Nhà báo An Thị Thu Cúc: Nếu không yêu nghề thì khó thành công
Biên tập viên Thu Cúc phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Trường Thắng, Tư lệnh Quân khu 7.
Chị luôn tâm niệm rằng phóng viên mặc áo lính là vượt qua được những nhọc nhằn vốn có, chấp nhận những thử thách. Bởi càng trong gian khó càng tôi luyện cho mỗi người bản lĩnh, ý chí và sức mạnh để vươn lên, xứng đáng là chiến sĩ cách mạng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng.
Do đặc thù Báo Quân khu 7 phải đảm nhiệm 4 loại hình báo chí: Báo hình, báo in, báo điện tử và phát thanh nên chị luôn học hỏi, trau dồi nhiều kỹ năng nghiệp vụ như viết kịch bản, lời bình các loại phim tài liệu, ký sự, phóng sự; dựng phim; biên tập tin, bài,... Dẫu nhiệm vụ luôn nặng nề, đòi hỏi yêu cầu ngày càng cao và nhiều khó khăn nhưng sự nhiệt huyết, tận tâm với nghề chưa bao giờ vơi cạn trong chị.
Nhà báo Nguyễn Thị Hải Yến: Nhà báo nữ phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba
Biên tập viên Hải Yến vừa quay phim vừa dẫn hiện trường trong chuyến công tác tại Campuchia.
Nhà báo Hải Yến hay được đồng nghiệp gọi đùa là “phóng viên chiến trường” bởi chị thường xuyên nhận nhiệm vụ đưa tin, ghi hình tại các cuộc diễn tập, huấn luyện dã ngoại và các điểm nóng nơi chốt biên giới mùa dịch. Đây là mảng đề tài khó đòi hỏi sự bản lĩnh của nữ nhà báo, sự lựa chọn này cũng đồng nghĩa với việc chị sẽ vất vả hơn rất nhiều. Chính sự không ngại khó, ngại khổ mà các bài viết về đề tài hay bị gán “mác” khô khan này lại trở nên lợi thế khi được chị khai thác với góc nhìn khác biệt, mềm mại mang tình cảm đặc trưng của nữ giới.
Chị chia sẻ, nghề báo thực sự là một nghề rất vất vả, nữ nhà báo phải thu xếp tốt việc gia đình mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với chị, khó khăn nhất là làm sao thuyết phục được Ban biên tập tin tưởng rằng mình có thể dãi nắng, dầm mưa, trèo đèo, lội suối như các đồng nghiệp nam để cho ra đời những tác phẩm báo chí chất lượng. Và chỉ khi có sự “say nghề” mới biến khó khăn trở thành cột mốc cần chinh phục và khẳng định giới hạn bản thân.
Phóng viên Lê Thị Hoan: Học cách cân bằng giữa công việc và gia đình
Phóng viên Lê Hoan phỏng vấn lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Làm báo là công việc đặc thù đi sớm về khuya, cả ngày sử dụng các dụng cụ tác nghiệp như máy quay, máy chụp, máy vi tính rồi chạy theo các sự kiện khiến người mệt mỏi, rã rời, chị đành ăn uống qua loa rồi lại vùi đầu vào các bài viết, mải mê với tài liệu trăn trở suy tư bởi công việc ngày mai vẫn còn bộn bề.
Có những đêm trở về nhà thì con đã ngủ, hai con của chị cũng vì thế mà học cách tự lập từ sớm khi mẹ vắng nhà. Cũng rất nhiều lần chị đành lỡ hẹn với con, với chồng vì những chuyến công tác dài ngày, đột xuất. Biết là con sẽ buồn nhưng chị chỉ biết động viên, bù đắp khi công việc vơi đi chút ít. Chị tâm sự, phụ nữ làm báo thì người thân cũng phải biết hy sinh, thấu hiểu và đôi khi phải chịu thiệt thòi. Nhưng may mắn, chị luôn có anh là bờ vai vững chãi, là người chồng biết đỡ đần, san sẻ, cảm thông với công việc của vợ và sẵn sàng phụ giúp chị việc nhà, chăm con để chị có thể chu toàn, hài hòa việc cơ quan, tâm huyết với nghề và giữ lửa gia đình.
Phóng viên Trần Thị Quỳnh Nhi: Chọn nghề báo - chọn đam mê
Phóng viên Quỳnh Nhi tác nghiệp tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025.
Mỗi người có một cách đến với nghề báo khác nhau nhưng tất thảy ở họ đều có chung một niềm đam mê cháy bỏng với nghề, niềm đam mê ấy đủ lớn, đủ sâu để họ yêu và gắn bó lâu đến vậy. Nếu đã không có đam mê cho công việc của mình thì đừng chọn nó và nếu đã lựa chọn thì hãy đốt cháy bản thân để theo đuổi nó.
Với phóng viên Quỳnh Nhi được nói, được viết, được thể hiện quan điểm của mình và phản ánh một cách chân thực về từng sự kiện trong cuộc sống là một thứ vinh quang riêng của những người làm báo. Và chính vinh quang ấy là động lực để giúp những người trẻ như Quỳnh Nhi cố gắng hoàn thiện mình mỗi ngày. Dẫu biết rằng phía trước là một chặng đường dài nhưng mỗi phóng viên, nhà báo luôn cố gắng, nỗ lực vượt qua những khó khăn, vất vả đời thường để sống hết mình với đam mê, vững vàng xốc lại tinh thần xách ba lô lên để tiếp tục đi, tiếp tục viết, trải nghiệm những điều mới mẻ và cho ra đời những tác phẩm báo chí chất lượng phục vụ bạn đọc.
Phóng viên Mạc Kim Thắng: Nghề báo giúp tôi trưởng thành và bản lĩnh hơn
Phóng viên Mạc Kim Thắng tác nghiệp tại Sư đoàn 5.
Những ngày đầu bước vào tòa soạn, cũng như bao sinh viên mới ra trường khác, Thắng có những lo lắng, bỡ ngỡ nhưng được Ban biên tập và các anh chị đi trước chỉ bảo, giúp đỡ tận tình giúp Thắng vững vàng hơn rất nhiều. Thắng chia sẻ: “Trên con đường làm báo, tôi không hề đơn độc bởi luôn có những người đi trước kề bên dìu dắt. Hạnh phúc của tôi là được đi nhiều nơi, được làm công việc mình yêu thích và chính trong môi trường này tôi luyện cho tôi tính kỷ luật, tự lập, tác phong nhanh nhẹn, chuyên nghiệp và bản lĩnh; tôi thấy mình trưởng thành qua những chuyến đi, những bài viết, đó là điều khiến tôi tự hào và yêu nghề hơn”.