Trong văn bản, Viện Kinh tế tài nguyên và Môi trường cho biết, từ ngày Quyết định 79/2024 có hiệu lực thì các sở, ngành giải quyết rất nhiều vấn đề trong đó bồi thường, tái định cư, tính tiền thuế các loại đất, tiền sử dụng đất, tiền thuế.
Theo đó, trong Điều 3 Quyết định 79/2024 có quy định Điều khoản chuyển tiếp: Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã tiếp nhận hồ sơ của người sử dụng đất trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành, giá đất để tính nghĩa vụ tài chính, thuế về đất đai được tiếp tục thực hiện theo quy định tại thời điểm nộp hồ sơ.
Điều này đồng nghĩa với việc những hồ sơ nhà đất của người dân, trong đó có hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất nộp trước ngày 31/10/2024 khi Quyết định 79 có hiệu lực sẽ được tính tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, cũng đồng nghĩa với việc tại thời điểm người dân nộp hồ sơ hợp lệ.
Cũng theo Quyết định 79, tiền sử dụng đất khi người dân chuyển mục đích sử dụng đất được áp dụng bảng giá đất theo Quyết định 02/2020 và theo Quyết định 56/2023 về hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K).
Dù Quyết định 79 quy định các điều khoản là rất cụ thể, rõ ràng trong quá trình chỉ đạo và điều hành những chính sách mới về Luật Đất đai 2024. Tuy nhiên theo Viện Kinh tế tài nguyên và Môi trường, thời gian qua vẫn ghi nhận nhiều phản ánh từ người dân về bất nhất trong cách tính nghĩa vụ tài chính của cơ quan thuế. Nhiều Chi cục thuế trên địa bàn thành phố vẫn tính tiền sử dụng đất cho người dân theo bảng giá đất điều chỉnh mới (Quyết định 79/2024) dù thời gian nộp hồ sơ là trước 31/10 (thời điểm bảng giá mới chưa có hiệu lực). Điều này dẫn đến nhiều hồ sơ bị đội tiền sử dụng đất lên quá cao so với cách tính của bảng giá cũ (Quyết định 02/2020).
Người dân đang làm hồ sơ đất đai tại một Văn phòng Đăng ký Đất đai.
Viện này cho rằng, giữa Quyết định 79 của UBND TP và Văn bản hướng dẫn của Cục Thuế TP.HCM có sự vênh nhau, không đồng nhất, thống nhất về cách hiểu, cách thực hiện, cách áp dụng. Điều này đã dẫn đến việc các Chi cục thuế tính sai tiền sử dụng đất cho người dân khi cùng áp dụng Quyết định 02/2022, Quyết định 56/2023 nhưng lại giữ hệ số K và bỏ hạn mức.
Trong khi Quyết định 56/2023 đã quy định rất rõ, đối với đất trong hạn mức, tiền sử dụng đất tính theo giá đất trong bảng giá đất của quyết định 02/2020. Đối với đất ngoài hạn mức áp dụng hệ số K. Trong đó hệ số K được áp dụng cho mỗi khu vực sẽ khác nhau, từ 2,5-2,9 lần.
Để đảm bảo quyền lợi của người dân, Viện này kiến nghị thành phố chỉ đạo cơ quan thuế cụ thể là Cục Thuế TP.HCM thực hiện nghiêm túc các điều khoản về chuyển tiếp theo Quyết định 79. Trường hợp có vướng mắc thì xin ý kiến chỉ đạo để điều chỉnh cho phù hợp, tránh bất nhất trong chính sách về giải quyết hồ sơ một cửa liên thông về tính thuế cho người dân.
Trước đó, UBND đã ban hành quyết định 79 quy định bảng giá đất điều chỉnh để áp dụng từ ngày 31/10 đến 31/12/2025.
Theo đó, giá đất ở cao nhất 687 triệu đồng/m2 tại các tuyến Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi. Trong khi trước đây giá đất tại 3 tuyến này là 162 triệu đồng/m2 (bảng giá theo quyết định 02/2020) x với hệ số K là 3,5 sẽ là 567 triệu đồng/m2.
Như vậy so với giá đất cũ thì giá mới tăng 120 triệu đồng/m2 (khoảng 21%). Giá này đã có điều chỉnh giảm so với bảng giá dự thảo trước đó (810 triệu đồng/m2).
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, nếu bảng giá đất theo quyết định 02/2020 bằng khoảng 30% giá thị trường tại TP.HCM thì bảng giá đất mới được điều chỉnh sẽ bằng khoảng 50%. Đáng lưu ý, giá đất thương mại, dịch vụ đã được điều chỉnh giảm sâu.
Diệu Trang