(QK7 Online) - Trong công tác hậu cần, Sư đoàn 302 đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, bảo đảm cho bộ đội ăn ngon, ngủ ấm, uống sạch, trong đó, Mô hình “Sản xuất nước mắm sạch, an toàn” của Trung đoàn 201 là một điểm sáng về công tác bảo đảm hậu cần, nâng cao chất lượng đời sống cán bộ, chiến sĩ.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 201 bên các lu ủ cá làm nước mắm.
Thượng tá Nguyễn Thiện Nhân, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 201 chia sẻ: “Mỗi năm, toàn Sư đoàn 302 tiêu thụ khoảng trên 15.000 lít nước mắm, phải mua với giá cao và không ổn định nguồn nhập. Trung đoàn 201 đóng quân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, dồi dào nguyên liệu chế biến nước mắm sạch, an toàn. Xác định đây là điều kiện thuận lợi góp phần bảo đảm, nâng cao chất lượng bữa ăn cho bộ đội nên chúng tôi bắt tay vào sản xuất nước mắm”.
Cuối năm 2017, Thượng úy QNCN Mai Quốc Duy, nhân viên Tài chính Trung đoàn nghiên cứu, đề xuất thử nghiệm Mô hình “Sản xuất nước mắm sạch, an toàn” và được Đảng ủy Trung đoàn nhất trí tiến hành thử nghiệm. Sau 1 năm sản xuất thử nghiệm, đúc rút kinh nghiệm, đơn vị đã có thành quả, gửi mẫu đi kiểm định và được cơ quan chức năng kết luận đạt các tiêu chuẩn theo quy định. Để đạt hiệu quả tốt hơn, đầu năm 2019, Trung đoàn cử cán bộ, nhân viên đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất nước mắm tại một số cơ sở chuyên sản xuất nước mắm truyền thống tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thực hiện mô hình, Trung đoàn xây dựng kế hoạch cụ thể, tiến hành chuẩn bị nhà xưởng diện tích khoảng 100m2, xây dựng 2 bể chứa, mua sắm các trang thiết bị như 30 lu sành ủ cá, máy bơm và nhiều dụng cụ bảo đảm khác; khảo sát thị trường, nhập nguyên liệu và triển khai thực hiện sản xuất nước mắm đúng tiến độ xác định. Để có nguồn nguyên liệu chất lượng, đơn vị cử cán bộ khảo sát và thu mua cá tại khu vực tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; tiến hành nhập muối hạt tinh khiết, các nguyên liệu phục vụ sản xuất, đóng gói nước mắm thành phẩm. Chủ động nắm bắt mùa vụ thu hoạch, liên hệ nhiều đầu mối, ký kết hợp đồng và thu mua ở nhiều vựa cá khác nhau.
Bộ đội chuẩn bị nguyên liệu làm nước mắm.
Cá tươi nhập về được rửa sạch bằng nước biển rồi trộn muối theo tỉ lệ 3 cá 1 muối; ủ trong các lu sành lớn, phủ lớp muối dày để gài nén cá lại. Cá sẽ được ủ từ 12 - 15 tháng, định kỳ đảo cá theo quy trình mỗi tháng 8 lần, khi đảo cá xong phơi nắng một ngày. Sau một năm đảo cá thì có thể đưa ra bể lọc, thu hoạch theo phương pháp ép nhỏ giọt, thành phẩm ra lò là những giọt nước mắm với màu cánh gián, hương thơm đượm. Sau đó, đơn vị tiến hành kiểm tra độ đạm, tổ chức đóng chai hoặc can theo quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh, không sử dụng chất bảo quản. Nước mắm sản xuất ra được chuyển ngay đến các bếp ăn tập trung trong toàn Sư đoàn để phục vụ bữa ăn bộ đội.
Trung tá Phạm Văn Điền, Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật Trung đoàn cho hay: “Mỗi năm đơn vị nhập khoảng 7 đến 10 tấn cá tươi, cho “ra lò” mỗi tháng từ 1.200 - 1.300 lít nước mắm sạch, an toàn, bảo đảm chất lượng. Theo hạch toán, mỗi năm thu từ 25 - 30 triệu đồng. Mặc dù lợi nhuận ít nhưng với quan điểm “an toàn cho sức khỏe và mục đích phục vụ, nâng cao chất lượng bữa ăn bộ đội là chính” nên Trung đoàn chú trọng đi vào chất lượng. Lợi nhuận thu được một phần để tái sản xuất, phần còn lại đưa vào ăn thêm cho bộ đội và thăm, động viên quân nhân có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, cải tạo cảnh quan môi trường”.
Không chỉ có Mô hình “Sản xuất nước mắm sạch, an toàn”, Trung đoàn 201 còn nổi bật với khu tăng gia sản xuất đủ các chủng loại rau, củ, quả xanh mướt; ao cá khoảng 3.000m2 với sản lượng cá thu hoạch hàng năm đạt trên 3 tấn góp phần để đơn vị thực hiện tốt Phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”.
Nguyễn Hữu Lộc