Con đường cách mạng đúng đắn
Thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 khẳng định nước Nga đã lựa chọn con đường cách mạng đúng đắn và phù hợp với lịch sử đương thời. Cách mạng Tháng Mười Nga làm thay đổi hoàn toàn vận mệnh đất nước và số phận hàng triệu con người ở Nga, từ kiếp làm thuê trở thành người làm chủ, đưa giai cấp công nhân Nga non trẻ bước lên vũ đài chính trị, trở thành giai cấp lãnh đạo cách mạng và tổ chức xây dựng chế độ mới, chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) đầu tiên trên thế giới. Quần chúng công nông được hưởng đầy đủ các quyền chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, được bảo vệ sức khỏe, chữa bệnh và nhiều giá trị khác, như: Quyền nhà ở, quyền học hành, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng tôn giáo… Đó chính là những giá trị xã hội XHCN ưu việt do Liên Xô tạo ra. Đúng như V.I.Lenin từng khẳng định: “Việc tổ chức ra các Xô viết này mở đầu cho một cái gì đó lớn lao, mới mẻ, từ trước tới lúc bấy giờ chưa hề có trong lịch sử cách mạng thế giới. Các Xô viết do nhân dân hoàn toàn tự động sáng tạo ra là hình thức của nền dân chủ chưa từng có trong một nước nào cả” (1).
Rạng sáng 7-11-1917, quân khởi nghĩa tấn công vào Cung điện Mùa Đông ở Petrograd (nay là Saint Petersburg), mở đầu cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Tiếng vang vượt biên giới
Những thành tựu của Cách mạng Tháng Mười tạo tiếng vang vượt qua biên giới nước Nga, ảnh hưởng to lớn đến phong trào cộng sản, phong trào giải phóng dân tộc cũng như xây dựng hệ thống XHCN trên toàn thế giới.
Dưới ánh sáng soi đường và sự cổ vũ của Cách mạng Tháng Mười Nga cũng như sự ra đời của Quốc tế Cộng sản, một thời đại mới của phong trào cộng sản thế giới bắt đầu. Những năm 1919-1921, một loạt đảng cộng sản được thành lập ở Đức, Áo, Hungaria, Ba Lan, Phần Lan, Argentina, Hy Lạp…. Việc thành lập các đảng cộng sản đem lại khả năng thực tế cho cách mạng XHCN có thể đấu tranh giành thắng lợi ở những nước này.
Hướng theo ngọn cờ của Cách mạng Tháng Mười Nga về xây dựng nhà nước và thiết lập CNXH hiện thực ở nước Nga, ngay từ những năm 1918-1919, nhiều quốc gia-dân tộc thuộc chế độ thuộc địa của Nga hoàng trước đây và các nước khác ở châu Âu cũng nổi dậy đấu tranh chống chế độ nhà nước tư sản và phong kiến ở nước mình để thành lập nên các nhà nước Xô viết. CNXH hiện thực từ một nước trở thành một liên bang của nhiều nước kể từ khi các nước Xô viết thuộc Nga hoàng trước đây thống nhất cùng nhau thành lập Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết (Liên Xô) vào năm 1922. Khi mới thành lập, Liên Xô chỉ có 4 nước cộng hòa liên bang, 13 nước cộng hòa tự trị và 6 tỉnh tự trị. Quá trình xây dựng CNXH có thêm nhiều nước cộng hòa XHCN Xô viết gia nhập Liên Xô, như: Uzbekistan, Turkmenistan (1924), Tajikistan (1929), Kazakhstan, Kyrgyzstan, Azerbaijan, Armenia, Grudia (1936), Latvia, Litva, Estonia, Moldova (1940). Trước khi tan rã, Liên Xô có 15 nước cộng hòa liên bang, 20 nước cộng hòa tự trị, 8 tỉnh tự trị, 10 khu dân tộc, 129 vùng và tỉnh.
Phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ, đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới ngày càng sôi động kể từ khi Liên Xô được thành lập, đặc biệt là sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai năm 1945, đã có một loạt nước XHCN ra đời ở Đông Âu, châu Á và Mỹ Latinh, bao gồm các nước Liên Xô, Cộng hòa dân chủ Đức, Bulgaria, Hungaria, Tiệp Khắc, Albania, Mông Cổ, Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Cuba… Như vậy, CNXH từ một nước liên bang trở thành một hệ thống XHCN trên thế giới.
Những thành tựu xây dựng CNXH của các nước XHCN trên thế giới đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh vì dân sinh, dân chủ, tiến bộ xã hội trong các nước tư bản chủ nghĩa, đã động viên nhân dân các nước thuộc địa đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc. Phong trào giải phóng dân tộc ở khắp các châu lục Á, Phi, Mỹ Latinh đã phát triển mạnh mẽ trở thành những cao trào cách mạng to lớn trong thế kỷ 20. Những năm 60 của thế kỷ 20, trong cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc đã có khoảng 100 quốc gia giành được độc lập dân tộc. Sau khi giành được độc lập, tùy theo hoàn cảnh của quốc gia, dân tộc mình, các nước này không ngừng ủng hộ mạnh mẽ phong trào XHCN, tự nguyện đi theo con đường XHCN với những mức độ khác nhau.
Ngày nay, những gì đã và đang diễn ra ở Nga, các nước cộng hòa trong Liên bang Xô viết trước đây và ở các nước Đông Âu đã chứng minh rằng, trên thực tế, sự nghiệp của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn đang sống trong lòng nhân dân ngay tại các nước mà chế độ XHCN ở đó đã bị đổ vỡ.