(QK7 Online) - Đã từng đi qua những tháng ngày mưa bom, bão đạn, kiên cường chống giặc ngoại xâm, nữ thương binh Trần Thị Cẩm Giang hiểu rõ giá trị hòa bình và những di chứng mà chiến tranh để lại. Bà đã dành trọn tình cảm, tiền bạc để chăm sóc, nuôi dưỡng và xây dựng “Mái ấm Thiện Duyên” cho những em nhỏ bị nhiễm chất độc da cam, đioxin, hàng ngày tận tụy chăm sóc các em như chính những người con ruột thịt của mình.
Là người con của vùng “đất thép” Củ Chi, bà Trần Thị Cẩm Giang tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi. Trong quá trình làm nhiệm vụ, người nữ chiến sĩ biệt động bị địch bắt. Mua chuộc không thành, chúng dùng nhục hình tra tấn dã man. Trong kháng chiến, bà là nữ chiến sĩ ngoan cường, kiên trung. Non sông thống nhất, bà bắt đầu hành trình chữa lành vết thương do chiến tranh để lại.
Mái ấm Thiện Duyên.
Bà Giang nhớ lại: “Trong những chuyến đi về thăm lại chiến trường xưa, chứng kiến hoàn cảnh của những đứa trẻ tật nguyền do di chứng chất độc da cam/đioxin, tình thương cứ trỗi dậy, tôi nảy sinh ý tưởng nhận cưu mang vài cháu. Rồi như một cái duyên có tự bao giờ, trẻ sơ sinh tật nguyền bị bỏ rơi ngày càng nhiều, tôi đã gặp các con thì không thể bỏ mặc được”. Ðể có đủ chỗ cho những người con của mình cùng ở, bà Giang đã bán căn nhà tại quận Tân Bình, về Củ Chi xây Mái ấm Thiện Duyên.
Bà Trần Thị Cẩm Giang chăm sóc những người con bị chất độc da cam.
Mái ấm Thiện Duyên tọa lạc tại địa chỉ 73 Nguyễn Thị Nê, ấp Phú Hòa, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, được bà Giang xây dựng năm 1988, từ 3 trẻ nhỏ bị nhiễm chất độc da cam ban đầu, hiện đã có hơn 130 trẻ. Có em ba mẹ mang đến, có em bà nhìn thấy ngoài đường đem về nuôi, đa phần là tật nguyền bởi di chứng của chất độc đioxin, các em ở đây đều gọi bà là “Má Mười”. Trong những người con ấy, có hơn 70 em bị nhiễm chất độc màu da cam và phần lớn đều bị bại não, phải nằm một chỗ hoặc đi lại rất khó khăn. Má Mười lo ăn, lo mặc, thuốc thang, rồi tiền đi học. Có thời điểm thiếu tiền, má phải bán nốt căn nhà còn lại và vay mượn thêm để lo cho các con.
Bà Trần Thị Cẩm Giang chăm sóc những người con trong mái ấm.
36 năm qua, để có thêm tiền chăm lo cho các con, ngoài khu vui chơi, khu nghỉ ngơi, bà Giang dành khu đất để chăn nuôi, trồng nấm bào ngư, nấm hương... Bên cạnh đó, còn dạy các em kết cườm. Qua bàn tay của các em, nhiều sản phẩm kết từ hạt cườm rất đẹp đã ra đời như bình hoa, lồng đèn, bộ tứ bình, mười hai con giáp, giỏ xách.
Nhờ sự chung tay của những tấm lòng nhân ái mà Mái ấm Thiện Duyên giờ đã được tân trang sạch đẹp, tiện nghi với những khu vực phù hợp với từng nhóm trẻ bình thường, trẻ mắc bệnh nhẹ, trẻ bị bại não, trẻ bị động kinh, trẻ sơ sinh và phòng chăm sóc đặc biệt. Các em ở đây đều theo họ Trần của bà Giang, con trai tên là Thiện, con gái tên là Duyên. Em Trần Khánh Duyên, Mái ấm Thiện Duyên bộc bạch: “Ở đây em được má Mười chăm sóc, lo cho em đi học. Má luôn dạy em phải cố gắng học tập, để sau này có cuộc sống tốt hơn”.
Bà Trần Thị Cẩm Giang và những người con trong mái ấm.
Bà Giang tâm sự: “Cuộc đời đã cho tôi hơn 130 đứa con. Dù khó khăn cũng phải lo cho các con có cái ăn, cái mặc, đứa khỏe mạnh thì được đến trường. Tôi lo mình không đủ sức khỏe để chăm lo cho các con, rất sợ các con sẽ không được no đủ. Trái tim tôi còn đập, còn phục vụ cho các con được thì tôi còn làm”. Nói đến đây, mắt bà Giang đỏ hoe, hai giọt nước mắt lăn dài trên má. Chúng tôi hiểu, bà Giang còn lắm nỗi lo cho tương lai các em.
Giờ đây, dù tuổi cao, sức khỏe đã yếu nhưng ngày ngày bà Giang vẫn chăm lo chu đáo từng miếng cơm, giấc ngủ cho những “đứa con”. của mình. Nuôi một trẻ nhỏ bình thường đã khó, chăm sóc những trẻ khuyết tật càng không thể kể hết nỗi cơ cực. Bà Giang vẫn cần mẫn làm việc, kiếm tiền lo cái ăn, cái mặc cho hơn 130 đứa con của mình. Từ trồng rau, làm bún, bán bánh tráng, chao, tương… không nề hà công việc gì, miễn là lương thiện và có tiền để thêm vào bữa cơm, tấm áo cho con trẻ.
Bạch Thiết