Theo Quyết định được Bộ Xây dựng phê duyệt, quy hoạch chi tiết vùng đất và vùng nước cảng biển Đà Nẵng thời kỳ 2021–2030 sẽ bao gồm việc nâng cấp các bến cảng hiện hữu (Tiên Sa, Sơn Trà) và xây dựng mới các khu bến, khu hậu cần cảng tại Liên Chiểu. Quy hoạch cũng xác định mục tiêu phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, áp dụng công nghệ trong khai thác, quản lý, nhằm tăng năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Trọng tâm của quy hoạch là dự án Cảng Liên Chiểu, tọa lạc tại quận Liên Chiểu – khu vực phía Tây Bắc TP. Đà Nẵng. Dự án gồm hai hợp phần:
Hợp phần A (do nhà nước đầu tư) với tổng vốn hơn 3.426 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương, bao gồm các hạng mục: đê chắn sóng dài 1.170m, khu nước trước bến, luồng tàu và đường giao thông kết nối. Dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2025, hiện đã đạt hơn 77% khối lượng thi công.
Hợp phần B (thu hút đầu tư xã hội hóa), sẽ phát triển 8 bến container có khả năng tiếp nhận tàu đến 200.000 DWT (tương đương tàu 18.000 TEU) và khu cầu cảng cho tàu 5.000 tấn. Trong giai đoạn đến 2030, sẽ triển khai 2–4 bến cảng đầu tiên, với năng lực tiếp nhận từ 7,5 đến 11,9 triệu tấn hàng hóa/năm.
Theo quy hoạch, tổng mức đầu tư toàn vùng cảng biển Đà Nẵng giai đoạn 2021–2030 sẽ vượt 23.000 tỷ đồng, trong đó phần lớn tập trung vào xây dựng Cảng Liên Chiểu. Việc phát triển cảng mới nhằm giảm tải cho Cảng Tiên Sa – vốn đang chịu áp lực quá tải, đồng thời mở rộng khả năng tiếp nhận hàng hóa, đặc biệt là container và hàng rời quy mô lớn.
Cảng Liên Chiểu được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm logistics hiện đại, giúp Đà Nẵng tăng cường năng lực trung chuyển quốc tế, kết nối với hành lang kinh tế Đông - Tây và khu vực Tây Nguyên. Đây cũng là bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững, đưa Đà Nẵng trở thành đầu mối giao thương quan trọng của cả nước và khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Phong Vân