Thực tế, không ít trường hợp kẻ lừa đảo vào vai là khách hàng tìm đến người bán nhà đất; trong lúc, người bán không đề phòng thì kẻ gian tráo sổ đỏ thật và thay vào đó là sổ đỏ giả đưa cho gia chủ. Khi có trong tay sổ đỏ thật thì các đối tượng này rao bán, qua mặt gia chủ, khách hàng và đôi khi qua mặt cả Văn phòng công chứng.
Trước thực trạng nêu trên, nhiều người khi bán nhà đất rất e ngại việc đưa sổ đỏ cho khách xem, nhưng không đưa cho khách xem thì họ lại không dám mua (vì bản thân người mua cũng sợ bị người bán lừa đảo).
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
Theo Luật sư Phạm Thanh Hữu (Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh), nguyên nhân chính dẫn đến kẻ gian có được bản chính sổ đỏ của gia chủ để mang đi bán nhà đất trái pháp luật là do gia chủ sơ hở, bất cẩn trong việc bảo quản sổ đỏ. Để tránh xảy ra rủi ro này, gia chủ cần lưu ý những vấn đề sau đây:
Thứ nhất, bảo quản sổ đỏ cẩn trọng, không để thất lạc. Trong trường hợp bị mất sổ đỏ thì cần thực hiện làm lại ngay; đồng thời, có thể ghi biển cảnh báo trước nhà mình là “Sổ đỏ/sổ hồng của nhà đất này bị mất, nhà này không bán...” nhằm giúp người mua nhà không bị kẻ gian lừa đảo.
Thứ hai, lúc đưa sổ đỏ cho khách hàng xem thì gia chủ cần quan sát kỹ từng hành động của khách hàng, tránh trường hợp bị khách hàng tráo đổi sổ đỏ giả để lấy sổ đỏ thật của gia chủ. Đồng thời, khi khách hàng trả lại sổ đỏ thì gia chủ cần phải kiểm tra kỹ lưỡng có phải đó là sổ đỏ của mình hay không trước khi khách hàng ra về.
Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức – Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) 1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; e) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. |
Thổ Kim