Đại tướng Lê Đức Anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 5 năm 1938, trong phong trào công nhân cao su ở Lộc Ninh. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công ở Nam bộ, ngày 10 tháng 12 năm 1945, Hội nghị Xứ ủy lâm thời Nam Bộ đã quyết định tổ chức Nam Bộ thành 3 khu: đó là Khu 7, Khu 8 và Khu 9. Trung tướng Nguyễn Bình được giao làm Tư lệnh Khu 7, đồng chí Trần Xuân Độ làm Chính ủy khu.
Đại tướng Lê Đức Anh khi đó, từ một ủy viên ban cán sự tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã trở thành một cán bộ quân sự. Theo yêu cầu của Trung tướng Nguyễn Bình, ông Lê Đức Anh đã đưa lực lượng xuống bảo vệ căn cứ địa Khu 7 tại Lạc An (chiến khu Đ). Ông lần lượt giữ các chức vụ Chính trị viên Chi đội 1 vệ quốc đoàn, Tham mưu trưởng khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Tham mưu trưởng Khu 7, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Nam bộ và Tham mưu trưởng Phân liên khu miền Đông Nam bộ.
Năm 1950, trên cương vị là Tham mưu trưởng Khu 7, ông đã chỉ huy quân - dân Khu 7 giành thắng lợi vang dội trong chiến dịch Bến Cát, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong phối hợp với các lực lượng đánh thắng thực dân Pháp. Đại tướng nhấn mạnh: “Cái ý nghĩa lớn hơn là ta mở ra một lối đánh đồn bằng chiến thuật đặc công mà trước đây do điều kiện trang bị của ta không thể đánh địch trong công sự. Khi đánh được đồn bằng lối đánh đặc công đã tác động vào tinh thần binh lính địch, làm cho địch sợ ta, tạo hiệu quả trong công tác địch vận, binh vận”.
Dưới góc độ nghiên cứu, Đại tá, PGS, TS Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7 cho rằng: “Đại tướng Lê Đức Anh, mặc dù không được đào tạo bài bản qua trường lớp, nhưng nhờ có tư chất thông minh, khả năng phân tích, đánh giá tình hình và năng lực tổ chức quân sự và chỉ huy tác chiến, chiến đấu, cho nên ông lần lượt trở thành cán bộ tham mưu của những tổ chức quân sự lớn ngay từ khi còn rất trẻ”.
Năm 1954, khi hòa bình lập lại, ông tập kết ra Bắc, giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Đến tháng 2-1964 ông trở lại miền Nam “thành đồng Tổ quốc”, sát cánh cùng với quân dân Nam bộ chiến đấu chống lại đế quốc Mỹ, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975. Ông lần lượt giữ các cương vị: Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân Tây Nam, bao gồm Đoàn 232, lực lượng biệt động, đặc công, bộ đội địa phương… Nhiệm vụ của cánh quân Tây Nam là chặn cắt hoàn toàn đường giao thông nối liền giữa Sài Gòn xuống Cần Thơ.
Phó Tư lệnh -Tham mưu trưởng Quân giải phóng miền Nam, Lê Đức Anh tại Bộ Tư lệnh miền - khu căn cứ Tà Thiết, năm 1966
Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh được thành lập ngày 8-4-1975. Tư lệnh là Đại tướng Văn Tiến Dũng; Chính ủy là đồng chí Phạm Hùng. Phó Tư lệnh là các đồng chí: Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Đinh Đức Thiện (ngày 22-4 bổ sung Trung tướng Lê Trọng Tấn). Phó Chính ủy là đồng chí Lê Quang Hòa.
Chủ tịch nước Lê Đức Anh về thăm huyện Lộc Ninh năm 1995
Đại tá Hồ Sơn Đài, khẳng định: “Đại tướng Lê Đức Anh đã chỉ huy cánh quân Tây Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là chia cắt hoàn toàn Quốc lộ 4 nối Sài Gòn với Cần Thơ (nay là Quốc lộ 1) và tổ chức lực lượng đánh chiếm Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát, trạm ra đa Phú Lâm, các căn cứ quân sự nằm ở phía Tây Nam thành phố Sài Gòn và một bộ phận của Sư đoàn 9 tiến thẳng vào Dinh Độc Lập hợp cùng Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4 đánh chiếm Dinh Độc Lập trong ngày 30-4-1975”.
Đại tá Nguyễn Bạch Vân, nguyên thư ký cho Thượng tướng Trần Văn Trà - Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn nhớ như in những kỷ niệm về Đại tướng Lê Đức Anh khi còn công tác ở Trung ương Cục miền Nam. Từ 1963 đến 1973, Đại tá Nguyễn Bạch Vân hoạt động ở Cục Tình báo miền Nam, có nhiệm vụ báo cáo tình hình quân địch cho Đại tướng Lê Đức Anh. Đại tá Nguyễn Bạch Vân chia sẻ: "Ấn tượng đầu tiên của tôi về Đại tướng Lê Đức Anh là một người rất tỉ mỉ, sâu sắc, nhưng rất nghiêm khắc. Đại tướng không chỉ là người chỉ huy giỏi về chiến đấu, chiến thuật, mà còn là người lãnh đạo có tầm chiến lược. Tôi đơn cử, sau Hiệp định Paris 1973 được ký kết, hai bên phải ngừng bắn tại chỗ, nhưng quân đội Sài Gòn không chấp hành hiệp định, vẫn tổ chức tiến công ta. Đồng chí Lê Đức Anh, lúc đó làm Tư lệnh Quân khu 9 vẫn chủ trương tấn công vũ trang nếu địch tiếp tục lấn chiếm, tấn công quân ta. Bộ Chỉ huy Miền B2 đã lấy gương điển hình của Quân khu 9 phổ biến để các đơn vị khác tiếp tục tiến công quân địch cho đến ngày toàn thắng".
Từ một vị tướng trở về trong chiến thắng, ông trở thành nhà lãnh đạo tài ba với những đóng góp quan trọng vào bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ; giải quyết chính sách đất đai cho bộ đội; giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ; đưa ra sáng kiến phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng…
Đại tướng Lê Đức Anh về thăm Quân khu 7 năm 2012
Sau khi miền Nam được giải phóng, Đại tướng Lê Đức Anh tiếp tục gắn bó với miền Nam trên nhiều cương vị khác nhau. Tháng 6 năm 1978, ông trở thành Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7. Khoảng thời gian 5 năm gắn bó với lực lượng vũ trang Quân khu 7, ông đã cùng cán bộ, chiến sĩ Quân khu 7 chiến đấu chống lại tập đoàn phản động Pôn Pốt – Iêng Sa ry, bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, hồi sinh đất nước.
Do vậy, ông luôn dành tình cảm đặc biệt đối với Quân khu 7. Dù trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, hay Chủ tịch nước, Đại tướng vẫn tranh thủ thời gian về thăm cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 7. Mỗi lần về thăm, Đại tướng rất vui mừng trước những thành tích mà Lực lượng vũ trang Quân khu 7 đạt được và nhắn nhủ Quân khu 7 phải quan tâm đến công tác xây dựng chính qui, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chăm lo tốt đời sống bộ đội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ông cũng mong rằng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu cùng các đồng chí lãnh đạo địa phương trên địa bàn luôn quan tâm, chăm lo củng cố xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc, đồng thời làm tốt công tác giáo dục quốc phòng - an ninh trong nhân dân, giúp nhân dân và thế hệ trẻ hiểu rõ hơn những giá trị truyền thống vẻ vang của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân ta trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Đại tướng Lê Đức Anh và Trung tướng Lê Nam Phong năm 2015 tại Quân khu 7