
1. Số tháng nghỉ hưu trước tuổi để tính hưởng trợ cấp hưu trí một lần cho thời gian nghỉ sớm là số tháng tính từ tháng hưởng lương hưu hằng tháng theo quyết định của cấp có thẩm quyền so với hạn tuổi hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 5 Điều này; tối đa không quá 60 tháng.
2. Số năm nghỉ hưu trước tuổi để tính hưởng trợ cấp cho số năm nghỉ sớm là số năm được tính từ tháng hưởng lương hưu hằng tháng theo quyết định của cấp có thẩm quyền so với hạn tuổi hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 5 Điều này; nếu có số tháng lẻ thì được làm tròn theo nguyên tắc: Từ 1 tháng đến đủ 6 tháng tính là 0,5 năm; từ trên 6 tháng đến dưới 12 tháng tính tròn là 1 năm.
3. Thời gian để tính hưởng trợ cấp phục viên, trợ cấp thôi việc hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều 10, điểm a khoản 1 Điều 11 và điểm a khoản 1 Điều 12 Thông tư này thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP; tối đa không quá 60 tháng.
4. Thời gian để tính hưởng trợ cấp theo số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hướng dẫn tại điểm b, điểm c khoản 1, điểm b, điểm c khoản 2 Điều 6; điểm b khoản 1 Điều 10, điểm b khoản 1 Điều 11, điểm b khoản 1 Điều 12 Thông tư này thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP.
5. Cách xác định hạn tuổi phục vụ cao nhất hoặc tuổi nghỉ hưu đối với các đối tượng để tính hưởng chính sách, chế độ nghỉ hưu trước tuổi:
a) Hạn tuổi phục vụ cao nhất:
- Đối với sĩ quan thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 52/2024/QH15 (cấp úy 50; Thiếu tá 52, Trung tá 54; Thượng tá 56; Đại tá 58; cấp tướng 60).
- Đối với quân nhân chuyên nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 17, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng số 98/2015/QH13 (cấp úy đối với nam, nữ đều là 52 tuổi; Thiếu tá, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp đối với nam, nữ đều là 54 tuổi; Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp đối với nam là 56 tuổi, nữ là 55 tuổi).
- Đối với công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng thực hiện theo quy định tại Điều 31 Luật số 98/2015/QH13 (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi).
b) Tuổi nghỉ hưu:
- Đối với công chức quốc phòng; lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước; công chức; viên chức thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15; Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18-11-2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu.
- Đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Cơ yếu số 05/2011/QH13; Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP.
c) Cấp bậc quân hàm để xác định hạn tuổi cao nhất đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp:
- Cấp bậc quân hàm để xác định hạn tuổi cao nhất là cấp bậc quân hàm của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp ghi trong quyết định nghỉ hưu (nghỉ chuẩn bị hưu) của cấp có thẩm quyền.
d) Cách xác định tuổi của các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi:
- Tuổi để xác định các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi so với hạn tuổi phục vụ cao nhất hoặc tuổi nghỉ hưu theo hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản này được tính từ tháng sinh đến tháng liền kề trước khi hưởng lương hưu hằng tháng.