(QK7 Online) - “Diễn biến hòa bình” là chiến lược phản động của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, tiến tới xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta. Để đạt được mục tiêu trên, các thế lực thù địch đã sử dụng những âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi và xảo quyệt trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó lĩnh vực tư tưởng văn hóa được coi là mũi nhọn mà chúng đã và đang tập trung chống phá quyết liệt.
Đẩy mạnh hoạt động văn hóa văn nghệ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho bộ đội. Ảnh: Trần Rô
Chúng đẩy mạnh tuyên truyền những luận điệu nhằm phủ nhận bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tìm mọi cách xuyên tạc lịch sử và phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Thâm độc hơn, chúng ra sức truyền bá văn hóa phẩm độc hại, cổ xúy cho lối sống thực dụng, sùng bái văn hóa ngoại lai nhằm làm phai nhạt truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc và băng hoại đạo đức xã hội.
Đối với Quân đội, chúng đẩy mạnh tuyên truyền xuyên tạc lịch sử truyền thống và bản chất cách mạng của Quân đội ta, bôi nhọ, hạ thấp hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, chia rẽ mối quan hệ mật thiết giữa Quân đội với Nhân dân. Chúng rêu rao và cổ xúy cho luận điệu “phi chính trị hóa” Quân đội nhằm tách Quân đội khỏi sự lãnh đạo của Đảng, làm cho Quân đội xa rời mục tiêu và lý tưởng chiến đấu cao cả của mình.
Những âm mưu, thủ đoạn thâm độc trên nếu để len lỏi vào từng đơn vị cơ sở trong Quân đội có thể dẫn tới những hệ lụy hết sức nguy hại như: cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở dao động tư tưởng, thoái thác nhiệm vụ; không chịu học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ; nói xấu cấp trên, bôi nhọ cấp dưới, nói một đằng, làm một nẻo, gây mất đoàn kết; học theo lối sống thực dụng, đề cao giá trị vật chất, tâm lý hưởng thụ; ở mức độ cao hơn, đó là biểu hiện nghe và tin theo thông tin sai trái, phản động, chống đối tổ chức, nói xấu chế độ.
Chính vì thế, đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với Quân đội nói chung và từng đơn vị cơ sở nói riêng cần phải xây dựng được “tấm khiên an toàn” và tìm ra được “phương thuốc đặc trị” nhằm đấu tranh ngăn ngừa và làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tác động của “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa ở đơn vị cơ sở, các cơ quan, đơn vị cần quan tâm cần thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp như sau:
Thường xuyên nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, trọng tâm là giáo dục về chính trị tư tưởng nhằm nâng cao bản lĩnh, củng cố niềm tin, lòng trung thành với mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Tích cực tuyên truyền đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới”.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ chính trị nội bộ, giữ vững trận địa tư tưởng. Thực hiện tốt công tác quản lý chính trị nội bộ trong đơn vị; rà soát, kiểm soát, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các biểu hiện tư tưởng lệch lạc, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ chức ở đơn vị cơ sở trong việc nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ; kịp thời phát hiện, đấu tranh có hiệu quả những luận điệu chống phá của các thế lực phản động nhằm đảm bảo ổn định về chính trị tư tưởng trong đơn vị.
Phát huy vai trò nêu gương, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo và coi trọng việc rút kinh nghiệm trong đấu tranh phòng, chống tác động của “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa ở đơn vị cơ sở. Các cơ quan, đơn vị cần nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo trong giải quyết tư tưởng bộ đội, tiếp tục vận dụng thực hiện tốt “5 chủ động” trong tiến hành công tác tư tưởng, đó là: chủ động “dự báo”, chủ động “nắm bắt”, chủ động “ngăn ngừa” tư tưởng lệch lạc, chủ động “giải quyết và xử lý” và chủ động “đấu tranh” về tư tưởng; đẩy mạnh thực hiện mô hình đơn vị điểm, mẫu mực, tiêu biểu về “xây dựng đơn vị có môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh”.
Lê Chuân