Tình nguyện đến tâm dịch
Vợ từ trên Tây Nguyên xuống Đồng Nai chưa có việc làm, con nhỏ mới tròn 16 tháng tuổi, nhà lại đang ở trong khu vực phong tỏa thuộc phường Long Bình Tân (TP Biên Hòa), thế nhưng Đại úy Nguyễn Duy Lưu, Đại đội trưởng Đại đội 8, Trung đoàn 31, Sư đoàn 309 vẫn đăng ký tham gia hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch. Trước lúc lên đường, Đại úy Lưu cẩn thận chuẩn bị mọi thứ cần thiết để phòng trường hợp mình có thể trở thành F0. Đơn vị của anh được phân công đi phát quà, phát phiếu đăng ký mua hàng và phát lương thực, thực phẩm cho người dân 16 phường thuộc quận 8, TP Hồ Chí Minh.
Đại úy Lưu cho biết, ngay sau khi đặt chân đến Sài Gòn đơn vị được phân công ở tạm tại một trường mầm non. Cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng ổn định chỗ ở và bắt tay vào thực hiện hiện nhiệm vụ. Tổ của anh gồm 2 cán bộ và 5 chiến sĩ đảm nhận việc giúp người dân phường 4 mua nhu yếu phẩm, tuyên truyền phòng chống dịch. Có những ngày tổ của anh phải làm việc từ 7 giờ sáng cho đến 21 giờ tối, nhưng không ai than phiền. “Nhìn các cô chú cười, nghe họ nói lời cảm ơn tôi quên hết mệt mỏi. Tôi thấy vui vì làm được chút gì đó cho người dân.Tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình”, Đại úy Lưu chia sẻ.
Dù đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao nhưng những người lính cụ Hồ tham gia với tinh thần trách nhiệm cao, thích ứng nhanh giúp người dân vùng tâm dịch yên tâm ở nhà. Chiến sĩ trẻ Trần Ngọc Quốc Khánh, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 8, Trung Đoàn 31 (Sư đoàn 309) cho biết, khi cấp trên phổ biến kế hoạch, anh xung phong đăng ký tham gia ngay. Hành trang của anh ngoài quân tư trang cần thiết, còn có thêm một số loại thuốc cơ bản phòng bất trắc. Đây là lần đầu tiên Khánh cùng các đồng đội và cán bộ trong đơn vị tham gia giúp dân trong mùa dịch. Ngay khi có mặt tại quận 8, chiến sĩ trẻ Quốc Khánh nhanh chóng ổn định chỗ ở và cùng các đồng đội bắt tay vào việc ngay để kịp thời trao cho người dân những phần quà an sinh xã hội. Quốc Khánh tâm sự: Nghĩ đến niềm vui của những người được nhận đồ tiếp tế tôi có thêm động lực thực hiện nhiệm vụ dù gặp không ít khó khăn, thách thức.
Quyết tâm “thắng” dịch
Đây là lần thứ hai Trung úy Nguyễn Văn Mạnh, y sĩ phòng Tham mưu Sư đoàn 309 tình nguyện tham gia hỗ trợ người dân chống dịch. Lần trước, anh cùng các đồng đội hỗ trợ phường Long Bình Tân (TP Biên Hòa) công tác kiểm soát quân sự, hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, sau đó Trung úy Mạnh phải đi cách ly 14 ngày. Đợt này, anh đi hỗ trợ người dân TP Hồ Chí Minh.
“Những ngày qua, chúng tôi đã có mặt ở từng con hẻm, từng chung cư trao phần quà an sinh xã hội và cấp phát đồ người dân nhờ mua, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch. Chúng tôi làm việc với tinh thần việc gì khó, nơi nào cần thì có bộ đội. Tôi hướng dẫn anh em trong đoàn một số biện pháp phòng dịch. Chẳng hạn như đeo khẩu trang phải che khít mũi và miệng. Test nhanh có thể tự làm được nhưng phải lấy đủ lượng dịch, phải thay bao tay thường xuyên. Khi trao nhu yếu phẩm cho người dân không trao trực tiếp tay qua tay mà treo lên cửa hoặc để bậc thềm, hiên nhà. An toàn cho mình cũng là an toàn cho đồng đội”, Trung úy Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ.
Đại tá Dương Văn Quang, Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 309 cho biết, mặc dù nhiệm vụ cấp thiết và nhiều cán bộ, chiến sĩ tình nguyện đăng ký tham gia nhưng đơn vị ưu tiên tuyển chọn những người có sức khỏe tốt, không bệnh nền, có phẩm chất đạo đức. Đến thời điểm hiện tại, tinh thần và sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ tham gia làm nhiệm vụ khá tốt. Đơn vị đã trang bị đầu đủ quân - tư trang gồm: quần áo bảo hộ, khẩu trang, bao tay, kính chống giọt bắn cho từng người. 100% cán bộ, chiến sĩ đi làm nhiệm vụ được tập huấn kiến thức phòng chống dịch, 5K và tiêm vaccine ít nhất 1 mũi. Ngoài ra, Sư đoàn cũng bố trí tổ quân y theo chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ.
Bên cạnh việc cử người tham gia hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch, từ tháng 7 đến nay, đơn vị cũng cử gần 300 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ tỉnh Đồng Nai chống dịch, phường Long Bình Tân nơi đơn vị đóng chân gác chốt, vận chuyển nhu yếu phẩm, truy vết, hỗ trợ địa phương tiêm phòng, xét nghiệm.
Đại tá Dương Văn Quang Quang nhấn mạnh: “Chúng tôi quán triệt cho các đồng chí thực hiện nhiệm vụ đến ngày 15-9, nhưng nếu dịch bệnh kéo dài, thành phố cần hỗ trợ chúng tôi sẽ ở lại cho đến khi hết dịch. Đơn vị có thể tăng cường thêm quân số hoặc luân phiên người hỗ trợ. cán bộ, chiến sĩ tham gia làm nhiệm vụ ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác cao, được người dân yêu mến".