Tiêu điểm

Next
Prev
Thứ hai, 29/06/2020, 13:49 (GMT+7)
716 lượt xem

Chữa bệnh "Sau ánh hào quang"

Tại Đại hội Thi đua Quyết thắng (TĐQT) toàn quân lần thứ X, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã ghi nhận, tôn vinh 300 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến (ĐHTT) trong Phong trào TĐQT giai đoạn 2014-2019.

Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, ghi nhận xứng đáng, kịp thời đối với những nỗ lực, cống hiến của cán bộ, chiến sĩ toàn quân; tạo thêm động lực mới cho Phong trào TĐQT trong giai đoạn kế tiếp.

Sau lễ tôn vinh, khen thưởng, ngoài niềm vui lớn đến với các ĐHTT và sức lan tỏa “điển hình tốt, mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả” trở thành dòng chủ lưu trong đời sống tâm lý bộ đội và dư luận xã hội, thì vẫn còn không ít băn khoăn, trăn trở và vấn đề nảy sinh cần sớm nhận diện để có giải pháp đẩy lùi.
 

Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Đại tướng Lương Cường trao Cờ thi đua tặng các đơn vị. Ảnh:qdnd.vn

Thực tế thi đua trong các giai đoạn trước đây cho thấy, sau lễ tôn vinh, khen thưởng, một số ĐHTT thường xuất hiện tâm lý “xả hơi”, thỏa mãn, dừng lại. Cùng với đó, một số điển hình mắc bệnh “ngôi sao”, trở nên hay rao giảng về cách làm và khoe khoang thành tích cá nhân một cách thái quá… Trong khi đó, một số cơ quan, đơn vị lại chưa thật sự chủ động dự báo, đón bắt các hiện tượng tâm lý tiêu cực nảy sinh; xem nhẹ các “triệu chứng tâm lý” của điển hình sau tôn vinh và thiếu chủ động trong triển khai các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi.

Có lẽ bởi thế mà không ít ĐHTT bị “chìm xuồng”, đánh mất dần thành tích kể từ sau lễ tôn vinh, khen thưởng, mà nguyên nhân thuộc về cả yếu tố chủ quan và khách quan. Trong đó vai trò tiếp tục động viên, dẫn dắt điển hình phát huy vai trò “hạt nhân thi đua” của một số cấp ủy, chỉ huy chưa được quan tâm đúng mức; còn bỏ mặc hoặc khoán trắng cho ĐHTT vì có tâm lý “đã là điển hình được tôn vinh thì không cần phải tiếp tục chăm lo, giúp đỡ”.

Thực tế đó đòi hỏi mỗi cấp ủy, chỉ huy nhận thức thật đúng về mức độ ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực của hoạt động tôn vinh, khen thưởng ĐHTT. Ở từng cấp phải sớm có kế hoạch bồi dưỡng, nhân rộng điển hình một cách toàn diện, đồng bộ cả trước, trong và sau lễ tôn vinh; cần kết hợp giữa ghi nhận, tôn vinh ĐHTT, gắn với đề cao trách nhiệm cụ thể cho từng điển hình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và tham gia Phong trào TĐQT; chú trọng giáo dục để ĐHTT sau tôn vinh nhận rõ trách nhiệm tiếp tục nỗ lực, không ngừng làm lan tỏa kết quả, kinh nghiệm, phương pháp thi đua đến với đồng đội, đơn vị và lan ra xã hội. Đồng hành cùng ĐHTT, từng cấp ủy, chỉ huy đơn vị cần xác định rõ các bước kế tiếp trong xây dựng, nhân rộng ĐHTT; dẫn dắt các điển hình từng mặt phấn đấu để trở thành điển hình nhiều mặt và điển hình toàn diện; động viên mọi tập thể, cá nhân vốn đã điển hình rồi thì càng quyết tâm vươn lên, trở nên điển hình nhiều hơn, xuất sắc hơn... Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị chủ động tạo môi trường thuận lợi để ĐHTT có điều kiện giao lưu, cọ sát với điển hình ở đơn vị bạn; đồng thời trao đổi, phổ biến kinh nghiệm thi đua của mình. Đó chính là một cách tạo sức lan tỏa cho những mô hình hay, cách làm hiệu quả.

Với các ĐHTT, mỗi cơ quan, đơn vị cần thực hiện quyết liệt, triệt để chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về việc vận dụng các hình thức khen thưởng một cách thỏa đáng như: Đề nghị nâng lương, thăng quân hàm trước niên hạn, đưa vào quy hoạch, xem xét bổ nhiệm với những ĐHTT tiêu biểu; quan tâm về vật chất và tinh thần trong quá trình làm việc... Thế  nhưng, không vì thế mà quan tâm, thiên vị quá mức đối với ĐHTT sau tôn vinh; không để các chính sách tích cực lại vô hình trung tạo nên sự trông chờ, ỷ lại cho người được thụ hưởng, gây “lụi tàn” động cơ thi đua của ĐHTT và tạo ức chế, phản cảm cho các đối tượng khác trong quá trình thi đua.
 

Nguyễn Tấn Tuân
Nguồn: qdnd.vn

 

 

TIN MỚI NHẤT

DƯ LUẬN QUAN TÂM

BẢN TIN TRUYỀN HÌNH QUÂN KHU 7

PHÓNG SỰ ẢNH

ĐỌC BÁO IN

BẠN CẦN BIẾT

DỰ BÁO THỜI TIẾT

Thiết kế phần mềm Công ty phần mềm GSOT GROUP