(QK7 Online) – Mới đây, ông Trần Ngọc Doanh, Tổng Giám đốc Công ty Trần Doãn đã tổ chức họp báo để trình bày công khai trước báo giới về vụ kiện tranh chấp Hợp đồng hợp tác kinh doanh ký giữa Công ty Trần Doãn và Công ty Gamuda Land. Được biết, hiện Tòa án Nhân dân Quận Tân Phú đã tiếp nhận đơn kiện của Công ty Trần Doãn.
Ông Trần Ngọc Doanh, Tổng Giám đốc Công ty Trần Doãn họp báo khởi kiện Công ty Gamuda Land.
Theo đơn khởi kiện do ông Trần Ngọc Doanh trình bày ngày 31/1/2021, Công ty Trần Doãn và Công ty Gamuda Land ký nội dung như sau: Thứ nhất, Công ty Gamuda thỏa thuận với Công ty Trần Doãn về việc Công ty Trần Doãn là bên đầu tư toàn bộ phần xây dựng, phần hoàn thiện các hạng mục trang trí nội thất và trang thiết bị nội thất cùng các chi phí khác liên quan tại khu đất có diện tích 3.600 m2 thuộc Khu liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng. Theo đó, khu đất này sẽ trở thành khu vận hành với tổng giá trị đầu tư ban đầu trên 100 tỷ đồng. Thứ hai, theo thỏa thuận sau khi hoàn thiện đầu tư Công ty Trần Doãn là bên trực tiếp vận hành khu vực với mục đích kinh doanh tiệc cưới, hội nghị, dịch vụ, nhà hàng và giặt ủi. Thứ ba, ngoài hai nội dung trên Công ty Trần Doãn sẽ trả cho Công ty Gamuda lợi nhuận cố định, chính là khoản tiền thuê hàng tháng gồm: Phí dịch vụ hạ tầng, xử lý nước thải, tiền điện nước theo mức sử dụng thực tế.
Ngày 15/6, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến trên diện rộng, TPHCM thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến toàn bộ khu vực vận hành tiệc cưới, nhà hàng, cà phê của Công ty Trần Doãn bị ngưng hoạt động hoàn toàn. Điều này khiến cho Công ty Trần Doãn mất toàn bộ thu nhập từ khu vận hành nêu trên. Theo đơn của ông Trần Ngọc Doanh, đại dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của công ty, chính vì vậy Công ty Trần Doãn đã thông báo cho Công ty Gamuda đưa ra giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại. Cụ thể, đề nghị Công ty Gamuda hỗ trợ giảm 50% cho Công ty Trần Doãn phí thuê mặt bằng quý III năm 2021. Đến ngày 19/7, Công ty Gamuda có văn bản phúc đáp với nội dung không đồng ý với đề nghị từ phía Công ty Trần Doãn. Đúng một tuần sau, ngày 26/7, Công ty Trần Doãn phát hành văn bản nêu ra các văn bản do Chính phủ và UBND TPHCM liên quan nội dung cụ thể rằng Công ty Trần Doãn tại khu vực vận hành nêu trên. Như vậy, khẳng định tại buổi họp báo của Công ty Trần Doãn, dù được hoãn toàn bộ nghĩa vụ theo như quy định tại Khoản 12.1, Điều 12 của hợp đồng đã ký như tinh thần của Chính phủ và UBND TPHCM ban hành. Nhưng với thiện chí mong muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng, Công ty Trần Doãn vẫn đưa ra giải pháp đề nghị Công ty Gamuda cho mình thanh toán 50% tiền thuê mặt bằng trong thời gian giãn cách và 50% còn lại sẽ thanh toán khi hết giãn cách. Tuy nhiên Công ty Gamuda không chấp thuận đề nghị này và câu chuyện pháp lý bắt đầu phát sinh từ đây.
Doanh nhân Trần Ngọc Doanh.
Trong quá trình thương lượng, Công ty Gamuda luôn cho rằng Công ty Trần Doãn vi phạm nghĩa vụ thanh toán dẫn đến vi phạm hợp đồng và đủ điều kiện để bên Công ty Gamuda chấp dứt thực hiện hợp đồng. Đến giữa tháng 8, tức là sau khoảng 5 tuần kể từ khi ra văn bản không đồng ý với giải pháp của Công ty Trần Doãn. Ngày 16/8, Công ty Gamuda phát hành thông báo chính thức chấm dứt thực hiện hợp đồng với Công ty Trần Doãn. Theo văn bản này, Công ty Gamuda thông báo ngày chấm dứt là ngày 25/8 với lý do Công ty Trần Doãn đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Tuy nhiên, bất ngờ sau đó 6 ngày, ngày 31/8, Công ty Gamuda yêu cầu Công ty Trần Doãn ký lại hợp đồng mới với lý do mà phía Công ty Gamuda đưa ra nhằm giảm thời hạn thuê từ 15 năm xuống còn 12 năm. Đồng thời, yêu cầu Công ty Trần Doãn phải thanh toán đầy đủ tiền thuê tháng 7, 8, 9/2021 nếu không sẽ áp dụng việc chấm dứt hợp đồng từ ngày 25/8.
Bức xúc trước cách làm việc của lãnh đạo Gamuda, ông Trần Ngọc Doanh, Tổng Giám đốc Công ty Trần Doãn cho biết, theo quy định tại Khoản 12.1, Điều 12 của hợp đồng và theo quy định tại Khoản 2, Điều 331 Bộ luật Dân sự 2015, Công ty Trần Doãn được quyền không thực hiện nghĩa vụ của mình mà vẫn không bị coi là vi phạm hợp đồng và không phải chịu trách nhiệm dân sự. Tại buổi họp báo công bố vụ kiện, ông Trần Ngọc Doanh khẳng định, sau nhiều lần thương thảo để tìm hướng giải quyết thấu tình đạt lý cho cả hai bên. Tuy nhiên cả hai không cùng nhau đạt được những thỏa thuận trong hợp đồng ban đầu đặt ra nên bắt buộc Công ty Trần Doãn phải nộp đơn khởi kiện Công ty Gamuda Land ra tòa án với lý do vi phạm nghiêm trọng hợp đồng đồng với đối tác Công ty Trần Doãn.
“Khi triển khai hợp đồng thì đúng vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lúc đầu Gamuda Land hỗ trợ cho Trần Doãn 20%/ tháng hợp đồng. Tuy nhiên, sau khi Trần Doãn đề nghị được hỗ trợ thêm Gamuda Land đã phớt lờ và nói để xem xét, sau đó không thấy gì cả. Đợt dịch bùng phát lần thứ 4, Trần Doãn có gửi những văn bản thương thảo lại về vấn đề hỗ trợ như thế nào trong dịch bệnh, Gamuda Land không hỗ trợ, đồng thời yêu cầu Trần Doãn phải thương thảo với họ về cách thức thanh toán. Cụ thể, chuyển thanh toán từ 3 tháng/ lần trở thành 1 tháng/ lần, sau khi hết dịch bệnh có thể quay trở lại dự khoản thanh toán như ban đầu, tuy nhiên Gamuda Land không hỗ trợ, lại không đồng ý theo điều khoản đó. Đặt lại một vấn đề, nếu như thực hiện theo đề nghị của Trần Doãn thì phải ký lại hợp đồng hoàn toàn và giảm từ 15 năm xuống 12 năm. Bên cạnh đó, đưa ra những quy cách hợp đồng trong khu tổ hợp đó, tôi thấy có rất nhiều bất cập vì một việc hỗ trợ rất bình thường thời điểm dịch bệnh khó khăn tại sao họ lại đặt vấn đề đến như vậy. Tôi quyết định đưa ra công lý gửi lên tòa án để xử lý vụ việc này”. Ông Trần Ngọc Doanh, Tổng Giám đốc Công ty Trần Doãn thông tin thêm.
Việc chia sẻ khó khăn với đối tác trong mùa dịch luôn cần sự hợp tác của cả hai bên chủ thể một hợp đồng. Theo giới chuyên gia, hầu hết trong trường hợp sự kiện bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh, ngoài trách nhiệm nghĩa vụ liên quan theo đúng quy định của pháp luật còn có cả tình người hỗ trợ nhau trong lúc hoạn nạn khó khăn. Tuy nhiên khi cả hai bên cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức không có tiếng nói chung thì việc đưa ra tòa án cũng là một trong những cách hành xử văn minh. Đây là câu chuyện mang tính xã hội do kinh doanh gián đoạn bởi dịch bệnh, mà có lẽ không ít người cũng đã và đang rơi vào tình trạng tương tự.
PV