Thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh thắp hương tại Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Chiến khu Đ.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, từ Chiến khu Đ, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, của Trung ương Cục miền Nam… về chiến tranh cách mạng đều được truyền “tín hiệu” tổ chức thực hiện đến cấp ủy, chính quyền, Nhân dân và LLVT tỉnh Biên Hòa. Đặc biệt, từ nơi núi rừng hiểm trở, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông, Tỉnh ủy Biên Hòa tổ chức LLVT và Nhân dân phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực tổ chức nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh lớn như trận Bảo Chánh, Trảng Táo, Bàu Cá, La Ngà, Tháp canh Cầu Bà Kiên, Tua Hai, Đất Cuốc…
Năm 1964, từ đây, Bộ chỉ huy Miền quyết định tổ chức tiến công đánh sân bay Biên Hòa giành thắng lợi to lớn, mở đầu chiến dịch giải phóng tỉnh lỵ Phước Long, chiến dịch 12 ngày đêm giải phóng thị xã Long Khánh, đập tan “Cánh cửa thép Xuân Lộc”, tuyến phòng thủ cuối cùng của Mỹ-nguỵ, mở đường để đại quân ta tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành thắng lợi, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Tham quan nhà truyền thống tại Chiến khu Đ.
Từ các hố bom trên vùng chiến khu năm xưa, nay được tỉnh cải tạo, đầu tư thành nhiều dự án phát triển kinh tế, văn hóa xã hội như: Nhà máy Thủy điện Trị An, Khu bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai, các vùng chuyên canh cây nông nghiệp chất lượng cao…
Đặc biệt với quần thể các di tích Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông, Giếng nước Quân khu miền Đông; Đền thờ các anh hùng liệt sĩ miền Đông, Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các danh tướng miền Nam do địa phương xây dựng, trùng tu và tôn tạo…nơi đây còn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng đối với Nhân dân, nhất là thể hệ trẻ trong và ngoài tỉnh.
Để tiếp tục phát huy, phát triển các giá trị tuyền thống của vùng chiến khu, những năm qua, Bộ CHQS tỉnh chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội, gắn với củng cố quốc phòng an ninh trên vùng chiến khu. Theo đó, huyện Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu trong lòng chiến khu, tỉnh quan tâm đầu tư phát triển các khu công nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, nhất là vùng đồng bào dân tộc bản địa nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương.
Với vai trò quản lý Nhà nước về quốc phòng ở địa phương, Bộ CHQS tỉnh chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 28 (khóa XI) của Ban chấp hành Trung ương “về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị số 46 của Bộ Chính trị (khóa XI) “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới”; Nghị quyết số 25 của Ban chấp hành Trung ương (khóa XI) về “tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới”; nhất là các quan điểm mới về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Luôn chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. LLVT tỉnh thường xuyên coi trọng nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự xã hội, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
LLVT tỉnh tiến hành tốt công tác dân vận, vận động quần chúng, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trên địa bàn chiến khu. Củng cố quan hệ đoàn kết quân dân; góp phần xây dựng tỉnh Đồng Nai và vùng chiến khu giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa và vững vàng về quốc phòng an ninh.