Trung đoàn tên lửa 238 - Đơn vị 2 lần được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - đơn vị đầu tiên bắn rơi máy bay ném bom chiến lược B-52 của đế quốc Mỹ, tạo ra những kinh nghiệm ban đầu quan trọng, làm cơ sở viết nên Cuốn sách đỏ “Cách đánh B-52” của Bộ đội Phòng không Việt Nam.
Báo Quân khu 7 điện tử giới thiệu cùng bạn đọc về chiến công vẻ vang này nhân dịp Kỷ niệm 50 năm ngày Trung đoàn tên lửa 238 bắn rơi máy bay B-52 đầu tiên trên chiến trường Việt Nam (17/9/1967 - 17/9/2017).
Trung tướng Đỗ Căn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tặng hoa chúc mừng kíp chiến đấu
Trung đoàn tên lửa 238 tại Trường bắn TB1 ngày 05/9/2017.
Năm 1965, sau khi chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bị thất bại ở miền Nam Việt Nam, Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” bằng việc ồ ạt đưa quân vào trực tiếp tham chiến và bổ sung hàng loạt vũ khí, khí tài, trang bị quân sự hiện đại, trong đó đáng chú ý là máy bay ném bom chiến lược B-52. Trước tình hình đó, ngày 19/7/1965, khi đến thăm Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) và một số đơn vị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Ta nhất định thắng, Mỹ nhất định phải thua. Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay bê gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”.
Quán triệt sâu sắc quan điểm trên, Bộ đội PK-KQ đã có sự chuẩn bị rất tích cực và toàn diện, nhất là về công tác xây dựng lực lượng và huấn luyện chiến đấu. Trong bối cảnh đó, ngày 22/4/1965 Trung đoàn tên lửa 238 được thành lập và sau này, để thể hiện sức trẻ, theo Quyết định Số 862/QĐ-PK-KQ ngày 30/9/2003 của Tư lệnh Quân chủng PK-KQ, lấy ngày 26/3/1965 làm ngày truyền thống của Trung đoàn.
Bị thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam, ngày 12/4/1966, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn ra lệnh cho máy bay B-52 ném bom ra miền Bắc ở khu vực đèo Mụ Giạ, Quảng Bình, các tuyến đường giao thông ở Quân khu 4 bị địch đánh phá quyết liệt. Nhiệm vụ bảo vệ giao thông chiến lược trên địa bàn này có ý nghĩa chiến lược và hết sức cấp bách. Trước tình hình đó, Bác Hồ đã chỉ thị cho đồng chí Đặng Tính, Chính uỷ Quân chủng PK-KQ: “Máy bay B-52 Mỹ đã ném bom miền Bắc, phải tìm ra cách đánh cho được B-52. Nhiệm vụ này Bác giao cho các chú phòng không - không quân”.
Quán triệt sâu sắc chỉ thị của Người, tháng 4/1966, Theo lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, Quân chủng giao nhiệm vụ cho Trung đoàn tên lửa 238 vào chiến đấu ở chiến trường Khu IV, trên đất lửa Vĩnh Linh để bảo vệ tuyến giao thông chiến lược và với nhiệm vụ chiến lược vô cùng quan trọng là nghiên cứu cách đánh máy bay B-52. Đây là một nhiệm vụ vô cùng mới mẻ, nặng nề đối với Trung đoàn.
Với tinh thần khắc phục mọi khó khăn, Trung đoàn vừa hành quân vừa chiến đấu trên một chiến trường mới lạ. Tuy gặp vô vàn khó khăn gian khổ, vừa đi vừa đánh; đội hình của Trung đoàn kéo dài nhưng tiểu đoàn nào cũng lập công. Cả tên lửa, cả pháo phòng không đều bắn rơi máy bay địch, pháo phòng không đi bảo vệ tiểu đoàn kỹ thuật cũng lập công. Cuối tháng 12/1966, toàn Trung đoàn đã có mặt đầy đủ trên chiến trường Khu IV, tập trung vào ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Thực hiện chủ trương tiếp tục đưa đơn vị vào Nam Khu IV, tranh thủ những ngày ngừng bắn nhân dịp Tết Đinh Mùi (1967) Trung đoàn lệnh cho 2 Tiểu đoàn 81, 83 và một nửa Trung đoàn bộ hành quân vào Vĩnh Linh. Để tiện việc chỉ huy, sở chỉ huy Trung đoàn chia làm hai: Sở Chỉ huy phía Nam ở Vĩnh Linh chịu trách nhiệm chỉ huy từ Nam sông Gianh trở vào; Sở Chỉ huy phía Bắc ở Thạch Vĩnh (Thạch Hà, Hà Tĩnh) chịu trách nhiệm từ bờ Bắc sông Gianh trở ra.
Việc tổ chức cho 2 Tiểu đoàn 81, 83 hành quân từ Nghệ An vào Vĩnh Linh là thành công lớn về nghệ thuật tổ chức và chỉ huy. Trung đoàn đã chia đường hành quân ra 12 chặng; chia 2 Tiểu đoàn 81 và 83 thành 4 khối nhỏ. Pháo phòng không tiểu cao được bố trí bảo vệ các trọng điểm; mỗi khối đi một đêm, đến trạm nào thì báo cáo ngay về sở chỉ huy Trung đoàn.
Trong lúc 2 Tiểu đoàn 81, 83 hành quân thì Trung đoàn giao cho Tiểu đoàn 82 nhiệm vụ cơ động chiến đấu từ Bắc Nghệ An đến Hà Tĩnh để nghi binh tạo điều kiện cho các tiểu đoàn bạn thọc sâu vào tuyến lửa Vĩnh Linh. Tiểu đoàn 82 đã hoàn thành nhiệm vụ, có nhiều trận đánh thành công trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đến giữa tháng 4/1967, Tiểu đoàn 81 và 83 vào đến Vĩnh Linh.
Bước sang năm 1967, cường độ hoạt động của máy bay B-52 ở Vĩnh Linh tăng lên. Nhiệm vụ nghiên cứu đánh máy bay B-52 đặt ra rất cấp bách. Ban Chỉ huy Trung đoàn quyết định đưa toàn bộ lực lượng của các tiểu đoàn 82, 84, 85, trung đoàn bộ cùng lực lượng pháo phòng không vào Vĩnh Linh.
Ban Chỉ huy Trung đoàn quyết định bố trí Tiểu đoàn 84 ở khu Tây Vĩnh Linh để đánh B-52 trước. Tiểu đoàn 82 ở khu Đông chuẩn bị thật tốt tạo thế bất ngờ đánh B-52 sau khi Tiểu đoàn 84 đã đánh ở khu Tây.
Sauk hi họp bàn, nghiên cứu, phân tích, lãnh đạo và chỉ huy Trung đoàn nhất trí chủ trương dồn ghép toàn bộ lực lượng và trang bị tốt của Trung đoàn cho một tiểu đoàn (Tiểu đoàn 84), quyết đánh bằng được máy bay B-52; tăng cường huấn luyện kíp chiến đấu đánh B-52.
13 giờ ngày 17/9/1967, Tiểu đoàn 84 vào cấp 1; 17 giờ 03 phút, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Phiên, kíp chiến đấu Tiểu đoàn 84 gồm sĩ quan điều khiển Lê Hỷ cùng ba trắc thủ Phạm Văn Ngoạn, Trần Hồng Thính và Nguyễn Văn Ngận đã phóng 2 đạn tiêu diệt chiếc B-52 đầu tiên tại Vĩnh Linh. 17 giờ 34 phút, tốp B-52 tiếp theo bay vào, chỉ còn một quả đạn, Tiểu đoàn vẫn quyết đánh và bắn rơi thêm 1 chiếc B-52. Mặt trận thông báo: 2 chiếc B-52 bị diệt. Đây là chiến công đầu tiên bắn rơi B-52 của Bộ đội Tên lửa Việt Nam.
Để có được chiến công này, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn tên lửa 238 đã phải trải qua bao gian truân vất vả, nhiều cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã mãi mãi yên nghỉ trên mảnh đất Vĩnh Linh kiên cường.
Sau khi nghe báo cáo kết quả bắn rơi B-52, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen đồng bào, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân và cán bộ Vĩnh Linh: “Bác rất vui lòng được tin ngày 17 tháng 9 năm 1967, Vĩnh Linh đã lập công xuất sắc, lần đầu tiên bắn rơi 2 máy bay B-52 của giặc Mỹ. Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác đặc biệt gửi lời khen đồng bào, cán bộ và chiến sĩ Vĩnh Linh đã đánh giỏi, bắn trúng, chiến thắng vẻ vang, Vĩnh Linh thật xứng đáng là tiền tuyến anh hùng của miền Bắc xã hội chủ nghĩa”. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì cho Tiểu đoàn 84.
Tiếp đó, ngày 20/10/1967, Tiểu đoàn 82 bằng 3 quả đạn đã bắn rơi 2 máy bay B-52 và ngày 29/10/1967, Tiểu đoàn 84 lại lập công xuất sắc, bằng 2 quả đạn tiêu diệt 1 máy bay B-52. Tiểu đoàn 82 đã được Quốc hội và Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai và Quân khu 4 tặng Tiểu đoàn lá cờ mang dòng chữ “Đánh mạnh thắng to” cùng 1 đài bán dẫn.
Hoà nhịp với tiếng súng tiến công và nổi dậy của đồng bào, chiến sĩ miền Nam anh hùng, ngày 11/01/1968, Tiểu đoàn 82 lại bắn rơi 1 máy bay B-52. Đây là chiếc máy bay B-52 thứ 6 bị Trung đoàn bắn rơi trên đất lửa Vĩnh Linh anh hùng.
Trải qua bao gian nan, thử thách, ác liệt, phải hi sinh cả xương máu (từ giữa năm 1966 đến đầu năm 1968) Trung đoàn tên lửa 238 đã hành quân tới đất lửa Vĩnh Linh, bám trụ kiên cường, anh dũng đánh thắng nhiều đối tượng, từ máy bay cường kích đến máy bay ném bom chiến lược B-52 của giặc Mỹ. Chiến công của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 238 có ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu đánh một đối tượng tác chiến mới, bước đầu rút kinh nghiệm, nghiên cứu tìm ra cách đánh B-52 cho các đơn vị sau này tham gia chiến dịch phòng không tháng 12 năm 1972, đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng làm nên một “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, tạo bước ngoặt quyết định thay đổi cục diện chiến tranh ở Việt Nam. Với những thành tích vẻ vang, những cống hiến và hy sinh to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 15/01/1976 Trung đoàn đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ tranh nhân dân.
Trung tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ tặng hoa kíp chiến đấu
Tiểu đoàn 83, Trung đoàn 238 tại Trường bắn TB1 ngày 5/9/2017.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát huy truyền thống Đơn vị Anh hùng, Trung đoàn không ngừng phấn đấu, rèn luyện, nâng cao sức mạnh chiến đấu và SSCĐ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Nhiều năm liền Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh, Trung đoàn vững mạnh toàn diện, là lá cờ đầu trong phong trào Thi đua Quyết thắng của Sư đoàn và Quân chủng PK-KQ. Ngày 13/12/2013, Trung đoàn vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ tranh nhân dân (lần thứ 2) thời kỳ đổi mới.
50 năm đã trôi qua, lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sỹ của Trung đoàn luôn sát cánh bên nhau, đoàn kết thống nhất ý chí và hành động, không ngừng tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Đoàn Tên lửa Hạ Long 2 lần Anh hùng: “Ra quân đánh thắng trận đầu; có lệnh là đi, mở đường mà tiến, tìm địch mà diệt; bí mật cơ động, thọc sâu, trụ vững, đánh thắng; đoàn kết hiệp đồng lập công tập thể; xây dựng vững mạnh, trưởng thành nhanh chóng”.
Trung tâm Thông tin Khoa học Quân sự/Bộ Quốc phòng
Nguồn: mod.gov.vn