Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản phản hồi kiến nghị của cử tri Cần Thơ về tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ.
Cụ thể, cử tri đề nghị Bộ sớm xúc tiến các thủ tục đầu tư Dự án đường sắt cao tốc từ thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố Cần Thơ, để dự án triển khai thực hiện, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Bộ Giao thông vận tải thống nhất với kiến nghị của cử tri thành phố Cần Thơ về việc sớm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh. Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, chiều dài khoảng 174 km đi qua 06 tỉnh/thành phố, đường đôi, khổ 1435mm, lộ trình nghiên cứu, đầu tư trước năm 2030.
Với vai trò quan trọng kết nối trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ cung ứng hàng hóa của vùng ra thị trường tiêu thụ; thực hiện các chủ trương của Bộ Chính trị và quy hoạch mạng lưới đường sắt, hiện nay Bộ Giao thông vận tải đang triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phấn đấu khởi công trước năm 2030.
Vào tháng 12/2024, tại buổi tiếp xúc cử tri tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành mạng lưới giao thông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, có việc nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ và kéo dài xuống đến Cà Mau.
Về hạ tầng giao thông, Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện lại, nhất là phát triển cả 5 phương thức giao thông vận tải (đường bộ, hàng không, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa), phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường cao tốc và trên 1.000 km đường ven biển, trong đó khu vực ĐBSCL phải phấn đấu hoàn thành 400-500 km đường cao tốc.
Trong đó, về đường sắt, Thủ tướng cho biết cùng với Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam từ Hà Nội vào TPHCM, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ và kéo dài xuống tận Cà Mau.
Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi được trình lên Bộ Giao thông Vận tải vào năm 2023, hướng tuyến của tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ bắt đầu từ Bình Dương (ga An Bình) đến Cần Thơ (ga Cần Thơ), đi qua 6 tỉnh/thành phố với tổng chiều dài 174,42km. Quy mô xây dựng bao gồm 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa, khám xe, chỉnh bị.... được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi - khổ 1435mm - điện khí hóa.
Về phương án tổ chức, tàu khách được tổ chức từ Tân Kiên và ga Bình Triệu đến ga Cần Thơ; bố trí thêm một số đoàn tàu ngoại ô từ ga Tân Kiên đến ga Tam Hiệp. Tày hàng sẽ vận hành từ Tân Kiên đến ga ga An Bình và Cần Thơ.
Phong Vân