Bộ GTVT nhấn mạnh sự cần thiết đầu tư và thống nhất phối hợp cùng UBND các địa phương trong quá trình triển khai. Cụ thể:
Tại TP.HCM: Bộ GTVT kiến nghị giao UBND TP.HCM chủ trì nghiên cứu và hoàn thiện thủ tục để triển khai ngay sau khi đồ án Quy hoạch TP.HCM (2021-2030, tầm nhìn 2050) và Quy hoạch chung TP.HCM (2040, tầm nhìn 2060) được phê duyệt.
Tại Long An và Tiền Giang: UBND các tỉnh Long An và Tiền Giang sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu chi tiết các phương án đầu tư, làm rõ nguồn vốn, cơ cấu vốn và đề xuất chủ trương đầu tư.
Trường hợp cần hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, các địa phương cần hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo các Bộ liên quan để trình phê duyệt.
Trục giao thông TP.HCM - Long An - Tiền Giang dài khoảng 55 km, quy hoạch tiêu chuẩn đường cấp III với 6 làn xe, đi qua các trung tâm kinh tế - xã hội và khu công nghiệp lớn, đóng vai trò quan trọng trong kết nối vùng và thúc đẩy giao thương.
Hiện nay, dự án đã xác định tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 28.616 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn hiện tại đạt 10.456 tỷ đồng, còn thiếu khoảng 18.160 tỷ đồng.
Đoạn qua TP.HCM (5,8 km): Tổng mức đầu tư khoảng 5.238 tỷ đồng, trong đó 2.619 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng.
Đoạn qua Long An (35,6 km): Tổng mức đầu tư khoảng 16.208 tỷ đồng, đã cân đối được 7.837 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA Hàn Quốc và ngân sách tỉnh Long An; còn thiếu khoảng 8.370 tỷ đồng.
Đoạn qua Tiền Giang (14 km): Tổng mức đầu tư khoảng 7.170 tỷ đồng, bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng (3.105 tỷ đồng) và chi phí triển khai tuyến chính (2.168 tỷ đồng).
Để đảm bảo sự đồng bộ trên toàn tuyến, dự án cần được thống nhất với các hạng mục đã được phê duyệt, như 3 cầu lớn trên ĐT.827E sử dụng vốn vay ODA Hàn Quốc. Theo đề xuất, tuyến đường sẽ có 2 mặt cắt ngang:
Đoạn qua khu đô thị: Nền đường rộng 40 m, mặt đường 22,5 m.
Đoạn thông thường: Nền đường rộng 30,5 m, mặt đường 22,5 m.
Bộ GTVT đề nghị các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm đảm bảo tiến độ và hiệu quả khai thác dự án.
N.Đăng