(QK7 Online) – Chiều 7-8, Hội đồng Thi đua khen thưởng Quân khu 7 tổ chức hội nghị bình xét danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân trong kháng chiến đối với liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát. Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Quân khu chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.
Dự hội nghị có Thiếu tướng Trần Vinh Ngọc, Phó Chính ủy Quân khu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng Quân khu; Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Quân khu; các đồng chí Ủy viên Hội đồng Thi đua khen thưởng Quân khu và đại diện Thủ trưởng Bộ Tư lệnh TPHCM.
Đại tá Nguyễn Như Trúc, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu, đại diện Cơ quan Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng Quân khu trình bày Tờ trình đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân đối với liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát.
Đồng chí Lê Thị Bạch Cát (10-10-1940/ 5-5-1968 ), bí danh Sáu Xuân, nguyên Quận ủy viên, Bí thư Quận đoàn, Bí thư Chi bộ Võ trang tuyên truyền liên Quận 2 - 4 (nay là Quận 1, TPHCM). Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đang là giáo viên Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội, đồng chí viết “huyết tâm thư” tình nguyện vào Nam đánh giặc. Tại chiến khu Tây Nam Bến Cát, tỉnh Bình Dương, đồng chí cảm hóa và giác ngộ nhiều sinh viên, trí thức đứng về phía cách mạng. Tại mặt trận Đà Lạt, với vai trò của một điệp viên, đồng chí phát triển 140 cơ sở bí mật, 10 du kích mật, gây dựng “lõm” chính trị và phối hợp chỉ đạo cuộc biểu tình tại trung tâm chợ Hòa Bình với trên 5.000 sinh viên, học sinh, tiểu thương, công nhân và Nhân dân tham gia, chiếm giữ Đài Phát thanh Đà Lạt từ sáng 30-3 đến 4-4-1966.
Thiếu tướng Trần Vinh Ngọc, Phó Chính ủy Quân khu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng Quân khu phát biểu tại hội nghị.
Tại Sài Gòn, đồng chí tham gia đợt 1 và đợt 2 Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đặc biệt trong đợt 2 vào đầu tháng 5/1968, Trung đội do đồng chí Lê Thị Bạch Cát chỉ huy đã kiên cường chiến đấu giữ từng tấc đất, từng bờ tường, đẩy lui nhiều đợt tiến công của cả một tiểu đoàn địch. Quá trình chiến đấu đồng chí Lê Thị Bạch Cát bị trọng thương, nhận thấy tình hình khó có thể đánh thắng được quân địch, để bảo toàn lực lượng, đồng chí lệnh cho đơn vị rút lui, 1 mình chặn địch và anh dũng hi sinh vào trưa ngày 5/5/1968.
Thiếu tướng Hoàng Đình Chung, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu (bên trái) và đại biểu dự hội nghị.
Hành động chỉ huy kiên quyết, chiến đấu ngoan cường của đồng chí Lê Thị Bạch Cát xứng đáng là hành động anh hùng. Là biểu hiện cho sự dũng cảm, ngoan cường của người đảng viên cộng sản, chiến sĩ quân giải phóng miền Nam Việt Nam; là tấm gương tiêu biểu, rạng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu, chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, góp phần bảo vệ miền Nam, thống nhất đất nước. Hành động anh hùng đó đã được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân Quận 1 lập văn bia để tưởng nhớ tại số 83/2 Đề Thám, Quận 1, TPHCM.
Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Quân khu kết luận hội nghị.
Kết luận hội nghị, Trung tướng Trần Hoài Trung đánh giá hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân của liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát đầy đủ, chặt chẽ, đúng qui trình thủ tục; thành tích, chiến công của liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát rất xứng đáng, đã được nhiều ngành, đoàn thể thừa nhận, khen thưởng, được viết sách, dựng phim, đặt tên đường, tên trường học, tên giải thưởng. Đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu đề nghị cơ quan thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng Quân khu tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ, đảm bảo các tư liệu của gia đình, đồng đội và lịch sử phải thống nhất, thể hiện rõ hành động anh hùng của liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát. Trên cơ sở đó, Hội đồng Thi đua khen thưởng Quân khu trình Thường vụ Đảng ủy Quân khu xem xét, thông qua.
Tấn Chí, Nguyễn Hiền