Những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn trân trọng những đóng góp của bà con kiều bào trên khắp thế giới đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Có thể nói, tình yêu quê hương đất nước, trách nhiệm với Tổ quốc luôn cháy trong tim đại đa số kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Bà con luôn tự hào vì mình có phần đóng góp trong sự phát triển của nước nhà, khi mà vị thế của đất nước đang lên trên trường quốc tế. Niềm tự hào ấy lan tỏa, tạo động lực thôi thúc kiều bào hướng về Tổ quốc nhiều hơn, có những đóng góp đáng kể trên nhiều phương diện.
\
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu kiều bào về dự Chương trình "Xuân quê hương 2019". Ảnh: qdnd.vn
Hiện nay, khoảng 4,5 triệu người Việt Nam đang định cư, làm ăn sinh sống ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2018, lượng kiều hối về Việt Nam đạt gần 16 tỷ USD (tăng hơn 100 lần so với năm 1993), trong đó có 5 tỷ USD về TP Hồ Chí Minh. Không những vậy, nhiều giáo sư, nhà khoa học Việt kiều hiện đang tham gia tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ và có hàng nghìn kiều bào đang đầu tư vào nước ta với số vốn hàng tỷ USD. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm có từ 300 đến 500 lượt trí thức kiều bào về nước tham gia các hoạt động khoa học, công nghệ, giáo dục-đào tạo, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Điều này cho thấy vai trò quan trọng và những đóng góp ấn tượng của kiều bào đối với sự phát triển của quê hương, đất nước.
Để huy động nguồn lực của kiều bào, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách phù hợp, khích lệ những đóng góp của bà con đối với sự phát triển nước nhà. Chúng ta mong muốn mỗi kiều bào sẽ là một “đại sứ” để quảng bá, giới thiệu hình ảnh của Việt Nam ra cộng đồng quốc tế, là cầu nối để tăng cường giao lưu, hợp tác giữa Việt Nam với các nước, vì mục tiêu hòa bình, hữu nghị và phát triển. Chúng ta cũng mong nhiều doanh nhân, nhà khoa học Việt kiều tích cực đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới và đưa các doanh nghiệp nước ngoài, các công ty đa quốc gia vào Việt Nam đầu tư, sản xuất, kinh doanh và là “chất xúc tác” đối với những thành công của hoạt động đối ngoại nhân dân hiện nay.
Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước không thể thiếu vai trò của kiều bào. Thời gian tới, cần đổi mới và có nhiều chính sách phù hợp hơn để thu hút nguồn lực của kiều bào cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Từ Trung ương đến các địa phương cần cung cấp đầy đủ thông tin cho kiều bào về cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư, nhất là trong xây dựng hệ thống giao thông hiện đại, xây dựng đô thị sáng tạo, đô thị thông minh và chính quyền điện tử... Trước hết, phải khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự tôn dân tộc và ý thức đối với cộng đồng của kiều bào.
Kiều bào luôn là "một phần máu thịt" không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Hy vọng thời gian tới, “một phần máu thịt” ấy sẽ góp phần để đất nước ta thu được nhiều thành công hơn nữa trên con đường hội nhập và phát triển.
LÊ PHI HÙNG
Nguồn: qdnd.vn