Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động nước ta tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Tuy nhiên, tính đến nay, mới có khoảng 13,1 triệu lao động tham gia BHXH, chiếm 24,5% lực lượng lao động. Nếu không có giải pháp đồng bộ, quyết liệt, mục tiêu trên rất khó đạt được.
Theo quy định mới, người tham gia BHXH có 2 diện là bắt buộc và tự nguyện. Hiện tại, đối tượng tham gia BHXH chủ yếu vẫn theo diện bắt buộc. Do tác động của chính sách tăng mức đóng BHXH bắt buộc, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về việc chủ sử dụng lao động tìm cách “lách luật” để trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động, như giảm lao động chính thức và tăng lao động thời vụ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của người lao động. Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp tới nỗ lực gia tăng tỷ lệ lao động Việt Nam được tham gia BHXH, giúp họ giảm gánh nặng tài chính khi đến tuổi nghỉ hưu.
Để giải quyết tình trạng này và giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, từ ngày 1-6, theo Nghị định số 44/2017/NĐ-CP, mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của chủ sử dụng lao động sẽ được giảm từ 1% xuống còn 0,5% trên tổng quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động. Quy định này sẽ là một nguồn động viên chủ sử dụng lao động chú tâm hơn tới việc bảo đảm quyền được tham gia BHXH của người lao động, nhưng cũng khó tạo ra sự đột phá để tăng hơn gấp đôi lượng lao động được tham gia BHXH chỉ sau 3 năm nữa.
Sự đột phá trong việc gia tăng tỷ lệ người lao động tham gia BHXH, theo quan điểm của người viết, chỉ có thể đến được từ khu vực người lao động tự nguyện tham gia. Hiện nay, tỷ lệ lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, lao động tự do ở Việt Nam vẫn còn chiếm tỷ trọng áp đảo, riêng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đã lên tới hơn 20 triệu người, gần gấp đôi tổng số lao động tham gia BHXH của cả nước. Trong khi đó, tuyệt đại đa số người lao động ở khu vực này chưa tham gia BHXH.
Muốn thu hút người lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn và lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện, họ phải được đặt vào vị trí là khách hàng, là “thượng đế”. Nghĩa là ngành BHXH phải tìm đến họ, marketing về sản phẩm của mình, giúp khách hàng thấy được lợi ích rõ ràng từ việc tham gia BHXH. Cùng với đó, các mức đóng BHXH tự nguyện nên được chia thành nhiều gói có giá trị khác nhau để khách hàng lựa chọn phù hợp với mức thu nhập và nhu cầu của bản thân. Quan trọng là phải rõ ràng, minh bạch về mức phí đóng bảo hiểm định kỳ và quyền lợi cam kết được hưởng khi đến tuổi nghỉ hưu hay khi người tham gia bảo hiểm vì lý do bất khả kháng phải ngừng hợp đồng giữa chừng. Chẳng hạn, với mức đóng mỗi tháng từng này tiền, khi hợp đồng đáo hạn, khách hàng sẽ được hưởng lương hưu bằng bao nhiêu lần mức lương cơ sở… Khi rõ ràng, minh bạch như vậy và khi người dân thấy được lợi ích rõ ràng từ việc tham gia BHXH, họ sẽ tự nguyện tham gia.
Ngoài ra, ở nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, Nhà nước cần có cơ chế hiệu quả để tầm soát, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp chủ sử dụng lao động trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động.
Khi động viên được người lao động tự do, lao động ở khu vực nông thôn, nông dân tham gia BHXH; xử lý nghiêm những doanh nghiệp trốn đóng BHXH cho người lao động được tiến hành đồng thời với những chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, tỷ lệ lao động tham gia BHXH chắc chắn sẽ tăng nhanh. Như vậy mới có thể hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết số 21/NQ-TW đề ra.
Nguồn: qdnd.vn