Ảnh minh họa
Theo đó, UBND tỉnh Bình Định thống nhất với phương án quy hoạch hướng tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku đã được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 12799/TTr-BGTVT ngày 25/11/2024 (điểm đầu cao tốc Quy Nhơn – Pleiku (CT20), tại vị trí khoảng Km22+300/CT20, kết nối tuyến đường Quốc lộ 19B, phía Tây Nam sân bay Phù Cát).
Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng mạng lưới cao tốc, quốc lộ, đường ven biển thực hiện theo quy hoạch quốc gia. Ưu tiên triển khai xây dựng tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Xây dựng hệ thống đường tỉnh kết nối các tuyến đường cao tốc, đường quốc lộ đến các khu kinh tế, khu du lịch, dịch vụ trọng điểm, đường vào khu cụm công nghiệp tạo nên mạng lưới đường bộ hoàn chỉnh liên hoàn liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa đô thị và nông thôn và kết nối với các tỉnh lân cận.
Quy hoạch phát triển hệ thống đường tỉnh đến năm 2030 gồm 16 tuyến, trong đó giữ nguyên 02 tuyến; điều chỉnh, kéo dài 08 tuyến; quy hoạch xây dựng mới 06 tuyến. Quy hoạch đầu tư nâng cấp, xây dựng mới tuyến đường phía Tây tỉnh. Từng bước hoàn chỉnh, đồng bộ hóa các tuyến trục giao thông, nút giao thông đô thị, hiện đại hóa mạng lưới đường nội thị gắn với chỉnh trang đô thị, kết hợp các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm.
Nâng cấp và xây dựng mới bãi đỗ xe tại các đô thị, chuyển đổi một số bến xe trong trung tâm thành bãi đỗ xe tĩnh áp dụng công nghệ tiên tiến. Tất cả các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh qua các sông lớn đều được xây dựng cầu mới thay thế cầu cũ không còn phù hợp.
Đầu tư mới nhà ga, mở rộng sân đỗ, xây dựng thêm đường cất hạ cánh thứ hai và các đường lăn phù hợp với quy hoạch.
Nghiên cứu khả năng phát triển Cảng hàng không Phù Cát đến năm 2030 là Cảng hàng không cấp 4E (công suất 5,0 triệu hành khách/năm, 12.000 tấn hàng hóa/năm) và chuyển thành cảng hàng không quốc tế khi đảm bảo các điều kiện theo quy định; giai đoạn đến năm 2050 là Cảng hàng không cấp 4E (công suất 7,0 triệu hành khách/năm, 27.000 tấn hàng hóa/năm) khi đảm bảo các điều kiện theo quy định.
Nâng cấp ga Diêu Trì thành ga tổng hợp, xây dựng mới 02 ga hàng hóa đường sắt tại khu vực xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) và xã Canh Vinh (huyện Vân Canh) phục vụ vận chuyển hàng hóa cho cảng Quy Nhơn, Khu kinh tế Nhơn Hội và các trung tâm logistics. Đến năm 2030, tiếp tục duy trì và khai thác nhánh đường sắt Diêu Trì - Quy Nhơn. Sau năm 2030, nghiên cứu xây dựng mới đoạn tuyến Diêu Trì - Nhơn Bình, chuyển ga hàng hóa Quy Nhơn ra Nhơn Bình; chuyển ga Quy Nhơn thành ga hành khách đô thị phục vụ phát triển đường sắt đô thị, tận dụng hành lang của tuyến đường sắt Diêu Trì - Quy Nhơn để phát triển đường sắt đô thị (hỗ trợ phát triển đô thị xung quanh tuyến).
Nghiên cứu bổ sung các tuyến đường sắt đô thị kết nối với ga Quy Nhơn và phát triển đô thị gắn kết với ga Quy Nhơn theo mô hình TOD. Quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt đô thị kết nối thành phố Quy Nhơn đến Cát Tiến, An Nhơn, Cảng hàng không Phù Cát, Canh Vinh,... trong đó lấy đô thị Quy Nhơn làm trung tâm.
Lê Lê