Tuyến cao tốc này có chiều dài khoảng 125 km, đi qua hai tỉnh Bình Định (hơn 40 km) và Gia Lai (gần 85 km). Điểm đầu nằm tại Quốc lộ 19B, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; điểm cuối nối vào Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) tại xã Ia Kênh, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Theo thiết kế, tuyến đường có 4 làn xe, mặt đường rộng 24,75 m, tốc độ tối đa 100 km/h.
So với tính toán ban đầu, tổng mức đầu tư đã tăng lên 43.510 tỷ đồng, do phải điều chỉnh chiều dài tuyến, cập nhật đơn giá giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý và suất đầu tư theo tình hình thực tế. Dự án dự kiến chiếm dụng khoảng 942 ha đất và ảnh hưởng tới hơn 3.000 hộ dân trên toàn tuyến.
Để thuận tiện trong triển khai và huy động vốn, dự án được đề xuất chia làm 3 đoạn:
Đoạn 1: Từ Km0 đến Km22, dài 22 km qua địa bàn tỉnh Bình Định, với tổng vốn đầu tư gần 6.900 tỷ đồng.
Đoạn 2: Từ Km22 đến Km90, dài 68 km đi qua cả hai tỉnh Bình Định và Gia Lai, tổng vốn hơn 27.400 tỷ đồng.
Đoạn 3: Từ Km90 đến Km124+960, dài gần 35 km, nằm trên địa phận tỉnh Gia Lai, với vốn đầu tư gần 9.200 tỷ đồng.
Nguồn vốn thực hiện dự án được dự kiến từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2024, ngân sách địa phương và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030. Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công trong năm 2025 và hoàn thành vào năm 2029.
Việc đầu tư tuyến cao tốc này mang ý nghĩa chiến lược trong việc kết nối khu vực Tây Nguyên – đặc biệt là Gia Lai và các tỉnh lân cận như Kon Tum, Đắk Lắk – với cảng biển Quy Nhơn, mở ra hành lang giao thương thuận lợi ra biển Đông. Không chỉ rút ngắn thời gian vận chuyển nông sản, hàng hóa từ Tây Nguyên đến cảng biển, tuyến cao tốc còn giúp giảm tải cho Quốc lộ 19 hiện hữu, nâng cao năng lực vận tải và thu hút đầu tư vào khu vực.
Với vai trò cầu nối vùng miền và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới cho giao thông trục ngang liên vùng và tạo đòn bẩy tăng trưởng cho cả Tây Nguyên lẫn duyên hải miền Trung trong giai đoạn tới.
Phong Vân