ làm được, ông Võ Văn Kiệt đã quyết định làm và tuyên bố nếu đường dây 500kV Bắc - Nam không thành công ông sẽ từ chức Thủ tướng.
Cũng theo ông Vũ Ngọc Hải, khi đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất quyết tâm và ủng hộ xây dựng công trình đường dây 500KV: "Phải nói rằng, vào thời điểm đầy khó khăn đó, nếu không có Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì chúng tôi không làm được đường dây 500KV. Chỉ có sự quyết liệt của ông mới có thể có đủ các điều kiện, kinh phí để làm tốt. Được Thủ tướng tin tưởng rồi, chúng tôi cứ thế bắt tay vào làm".
Trân trọng và chân thành lắng nghe trí thức
Đồng chí Võ Văn Kiệt ghi dấu ấn sâu đậm của mình lên một giai đoạn đặc biệt sôi động của đất nước: Đổi mới. Một trong những ấn tượng về ông được nhắc nhớ nhiều đó là cách ông đã ứng xử, lắng nghe, trân trọng trí thức. Sau năm 1975, ông đã thuyết phục được nhiều trí thức của chế độ Sài Gòn ở lại cộng tác đóng góp xây dựng đất nước. Trên cương vị Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông tập hợp các chuyên gia để giúp ông nghiên cứu những vấn đề mà ông trăn trở, suy tư. Năm 1982, Văn phòng Kinh tế của Bí thư Thành ủy được thành lập, quy tụ rất nhiều trí thức tên tuổi, trong số đó có nhiều người của chế độ Sài Gòn, đặc biệt có cả TS Nguyễn Xuân Oánh, cựu Quyền Thủ tướng chế độ Việt Nam Cộng hòa. Ông đã tập hợp các trí thức xung quanh mình thành một nhóm chuyên gia: Nhóm thứ sáu (vì thường sinh hoạt vào ngày thứ sáu hằng tuần) bao gồm những chuyên gia như: Phan Chánh Dưỡng, Lâm Võ Hoàng, Trần Bá Tước, Huỳnh Bửu Sơn… và những người tâm huyết với đất nước, dân tộc. Những ý kiến đóng góp quý báu của các trí thức đều được ông trân trọng lắng nghe và có những chỉ đạo kịp thời.
Ông Phan Chánh Dưỡng, chuyên gia kinh tế cao cấp, thành viên của Nhóm thứ sáu cho biết, ông Võ Văn Kiệt không câu nệ người ta là ai, ở đâu, miễn là kiến thức mà người ta nói ra nó phù hợp với việc xây dựng đất nước là ông ấy chịu khó nghe.
Ông Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng, chuyên gia tư vấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho biết, ông Võ Văn Kiệt luôn khuyến khích mọi người nói thẳng tất cả những suy nghĩ của mình và dù có nói ngược với ý kiến của Thủ tướng cũng không sao, miễn là nói đúng và trúng…
Với đồng chí Võ Văn Kiệt, trí thức là tài nguyên lớn nhất của mọi quốc gia, nếu quy tụ được sức người thì mọi nguồn tài nguyên khác cũng có thể quy tụ…
Sinh thời, ông từng nói: “Trí thức tận tụy hay không là tùy vào chúng ta có tin dùng trí thức hay không, có giao cho họ đảm nhiệm những trọng trách mà họ xứng đáng được đảm nhiệm hay không. Điều đó không phụ thuộc vào bản thân của trí thức, mà vào nhà lãnh đạo có đủ khả năng thu phục nhân tâm và nhân tài hay không. Thu hút được nhân tài cũng là một tài năng”.
Khi không còn giữ cương vị lãnh đạo, đồng chí Võ Văn Kiệt tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến với các nhà lãnh đạo của đất nước, trong đó ông đề nghị lắng nghe, đối thoại với những người bất đồng chính kiến. Ông nói: "Chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là bình thường; điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng".
Nêu cao tinh thần hòa hợp dân tộc
Vợ và 2 con của đồng chí Võ Văn Kiệt đã thiệt mạng khi quân đội Mỹ bắn chìm tàu Thuận Phong trong một cuộc càn quét qua Chiến khu Củ Chi. Một con trai khác của ông đã hy sinh ở chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nhưng ông cũng chính là người đã đặt nền móng cho hòa giải dân tộc.
Nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM Nguyễn Thế Thanh cho biết, sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí Võ Văn Kiệt giao cho Thành đoàn tổ chức lực lượng thanh niên xung phong. Lực lượng này với chủ trương hễ là thanh niên, bất kể xuất thân thế nào, miễn là tự nguyện thì được kết nạp vào lực lượng. Phát biểu trước hàng ngàn thanh niên nam, nữ trên sân vận động Thống Nhất vào ngày 28-3-1976, ông đã mở đầu bài diễn văn trong ngày hôm ấy bằng câu “Các em yêu quý!”. Sau khi xóa đi mặc cảm về “vết đen lý lịch”, nhiều người “từ môi trường thanh niên xung phong những ngày đầu thống nhất ấy mà vươn lên đoạt lấy những thành công trong cuộc sống, trở thành “thần tượng”, thành “người của công chúng” nhiều năm sau này”.
Nhân dịp 30 năm ngày đất nước thống nhất 2005, trao đổi với báo chí quốc tế về những kỷ niệm ngày tiếp quản Sài Gòn và những bức xúc trước thời cuộc, đồng chí Võ Văn Kiệt đã nói: "Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu. Sau ngày 30-4-1975, khi đồng chí Lê Duẩn vào Sài Gòn, vừa xuống thang máy bay, đồng chí nắm tay đưa lên cao, giọng đầy cảm xúc, nói: "Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai". Sau 30 năm, tôi thấy không phải dễ dàng làm cho mọi người Việt Nam cảm nhận được điều đó".
Từ nỗi đau riêng của mình, ông đã vượt lên nỗi đau ấy vì hòa hợp, hòa giải dân tộc…