Anh hùng LLVTND Trần Quang Khải và vợ - CCB Trần Thị Nhọng.
Cũng từ đấy nhân dân địa phương mới biết Trần Quang Khải nguyên là một chiến sĩ đặc công nước của Lữ đoàn Hải quân 126, và cũng chính từ đấy anh liên tục được các nhà trường, các địa phương mời đến báo cáo về chiến công lừng lẫy của Hải quân nhân dân Việt Nam trong trận đánh chìm tàu dầu 15.000 tấn của địch ở ngoài cửa sông Cửa Việt.
Niềm mong ước của nhân dân địa phương đã được đền đáp và sung sướng vỡ òa khi được Bộ Tư lệnh Hải quân có công văn thông báo về địa phương với nội dung:
“Bộ Tư lệnh Hải quân trân trọng thông báo đồng chí Trần Quang Khải nguyên chiến sĩ đội 1, đoàn 126, quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tại Quyết định số 770/QĐ-CTV ngày 25/4/2015 vì “Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.
Một buổi sáng mùa Đông năm 2017, tôi đến nhà riêng thăm anh, anh vội bật khỏi ghế ra đón tôi mà trên tay vẫn đang cầm cuốn “Lịch sử quân đội nhân dân” đã mở sẵn. Vừa bắt tay thật chặt, vừa cười lớn, anh nói: “Phải đọc để hiểu thêm về lịch sử, chống ngoại xâm anh hùng của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ”.
Thấy anh cởi mở, vui vẻ tôi nói luôn: để còn giáo dục cho các cháu thanh thiếu niên, học sinh, của địa phương nữa phải không? Anh cười: “Trước hết là con, cháu mình đã” anh nói tiếp: những năm trước tôi cũng thường được đi đây đó nói chuyện về chiến công của quân và dân ta, của Hải quân nhân dân Việt Nam, nhưng từ ngày cháu đầu bị tai nạn giao thông, tôi xin nghỉ công tác hội cựu chiến binh xã phải ở nhà trông nom cháu nên cũng không còn nhiều thời gian đi đây đó.
Nói rồi anh chỉ cho tôi người thanh niên cao lớn, đẹp trai nhưng có vẻ không lanh lợi lắm vì đã từng bị tai nạn giao thông, rồi anh kể tiếp: may mà còn cháu trai thứ hai hiện là Trung úy đang công tác trong quân đội và cô gái út hiện là giáo viên trung học phổ thông.
Lại nhớ câu chuyện và con xóm giềng nói về anh trước khi đến thăm anh: Anh hùng quân đội, chiến công đầy mình nhưng giản dị, khiêm tốn lắm, hay đi thăm thú xóm làng, ai có khó khăn gì cũng sẵn sàng giúp đỡ, lại rất chịu khó lao động, có 6 sào ruộng khoán, con cháu đứa thì thương tật, đứa bận công tác, đứa đang ở lính nên anh ấy cứ cùng vợ, một nắng hai sương, mùa nào thức ấy, chẳng khác gì một nông dân thực thụ.
Biết anh là người khiêm tốn không muốn nói nhiều về mình nên tôi đã đề nghị anh kể về chiến công đánh chìm tàu dầu 15.000 tấn của địch ở ngoài khơi của sông Cửa Việt đêm 8 tháng 9 năm 1969 của đơn vị. Anh đưa cho tôi tập tài liệu vừa nói: Đây là thành tích của đơn vị tôi trong trận đánh đó, anh xem thì sẽ rõ:
Do bị đặc công nước của ta đánh hỏng, đánh chìm nhiều tàu trên khúc sông Cửa Việt, Đông Hà, nên địch quy định các tàu có trọng tải lớn phải neo đậu ngoài biển, dùng xà lan và tàu nhỏ ra lấy hàng.
Ngày 5-9-1969, một tàu dầu 15.000 tấn của địch đậu cách bờ biển 3km về hướng Đông Nam.
Được lệnh của trên, chỉ huy đoàn đã giao nhiệm vụ cho đội 1. Đội 1 đã chọn phân đội 2 làm lực lượng chiến đấu. Phân đội 2 cử 7 đồng chí chia làm 2 tổ tham gia trận đánh này. Tổ trực tiếp đánh địch có 3 người đó là các đồng chí Bùi Văn Hy, Trần Quang Khải và Trần Văn Hổ do đồng chí Bùi Văn Hy làm tổ trưởng.
Tổ gùi vũ khí và bảo vệ có 4 người, đó là các đồng chí Hồng, Xuân, Sơn, Thỉnh do đồng chí Hồng làm tổ trưởng.
18 giờ 30 phút cả hai tổ vượt đò cửa Tùng sang bờ Nam 22 giờ đội hình phân đội 2 đến bờ Bắc Cửa Việt tổ gùi hàng giao vũ khí cho tổ đánh rồi lui về vị trí hẹn đón.
23 giờ tổ đánh tàu đeo phao kéo vũ khí xuống nước để vượt sông Cửa Việt sang bờ Nam. Mưa to, nước sông chảy mạnh, sóng lớn, đèn pha chiếu rất sáng. Tổ đánh tàu ra đến giữa sông thì dụng chiếc tàu cuốc đang đi từ biển vào, ba người đành bơi lại bờ Bắc, chờ tàu cuốc địch chạy qua tổ đánh tàu lại vượt sông.
3 giờ sáng ngày 7-9 tổ đánh tàu bám được bờ Nam sông Cửa Việt, 5 giờ sáng cả tổ đã giấu mình trong một cồn cát thuộc làng Vĩnh Hòa Phương bờ Nam Cửa Việt.
8 giờ sáng cùng ngày, một trung đội lính ngụy tuần tra qua làng Vĩnh Hòa Phương, chúng nghi ngờ nơi cồn cát có dấu hiệu lạ nên dừng lại lùng sục. Song chúng đã không phát hiện được các anh.
12 giờ chúng ăn trưa ở cồn cát, 14 giờ chúng rút lui.
18 giờ ngày 7-9-1969, tổ đánh tàu đội cát lên đường ra mép nước. 18 giờ 30 xuống nước bơi ra biển. Vừa bơi được 300m thì một cơn giông nổi lên sóng gió rất mạnh, dòng chảy nơi cửa sông rất xiết nên cả tổ phải quay trở lại bờ giấu vũ khí, giấu người.
6 giờ sáng ngày 8-9, một số bà con ra cồn cát lượm củi, anh em đành nói rõ mình là quân giải phóng. Nhân dân tin, giữ bí mật và còn tiếp tế cơm nước cho anh em ăn.
Tuy vậy để đề phòng bất trắc, sai đó tổ đã chuyển ra cánh đồng
17 giờ ngày 8-9, 2 chiến sĩ Trần Quang Khải, Trần Xuân Hồ mang vũ khí, đeo phao lần theo mép nước ra biền.
Lặn hụp trong nước, vận lộn với sóng gió trong 3 giờ liền.
20 giờ 15 phút hai chiến sĩ đã bám được dây neo của tàu.
Hổ luồn về phía bên mạn tàu, Khải luồn sang phải, cả hai tìm khoang chứa dầu, cạo hà rồi áp mìn; hai quả mìn cách nhau 3m. Cả hai quả mìn đều có độ sâu 0,5m, so với mặt nước biển. Do sơ xuất nên anh em làm chiếc phao mìn nổi lên, tên lính trên boong phát hiện và lập tức nổ súng báo động, đạn tiểu liên AR15, lựu đạn ném xuống quanh tàu như mưa, hai chiến sĩ khẩn trương bơi vào bờ.
Địch nhanh chóng huy động 2 máy bay trực thăng, 1 máy bay C130, 5 tàu tuần tiễu từ Cửa Việt ra, kết hợp với tàu tuần dương và tàu khu trục Mỹ ngoài khơi vào sục sạo, truy tìm, pháo súng bắn lên sáng trắng cả một vùng biển, đạn các loại từ trên tàu, trên máy bay xỉa xuống liên tục.
Các đơn vị địch trên bờ tại các căn cứ Mỹ ngụy từ Cửa Việt, Cửa Tùng báo động khẩn cấp, chúng bao vây mọi ngả ngằm không cho đặc công nước Việt Cộng trở về căn cứ.
Đồng chí Khải bị thương vào đùi, đồng chí Hổ bị sức ép ù tai, sợi dây liên kết giữa hai người bị đạn cắt đứt nên hai chiến sĩ mất liên lạc với nhau.
22 giờ ngày 8-9 đồng chí Khải bơi được vào bờ, đồng chí Hổ bị sức ép, sóng lại to nên mãi đến 3 giờ sáng ngày 9-9 mới bắt được bờ.
Ngày 10-9-1969 tổ đáng tàu về đến căn cứ.
Vào lúc 22 giờ ngày 8-9-1969, nghĩa là lúc đồng chí Khải đã bắt được bờ, chiếc tàu dầu 15.000 tấn của địch hốt hoảng chạy về phía Cửa Việt, nhưng mới đi được 1km thì hai tiếng nổ phát ra, một quầng lửa lớn trùm xuống biển chiếc tàu địch chìm dần.
Xem xong bản thành tích tôi đưa mắt nhìn anh và biểu lộ sự khâm phục của mình. Hiểu ý tôi anh nói: chúng tôi có vinh dự được chỉ huy tin tưởng giao nhiệm vụ và chỉ đạo, chỉ huy sát sao nên đã hoàn thành nhiệm vụ, nếu các đồng chí khác được giao nhiệm vụ ấy, chắc chắn họ cũng nhấn chìm chiếu tàu khổng lồ ấy của địch xuống biển.