Những “mẹ hiền” trẻ tuổi của bệnh nhân Covid-19
Trong gần 2 tháng qua, hơn 100 con người, gồm bác sĩ, điều dưỡng viên, nhân viên y tế của Phân khoa Điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 7A, dưới sự chỉ đạo của Đại tá, TS, BS Lê Quang Trí, Giám đốc bệnh viện, đã nỗ lực vượt bậc, bước vào cuộc chiến đặc biệt cam go. Bệnh viện cứu chữa thành công hàng trăm bệnh nhân, đặc biệt là cuộc chiến giành giật sự sống cho rất nhiều bệnh nhân F0 đặc biệt nặng và nguy kịch ở “ngã ba sinh tử”.
Đến hôm nay, khi có đủ sức khỏe để ngồi viết những dòng này, tôi đã trải qua hơn 1 tuần điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Quân y 7A. Cũng nhờ đó, những gì mắt thấy, tai nghe trước công việc thầm lặng của đội ngũ thầy thuốc Bộ đội Cụ Hồ ở Bệnh viện Quân y 7A, với tôi, là một người trong cuộc. Hàng ngày, hàng giờ, thậm chí là hàng phút, hàng tích tắc… được chứng kiến những chiến sĩ trong bộ đồ bảo hộ kín mít chăm sóc bệnh nhân F0, giành giật từng cơ hội sống cho bệnh nhân trong phòng áp lực âm, ngoài sự ngạc nhiên, cảm phục…còn là những cảm xúc lắng đọng trào nước mắt, không thể thốt nên lời, không ngôn ngữ nào tả được.
Nếu không phải đang là bệnh nhân, tôi ước ao có thể tổ chức một ê kíp phóng viên, ghi lại những hình ảnh lịch sử trong những thời khắc lịch sử bên trong phòng áp lực âm, nơi mọi thứ đã và đang diễn ra chẳng khác gì hình ảnh của các đồng nghiệp VTV trong phim tài liệu “Ranh giới” gây xúc động dư luận xã hội vừa qua.
“Anh cứ yên tâm điều trị. Nhiệm vụ của thầy thuốc Bộ đội Cụ Hồ như thế này đã quen rồi. Điều hạnh phúc nhất của chúng tôi là mỗi ngày được bắt tay, dặn dò bệnh nhân khỏi bệnh ra viện và bớt đi những cuộc tiễn đưa không ai mong muốn”, Đại tá, TS,BS Lê Quang Trí động viên tôi như vậy, khi anh cùng các bác sĩ, điều dưỡng viên, nhân viên y tế đến thăm hỏi, động viên, tiếp sức cho bệnh nhân F0 đang điều trị tại từng phòng bệnh vào chiều 29-9.
Hoạt động thăm hỏi, tiếp sức cho bệnh nhân là một thủ pháp điều trị tâm lý mang “thương hiệu” của những thầy thuốc Bộ đội Cụ Hồ. Các hoạt động CTĐ,CTCT trong nhiệm vụ cấp cứu, điều trị bệnh nhân, nhất là với các quân nhân mắc Covid-19, luôn được lãnh đạo bệnh viện và đội ngũ thầy thuốc, nhân viên chú tâm thực hiện. Ngoài các thao tác y thuật, họ là những người “mẹ hiền” gần gũi, quan tâm, săn sóc bệnh nhân từng li từng tí.
Bác sĩ Phạm Đình Duy, Phụ trách Phân khoa Điều trị Covid-19 chia sẻ: Đa số bệnh nhân vào đây đều không có người thân bên cạnh. Mọi việc từ điều trị, chăm sóc, ăn uống, sinh hoạt… đều do bệnh viện đảm nhiệm. Các bác sĩ, điều dưỡng viên, nhân viên y tế được lệnh cấm trại nhiều tháng nay, bám bệnh viện, bệnh nhân 24/24. Đặc biệt là với những bệnh nhân nặng, bệnh nhi, khi vào đây không tránh khỏi bị sốc tinh thần, nhiều bệnh nhân hoảng loạn. Công tác tư tưởng, động viên, chữa bệnh bằng tình thương yêu của những người “mẹ hiền” dành cho bệnh nhân cũng quan trọng không kém chuyên môn y tế.
Phân khoa Điều trị Covid-19 Bệnh viện Quân y 7A là một tòa nhà 3 tầng, khu biệt với các khoa bệnh khác. 100 giường bệnh ở đây được bố trí thành các khu vực riêng, gồm: Khu vực dành cho bệnh nhân nhẹ, khu vực bệnh nhân nặng và phòng áp lực âm, là nơi diễn ra cuộc chiến giành giật sự sống căng thẳng nhất, áp lực nhất. Phòng áp lực âm chính là “ngã ba sinh tử” của bệnh nhân.
Việc thành lập Phân khoa này thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 7 và đề nghị của Sở Y tế, UBND TP Hồ Chí Minh, vừa thu dung, điều trị bệnh nhân là quân nhân, vừa “chia lửa” với y tế Thành phố. Cơ cấu tổ chức biên chế chỉ có 60 người, được huy động từ các khoa trong bệnh viện. Nhưng trước áp lực nặng nề, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, lãnh đạo bệnh viện đã huy động nguồn nhân lực tham gia điều trị, chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân F0 lên đến hơn 100 nhân lực.
Đa số các bác sĩ, điều dưỡng viên, nhân viên y tế được điều động làm nhiệm vụ đặc biệt này đều còn rất trẻ, rất nhiều người chưa có gia đình. Vậy nhưng những cô gái, chàng trai tuổi hai mươi vẫn thể hiện xuất sắc vai trò của những người “mẹ hiền” của bệnh nhân. Sáng sớm, cùng với những công việc đến từng giường, từng phòng bệnh kiểm tra sức khỏe, đo đếm các chỉ số sinh học cho bệnh nhân, họ thay phiên nhau động viên, hướng dẫn bệnh nhân cao tuổi các kỹ năng hít thở, vật lý trị liệu… Buổi chiều, họ gần gũi hướng dẫn bệnh nhi các trò chơi thư giãn, cách tập thể dục…, giúp bệnh nhi có cảm giác bệnh viện giống như nhà trẻ.
Điều trị cho bệnh nhân.
Cuộc chiến nơi “ngã ba sinh tử”
Mỗi bệnh nhân F0 vào đây điều trị theo phác đồ, nếu là bệnh nhân nhẹ, cần ít nhất khoảng 2 tuần để có thể trở lại trạng thái âm tính. Trong khoảng thời gian đó, họ có môi trường để trở nên thân thiết với nhau. Lan tỏa những năng lượng tích cực, những tình cảm nồng ấm của đội ngũ thầy thuốc quân y, các bệnh nhân đã dành cho nhau sự quan tâm thân tình, tiếp sức cho nhau vượt qua bệnh tật. Những bệnh nhân là cựu chiến binh, luôn coi các chiến sĩ cùng nằm viện với mình như con cái trong nhà. Các chiến sĩ trẻ cũng dành cho đồng đội thế hệ cha anh sự kính trọng, lễ phép. Mỗi khi có một bệnh nhân chiến sĩ xuất viện, là một hình ảnh chia tay đầy quyến luyến, xúc động. Đây là một trong những nét văn hóa y tế đặc trưng trong môi trường điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện Quân y 7A.
Nếu ở khu vực bệnh nhân nhẹ và vừa, nhịp đời cuộc sống đan xen những sắc âm ấm áp, thì bên trong phòng áp lực âm, chỉ có ranh giới giữa sự sống và cái chết. Tôi phải thuyết phục các bác sĩ cho phép đứng bên ngoài cánh cửa có ô cửa kính trong suốt để quan sát các động tĩnh bên trong. Giường bệnh, máy thở, dây dợ, bình ô xi, máy lọc máu, dụng cụ y tế chuyên dụng… và người bệnh bất động trên giường ga trắng toát. Phòng áp lực âm thời điểm này có 5 bệnh nhân đặc biệt nặng và nguy kịch, phải can thiệp mở nội khí quản, lọc máu. Có những bệnh nhân tiên lượng xấu, nhưng còn nước còn tát, các bác sĩ phải chạy đua từng giây để hồi sức, với niềm tin mãnh liệt.
Ba ngày ba đêm liên tục, tôi được chứng kiến thời khắc sinh tử, các bác sĩ chiến đấu với tử thần để cứu bệnh nhân nguy kịch. Và một trong những lần ấy, tôi đã không cầm được nước mặt khi chứng kiến một cái kết tuyệt vời đến mức, bác sĩ, điều dưỡng viên ôm nhau bật khóc. Đó là ca cấp cứu, hồi sức cho bệnh nhân TTA, 24 tuổi. Bệnh nhân mắc Covid-19, được đưa vào bệnh viện điều trị trong trạng thái thể trạng yếu, đa bệnh nền, diễn biến bệnh nặng rất nhanh. Khi đưa vào hồi sức tại phòng áp lực âm, bệnh nhân TTA đã bị nhiễm trùng huyết, viêm phổi rất nặng, suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa trên mức độ nặng, bệnh thận mạn giai đoạn cuối lọc máu chu kỳ… Tiên lượng tử vong.
Bệnh nhân được mở nội khí quản ngay lập tức, cùng với đó là hàng loạt thao tác cấp cứu, hồi sức, lọc máu… Các bác sĩ túc trực 24/24, xử lý những chi tiết nhỏ nhất có thể để duy trì chỉ số sinh tồn. Và cuối cùng, bệnh nhân đã được cứu sống.
Bệnh nhân trong cơn mê man. Thân nhân gia đình không ai bên cạnh. Niềm hạnh phúc từ cõi chết trở về của họ, chỉ có các bác sĩ, điều dưỡng viên, nhân viên y tế chứng kiến và bày tỏ bằng những vòng tay ôm nhau, những giọt nước mắt hạnh phúc nghẹn ngào trước chiến công thầm lặng.
“Hiện vẫn còn một ca xuất huyết não, một ca bệnh thận mãn giai đoạn cuối, lọc máu chu kỳ, viêm phổi nặng, đang thở máy, rất nguy kịch. Phải tiếp tục cuộc chiến đấu mới rồi anh ạ!”, bác sĩ có vóc người nhỏ nhắn, nói với tôi ngay khi vừa bước ra khỏi cánh cửa phòng áp lực âm.
Anh kín mít trong bộ đồ bảo hộ. Tôi chỉ nhìn thấy ánh mắt anh sáng lên dưới ánh đèn. Tôi trở về phòng bệnh nhân, còn anh và đồng nghiệp lại tiếp tục một áp lực nặng ngàn cân bên trong căn phòng đặc biệt ấy. Căn phòng được coi như là một “ngã ba sinh tử” của bệnh nhân Covid-19…