Cải cách và chiến lược dài hạn
Trong những buổi trò chuyện tối muộn tại văn phòng, hay những lần gặp gỡ bên tách cà phê, ông Nghĩa thường tìm đến ông Thành, người vừa là bạn thân vừa là cố vấn kinh tế của công ty ông để chia sẻ những lo lắng về bức tranh kinh tế vĩ mô. Là một chuyên gia giàu kinh nghiệm, ông Thành luôn kiên nhẫn lắng nghe rồi phân tích cặn kẽ, giúp ông Nghĩa hiểu rõ hơn về những rủi ro và thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt.
“Anh biết đấy, doanh nghiệp chúng ta đang đứng giữa những làn sóng vĩ mô không thể tránh khỏi. Vấn đề là làm sao chèo lái để hạn chế những tác động tiêu cực nhất,” ông Thành nói.
Ông giải thích rằng, mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 rất ấn tượng, nhưng đằng sau những con số đó là một loạt vấn đề cần giải quyết. Trước hết, nợ công của Việt Nam sắp tới có thể tăng cao, phần lớn do các khoản chi tiêu lớn vào những dự án hạ tầng quy mô. “Xây dựng cơ sở hạ tầng là cần thiết, nhưng hiệu quả sử dụng vốn lại chưa đạt kỳ vọng. Không ít dự án chậm tiến độ hoặc đội vốn, gây áp lực lớn lên ngân sách,” ông Thành nhấn mạnh.
Các dự án hạ tầng không chỉ giúp kết nối giao thông mà còn làm tăng giá trị bất động sản. Ảnh: Minh Quang
Niềm tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng là một vấn đề mà ông Thành đặc biệt lưu ý. Sau hàng loạt vụ vỡ nợ lớn, thị trường này vẫn đang trong giai đoạn phục hồi niềm tin. “Trái phiếu từng là một kênh huy động vốn tốt, nhưng giờ đây, không chỉ nhà đầu tư mà cả doanh nghiệp phát hành cũng dè chừng hơn. Điều này khiến nguồn vốn cho các dự án bất động sản hay mở rộng sản xuất trở nên hạn hẹp hơn bao giờ hết,” ông Thành giải thích, ánh mắt lộ rõ sự trăn trở.
Ông Thành cũng chỉ ra rằng quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam đang gặp nhiều rào cản lớn. Dù đã đặt mục tiêu giảm phát thải và hướng tới năng lượng sạch, nhưng chi phí đầu tư và công nghệ hiện đại vẫn là những trở ngại không nhỏ. “Doanh nghiệp nhỏ và vừa như công ty của anh sẽ gặp khó khăn trong việc cân đối ngân sách để áp dụng các công nghệ mới. Đây là một bài toán lâu dài, đòi hỏi sự hỗ trợ từ chính sách nhà nước,” ông Thành phân tích.
Một điểm đáng lo ngại khác mà ông Thành nhấn mạnh là tình trạng nợ xấu ngân hàng. Sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể gượng dậy, khiến tỷ lệ nợ xấu gia tăng. “Anh thử nghĩ mà xem, lãi suất cao, chi phí hoạt động lớn, dòng tiền yếu thì làm sao họ trả nợ được? Điều này không chỉ ảnh hưởng đến ngân hàng mà còn kéo theo cả hệ lụy cho toàn bộ hệ thống kinh tế,” ông Thành nói, giọng trầm ngâm.
Những phân tích của ông Thành khiến ông Nghĩa vừa lo lắng vừa suy ngẫm. “Vậy giải pháp là gì, Thành?” ông Nghĩa hỏi, giọng pha chút hoang mang. Ông Thành mỉm cười, trả lời: “Không có cách nào để tránh hoàn toàn các tác động từ kinh tế vĩ mô, nhưng chúng ta có thể chuẩn bị tốt hơn. Đa dạng hóa nguồn thu, tối ưu hóa vận hành và luôn giữ một tầm nhìn dài hạn sẽ giúp anh giảm thiểu rủi ro. Quan trọng nhất là phải luôn sẵn sàng thay đổi.”
Cải cách chỉ tạo ra điều kiện thuận lợi, nhưng tận dụng được hay không lại phụ thuộc vào cách doanh nghiệp thích nghi và hành động. Hãy biến khó khăn thành bệ phóng cho sự phát triển. |
Chu kỳ kinh tế: Vòng xoay cơ hội và thách thức
Tục ngữ có câu “sông có khúc, người có lúc”. Ý nghĩa câu này là trong cuộc sống đều thay đổi, có thăng trầm, không ai mãi suôn sẻ hay gặp khó khăn mãi. Đối với nền kinh tế, doanh nghiệp cũng vậy, thường hoạt động có tính chu kỳ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, ông Nghĩa lại tìm đến người bạn thân kiêm cố vấn kinh tế của mình.
Ông Thành mở đầu bằng một nhận xét quen thuộc nhưng sâu sắc: “Kinh tế, cũng như tự nhiên, luôn vận hành theo chu kỳ. Có những giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng cũng có lúc suy thoái, chững lại.” Đối với ông Thành, chu kỳ kinh tế không chỉ là một khái niệm lý thuyết mà còn là yếu tố quyết định sống còn đối với doanh nghiệp. Ông Thành giải thích rằng chu kỳ kinh tế thường bao gồm các giai đoạn tăng trưởng, đỉnh điểm, suy thoái và phục hồi.
Trong mỗi chu kỳ, thị trường bất động sản thường là lĩnh vực chịu tác động rõ ràng nhất. Với đặc thù phụ thuộc vào dòng vốn lớn và tâm lý thị trường, bất động sản thường “bùng nổ” khi nền kinh tế tăng trưởng và nhanh chóng rơi vào trạng thái đóng băng khi gặp bất ổn. Trên thế giới, các chu kỳ bất động sản thường kéo dài từ 7 đến 10 năm, tùy thuộc vào các yếu tố như lãi suất, đầu tư và chính sách hỗ trợ. Việt Nam, dù có đặc thù riêng, cũng không ngoại lệ.
Ông Thành cho rằng trong năm 2024 đã có một sự đối nghịch thú vị: trong khi nền kinh tế nói chung bước vào giai đoạn phục hồi thì thị trường bất động sản lại rơi vào giai đoạn khó khăn. Sau thời kỳ phát triển nóng kéo dài đến năm 2021, thị trường bất động sản hiện nay đang chịu áp lực lớn từ lãi suất cao, thanh khoản kém và niềm tin từ nhà đầu tư suy giảm.
Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế vẫn được duy trì nhờ hai động lực chính: tiêu dùng nội địa và đầu tư công. Nhu cầu tiêu dùng gia tăng khi thu nhập của người dân phục hồi sau đại dịch, trong khi các dự án đầu tư công quy mô lớn như cao tốc Bắc-Nam và sân bay Long Thành tạo ra lực đẩy mạnh mẽ cho các ngành kinh tế.
Dẫu vậy, ông Thành không giấu được lo ngại khi chỉ ra rằng sự phục hồi hiện tại vẫn thiếu tính bền vững. Theo ông Thành, để tận dụng tối đa chu kỳ kinh tế sắp tới, Việt Nam cần giải quyết các vấn đề tồn đọng như nợ công gia tăng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công chưa đạt kỳ vọng và năng suất lao động còn thấp. “Chu kỳ phục hồi chỉ mang đến cơ hội nếu chúng ta sẵn sàng. Nếu các doanh nghiệp không cải thiện năng lực cạnh tranh, họ sẽ dễ dàng bị bỏ lại trong cuộc đua toàn cầu”, ông Thành nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Thành vẫn nhìn thấy những tín hiệu tích cực. Với sự gia tăng của các hiệp định thương mại tự do, sự phục hồi của thị trường bất động sản có thể bắt đầu từ năm 2025, đặc biệt khi các chính sách hỗ trợ tín dụng và lãi suất thấp phát huy hiệu quả.
“Chu kỳ kinh tế là điều tất yếu, nhưng sự chuẩn bị kỹ lưỡng và khả năng thích nghi sẽ quyết định doanh nghiệp sống sót và vươn lên như thế nào trong mỗi giai đoạn”, ông Thành kết luận.
Buổi trò chuyện khép lại, ông Nghĩa vẫn ngồi lại trong văn phòng tối với ánh mắt xa xăm. Những lời của ông Thành không chỉ là bài học kinh tế mà còn là kim chỉ nam để ông vạch ra chiến lược mới cho công ty mình, trong một thế giới kinh tế luôn biến động không ngừng.
Khép lại năm 2024: Tương lai phía trước
Với ông Nghĩa, những lời của ông Thành như một kim chỉ nam, giúp ông định hình chiến lược dài hạn cho công ty. “Khủng hoảng là bài học, nhưng cách chúng ta đứng lên mới quyết định tương lai,” ông nói. Câu chuyện của ông Nghĩa không chỉ là tâm sự của một doanh nhân mà còn phản ánh thách thức và hy vọng của cả nền kinh tế Việt Nam.
Trong một thế giới luôn biến động, sự linh hoạt và chiến lược khôn ngoan sẽ là chìa khóa để tiến lên phía trước. Năm 2024, trong mắt ông, không chỉ là một năm khó khăn mà còn là năm bản lề mang tính quyết định đối với cả nền kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp của ông. “Nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng thật đấy, nhưng đằng sau những con số đó là vô số bài toán cần lời giải,” ông Nghĩa nói.
Những thách thức về nợ công, hiệu quả đầu tư công, nợ xấu ngân hàng hay quá trình chuyển đổi năng lượng không chỉ là vấn đề của riêng Chính phủ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến mọi doanh nghiệp. Với ông, hiểu được những khó khăn này không chỉ để đối phó mà còn để tìm cách vươn lên. Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng nhìn thấy những gam màu sáng trong bức tranh tổng thể. Những cải cách hành chính, việc đẩy mạnh đầu tư công và sự minh bạch hóa trong môi trường kinh doanh đang phát đi những tín hiệu tích cực, mang đến cơ hội phục hồi mạnh mẽ cho cả nền kinh tế và các doanh nghiệp bất động sản.
“Chúng tôi cần chủ động hơn, nhạy bén hơn để nắm bắt những chuyển động lớn từ các cải cách và biến chúng thành đòn bẩy phát triển”, ông nói, đôi mắt ánh lên niềm tin. Khép lại một năm đầy biến động, ông Nghĩa hiểu rằng tương lai của doanh nghiệp không nằm ở việc chờ đợi những gì Chính phủ mang lại mà ở cách ông và đội ngũ của mình chuẩn bị và thích nghi. “Khủng hoảng là bài học, nhưng cách chúng ta vươn lên mới thực sự tạo nên sự khác biệt”, ông tự nhủ trong đầu đã hình thành rõ ràng những kế hoạch mới cho hành trình sắp tới.
Khủng hoảng là bài học, nhưng cách chúng ta vươn lên mới thực sự tạo nên sự khác biệt. Đừng chờ đợi thay đổi, hãy chủ động thích nghi để đón đầu cơ hội. |
Hồ Bá Tình