(QK7 Online) - Trong những năm qua, việc xây dựng môi trường văn hóa pháp luật ở Trường Quân sự Quân khu 7 đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần thực hiện tốt công tác giáo dục đào tạo, xây dựng nhà trường nền nếp chính quy, vững mạnh toàn diện. Cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ của nhà trường không ngừng tu dưỡng, phấn đấu rèn luyện về mọi mặt, có nhận thức đầy đủ về mục đích, yêu cầu và nội dung của việc xây dựng môi trường văn hóa pháp luật, đó là xây dựng ý thức, tinh thần, trách nhiệm cao trong thực hiện các nhiệm vụ.
Đại tá Hà Công Chờ, Phó Chính ủy Trường Quân sự Quân khu 7 kiểm tra sổ sách CTĐ, CTCT tại Hội thi mô hình học cụ năm 2020 của nhà trường.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng môi trường văn hóa pháp luật ở nhà trường vẫn còn những hạn chế nhất định. Không ít cán bộ, học viên, chiến sĩ nhận thức về pháp luật, kỷ luật chưa thật đầy đủ, chưa thấy hết vai trò to lớn của môi trường văn hóa pháp luật trong xây dựng nền nếp chính quy của đơn vị. Qua tổng kết, nhà trường rút ra những bài học kinh nghiệm để lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xây dựng môi trường văn hóa pháp luật, góp phần giáo dục, rèn luyện cán bộ, học viên luôn hướng tới giá trị chân – thiện – mỹ, lối sống có văn hóa, ý thức kỷ luật, tình đoàn kết quân dân, tạo nền tảng vững chắc để nâng cao sức mạnh chiến đấu của nhà trường.
Thứ nhất là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tổ chức, lực lượng về xây dựng môi trường văn hóa pháp luật. Đây là kinh nghiệm quan trọng mang tính quyết định đến việc tạo sự đoàn kết, thống nhất, ổn định, phát triển về tư tưởng và hành động cho các chủ thể của nhà trường. Các chủ thể đã có nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường văn hóa pháp luật sẽ tự giác, tích cực, chủ động trong việc chấp hành nghiêm Hiến pháp, pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, quy định của đơn vị. Nhà trường có nhiều hình thức, biện pháp để tuyên truyền, giáo dục, tổ chức xây dựng những nội dung, chương trình hành động cho các chủ thể, phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Các cơ quan, đơn vị kiên quyết đấu tranh phê phán nhận thức lệch lạc, thiếu trách nhiệm trong xây dựng môi trường văn hóa pháp luật; những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện thiếu ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật của Quân đội, quy định của đơn vị.
Chiến sĩ nữ huấn luyện tại Trường Quân sự Quân khu 7 hành quân ra thao trường.
Thứ hai là, phát huy sức mạnh của các tổ chức, lực lượng để xây dựng môi trường văn hóa pháp luật tự giác, nghiêm minh. Mọi suy nghĩ, hành động của các cơ quan, đơn vị của nhà trường đều hướng vào các hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật của bộ đội với nhiều hình thức và cách làm phong phú, đa dạng; xây dựng cảnh quan môi trường chính quy, xanh, sạch, đẹp; đảm bảo đầy đủ vật tư, trang bị, tổ chức các hoạt động văn hóa phục vụ đời sống tinh thần bộ đội, nhất là các dịp lễ, tết, cao điểm trực sẵn sàng chiến đấu… Nhiều mô hình xây dựng môi trường văn hóa pháp luật xuất hiện như: Công viên văn hóa quân nhân, sinh nhật tập thể quân nhân, mô hình “1 học, 2 làm, 3 yêu, 4 nói (1 học là: Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước, nhiệm vụ Quân đội, đơn vị; 2 làm là: Làm vì Tổ quốc, vì Nhân dân, vì Quân đội, đơn vị và làm vì sự trưởng thành của bản thân; 3 yêu là: Yêu phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; yêu nhiệm vụ đang thực hiện; yêu đơn vị, yêu đồng chí, đồng đội; 4 nói là: Nói không với tư tưởng dao động, ngại khó, ngại khổ, nói phải đi đôi với làm; nói không với tự do tùy tiện, vi phạm kỷ luật; nói không với bè phái cục bộ; nói không với lãng phí).
Thứ ba là, chú trọng phát hiện, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong xây dựng môi trường văn hóa pháp luật. Các cơ quan, đơn vị chú trọng đến việc xây dựng những tập thể, cá nhân có những kinh nghiệm, phương pháp, sáng kiến hay trong xây dựng môi trường văn hóa pháp luật như: Kết hợp giữa tuyên truyền, giáo dục với xử lý tình huống; tổ chức hội thi, hội diễn; xây dựng đơn vị điểm trong chấp hành pháp luật từ đó nhân rộng trong toàn trường; phát động cuộc thi tìm hiểu về văn hóa pháp luật; thành lập tổ tư vấn pháp luật; xây dựng tủ sách pháp luật, tu sửa, mua sắm trang thiết bị cần thiết cho phòng Hồ Chí Minh ở các đơn vị quản lý học viên.
Những kinh nghiệm về xây dựng môi trường văn hóa pháp luật ở Trường Quân sự Quân khu được rút ra từ những hoạt động thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn của cấp trên và phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường. Các kinh nghiệm đó không chỉ giúp ích cho nhà trường trong việc xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh mà còn góp phần rèn luyện ra những học viên có năng lực, trình độ, hiểu biết sâu sắc về đời sống xã hội, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trên mọi cương vị công tác.
Nguyễn Đức Thịnh