Năng động những cổ đông cá nhân
Năm 2008, Công ty Cổ Phần Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (gọi tắt là PAP) được thành lập để thực hiện việc đầu tư khai thác cảng hợp cảng Phước An. Đến nay, tỷ lệ thành phần cổ đông công ty do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam chiếm 79,54%; Tổng Công ty Phát triển Khu Công nghiệp (SONADEZI) chiếm 17,05% và các cổ đông cá nhân chiếm 3,41%. Những cổ đông cá nhân tuy nhỏ nhưng năng động, “miệng nói tay làm”.
Ngày 17-8-2011, Công ty TNHH sản xuất thương mại Lan Phương-Công ty Lan Phương (19 Nguyễn Văn Đậu, quận Phú Nhuận, TPHCM) đã ký hợp đồng (số 032/HĐ) hợp tác kinh doanh với PAP đầu tư khai thác cảng Phước An. Theo đó, Công ty Lan Phương góp vốn bằng tổng số tiền bồi thường diện tích đất 20,7 ha và là “nhà đầu tư thứ cấp” của dự án.
Bà Nguyễn Thị Phước, Giám đốc Công ty Lan Phương cho biết, các cổ đông Nguyễn Lê Anh Phương, Trần Thị Thương, Mai Thị Thu Nga và Trần Thị Trúc Phương cùng góp vốn thực hiện dự án. Ngày 2-7-2015, PAP đã có văn bản (số 453/PAP) chấp thuận về chủ trương để Công ty Lan Phương triển khai đầu tư tại khu kho hàng lỏng với diện tích 20ha. Ngày 22-8-2016, PAP đã có văn bản (số 681/CV) chấp thuận để cho Công ty Lan Phương hoán đổi vị trí đầu tư xây dựng theo quy hoạch chi tiết 1/500 từ khu hàng lỏng 15 ha; khu bãi đậu xe tập trung và khu dịch vụ vận tải 5 ha sang 3 vị trí mới là khu bãi đậu xe tập trung và khu dịch vụ vận tải 5 ha; khu nhà lưu trú dạng riêng biệt 5 ha; khu bãi container rỗng 9 ha.
Đường vào khu dịch vụ cảng Phước An đã được đầu tư xây dựng mới.
Ngày 24/12/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2190/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, theo đó Cảng Phước An thuộc nhóm cảng biển số 5, là cảng tổng hợp quốc gia và đầu mối trong khu vực do Công ty Cổ phần Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (PAP) làm chủ đầu tư.
Cảng Phước An nằm bên sông Thị Vải, có vị trí thuận lợi, với chiều dài tuyến luồng vào cảng khoảng 40km, độ sâu trung bình 15m, có thể đảm bảo cho tàu trọng tải đến 80.000 tấn lưu thông an toàn. Cảng là cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu. Cảng có tổng diện tích 183ha, tổng chiều dài bến 3.050m. Chiều sâu mực nước trung bình -15 m, có 06 bến container đáp ứng tàu 60.000 DWT và 04 bến tổng hợp đáp ứng tàu 60.000 DWT. Công suất cảng 2,5 triệu TEU/năm; 6,5 triệu tấn/năm. Khu dịch vụ hậu cần cảng Phước An với tổng diện tích lên đến 555,24 ha, được đánh giá là một lợi thế rất lớn so với các cảng khác trong khu vực, trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn nhất của cả nước.
Lợi thế của khu dịch vụ cảng không chỉ hệ thống giao thông thuận tiện mà nối kết với QL51 và cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu. Ngoài ra, cảng còn kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt quốc gia Bắc - Nam.
Bà Nguyễn Thị Phước cho biết thêm, dịch vụ cảng Phước An đã tạo sức hút không chỉ cổ đông lớn mà hấp dẫn với những cổ đông cá nhân. Công ty Lan Phương đã sẵn sàng đẩy nhanh tiến độ nên rất cần sự hỗ trợ của PAP để sớm đưa công trình vào kinh doanh.