Lịch sử chiến đấu anh hùng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 bắt nguồn từ những đơn vị chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước.
Trưởng thành trên mảnh đất Tây Nguyên
Tây Nguyên là địa bàn chiến lược rất quan trọng, được ví như “nóc nhà của bán đảo Đông Dương” với thế đất cao, thế đứng vô cùng lợi hại. Từ Tây Nguyên có thể phát triển tiến công xuống các tỉnh ven biển miền Trung cắt đôi miền Nam, tiến công về phía Đông Nam bộ và Sài Gòn, phát triển sang hạ Lào và đông bắc Campuchia.
Ngày 1/5/1964, Bộ Chính trị, BCHTW Đảng quyết định thành lập Mặt trận Tây Nguyên, lấy phiên hiệu chiến trường B3, có nhiệm vụ: “Xây dựng Tây Nguyên thành chiến trường tiêu diệt lớn, có đội quân chủ lực mạnh làm nòng cốt thúc đẩy ba thứ quân phát triển; tiêu diệt, tiêu hao sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch; thu hút và giam chân lực lượng cơ động Mỹ ngụy, tạo điều kiện cho đồng bằng và thành phố nổi dậy, phối hợp chặt chẽ với Trị Thiên, Đông Nam bộ và các chiến trường khác tiến công địch trong những thời cơ chiến lược”.
Mặt trận Tây Nguyên được bổ sung các đơn vị chủ lực từ miền Bắc hành quân vào như Trung đoàn 320, Trung đoàn 101 của Sư đoàn 325, Trung đoàn 66, các tiểu đoàn đặc công và một số đơn vị binh chủng của các quân khu.
Tháng 9/1965, quân Mỹ điều sư đoàn kỵ binh không vận số 1 với trang bị 482 trực thăng và 1 lữ đoàn dù lên Tây Nguyên tìm diệt chủ lực của ta bằng chiến thuật “Trực thăng vận”. Nắm được ý đồ của địch, Bộ Tư lệnh mặt trận thay đổi chủ trương giải phóng bắc Tây Nguyên sang mở Chiến dịch Plây me nhằm kéo quân Mỹ hung hăng vào thế trận mà ta đã chuẩn bị để tiêu diệt chúng.
Sau thắng lợi của Chiến dịch Plây me, bộ đội chủ lực Tây Nguyên phát triển trưởng thành nhanh chóng, liên tục giành thế chủ động, mở nhiều chiến dịch tiến công, phản công, mở rộng vùng giải phóng, như: chiến dịch Sa Thầy, Đắc Tô, Tổng tiến công Mậu Thân 1968, Bu B’răng - Đức Lập, Đắc Xiêng, bắc Tây Nguyên 1972... Đặc biệt là chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975 với tài thao lược, nghi binh, chọn đúng mục tiêu hiểm yếu, thu hút địch lên hướng Pleiku, ngày 10/3 ta dùng lực lượng mạnh tiến công thị xã Buôn Ma Thuột. Chiến thắng Buôn Ma Thuột đã làm rối loạn sự chỉ đạo chiến lược và đảo lộn thế trận phòng thủ của địch ở chiến trường Tây Nguyên, góp phần giải phóng Tây Nguyên và một số tỉnh ven biển miền Trung.
Bộ đội Quân đoàn 3 đánh chiếm Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 ngụy giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên
Tự hào trong đội hình 5 cánh quân giải phóng Sài Gòn
Trong những ngày tháng 4 lịch sử, Trung tướng Nguyễn Đức Hải cùng đồng đội có dịp gặp mặt, ôn lại truyền thống hào hùng của đơn vị, và tri ân công lao của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và Nhân dân. Trong ký ức của các cựu chiến binh từng “vào sống ra chết”, được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh là niềm vinh dự, tự hào.
Các cựu chiến binh Quân đoàn 3 - bộ đội Mặt trận Tây Nguyên trong ngày họp mặt truyền thống 30-4-2022
Ngay sau khi thành lập, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 nhận lệnh hành quân thần tốc tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam. Quân đoàn đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu từ Tây Bắc vào Sài Gòn, tiêu diệt Sư đoàn 25 ngụy, đánh chiếm Hóc Môn, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tư lệnh thiết giáp, Bộ tư lệnh pháo binh và Bộ tổng tham mưu ngụy.
Ngày 29/4, Sư đoàn 320 tiến công tiêu diệt căn cứ Đồng Dù (Củ Chi) của Sư đoàn 25 ngụy. Sư đoàn 316 tấn công địch ở Trảng Bàng, Gò Dầu làm chủ đường số 1 và 22. Trung đoàn 198 đặc công đánh chiếm cầu Bông, cầu Sáng tạo điều kiện cho lực lượng thọc sâu (binh chủng hợp thành) của Quân đoàn đánh chiếm các mục tiêu nội đô.
Đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất vào sáng 30-4
Sáng 30/4, lực lượng thọc sâu của Quân đoàn đánh chiếm các mục tiêu nội đô. Đại tá Trần Xuân Thống, nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, khi đó nằm trong đội hình Đại đội 10 tiến công đánh chiếm Bộ tổng tham mưu ngụy. Đại tá Trần Xuân Thống nhớ lại: “Phải có người hướng dẫn mới biết cổng của Bộ tổng tham mưu ngụy. Đồng chí trung tá Võ Khắc Phụng, Sư đoàn phó đã dùng 1 xe tăng chặn cổng lại. Toàn bộ đội hình Tiểu đoàn 3 tiến vào Bộ tổng. Đồng chí Võ Hùng Kháng, Tham mưu phó trung đoàn chỉ huy 1 tổ lên cắm cờ trên nóc nhà. Còn Đại đội 10 chúng tôi vào chiếm lĩnh. Vào phòng chỉ huy ngụy, tôi lấy được tấm bản đồ chiến dịch và 1 gậy chỉ huy, hiện đã trao lại cho Trung tâm lưu trữ Quốc gia 4 bảo quản”.
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 10 đánh chiếm Bộ tổng tham mưu ngụy vào trưa ngày 30-4
Nhận xét về đóng góp của Quân đoàn 3 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Văn Tiến Dũng khẳng định: Quân đoàn 3 đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, có thể nói hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt xuất sắc.
Với thành tích chiến đấu vẻ vang, Quân đoàn 3 vinh dự được tuyên dương Anh hùng LLVTND tháng 12/1979 và nhiều phần thưởng cao quý khác, tô thắm truyền thống “Quyết thắng, sáng tạo, thống nhất, nghiêm túc, thực lực” của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ xây đắp nên.