“Đánh thức” tiềm năng của Long An
Cùng có vị trí tiếp giáp với TP.HCM giống như Bình Dương hay Đồng Nai, nhưng Long An lại tỏ ra “lép vế” về tốc độ đô thị hoá và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tình thế đang dần thay đổi khi những tiềm năng to lớn của Long An đang dần tìm được “chìa khoá” để khai mở.
Long An có diện tích tự nhiên là 4.492km, với dân số khoảng 1,7 triệu người. Phía đông giáp ranh với TP.HCM gồm các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước và Cần Giuộc.
Theo quy hoạch đến năm 2030, toàn tỉnh Long An sẽ có 27 đô thị các loại. Trong đó, thành phố Tân An trở thành đô thị loại I, đóng vai trò là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại.
Một đô thị loại II là thị xã Kiến Tường, nơi đóng vai trò là trung tâm vùng Đồng Tháp Mười gắn với khu kinh tế cửa khẩu Long An, có vai trò động lực, thúc đẩy hoạt động công nghiệp, logistics, chế biến nông sản, kinh tế biên mậu với Campuchia.
Ba đô thị loại III là Bến Lức, Cần Giuộc và Đức Hòa. Đây là các đô thị vệ tinh, có vai trò giảm tải về áp lực dân số, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cho TP.HCM.
Bất động sản Long An hứa hẹn sôi động nhờ “bệ đỡ” hạ tầng giao thông đang được đầu tư mạnh (Ảnh: N. Phong)
Long An có thế mạnh về cảng biển và khu công nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 khu công nghiệp và 32 cụm công nghiệp với diện tích khoảng 13.500ha. Trong đó, 16 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 68% và 14 cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy khoảng gần 90%.
Một lợi thế to lớn khác mà Long An có được chính là vị trí “gạch nối” giữa TP.HCM và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn - nơi cung cấp phần lớn lượng nông sản cho TP.HCM và cả nước. Đồng bằng châu thổ này còn rất nhiều dư địa nhưng chưa được khai thác.
Nhiều chuyên gia nhận định, nguyên nhân lớn nhất khiến Long An dù có tiềm năng to lớn nhưng chưa thể vươn mình mạnh mẽ chính là “nút thắt” hạ tầng giao thông kết nối.
Quả thật, nếu so với Bình Dương và Đồng Nai thì hạ tầng giao thông là điểm trừ lớn nhất của Long An. Các tuyến đường khu vực của ngõ kết nối Long An với TP.HCM phần lớn nhỏ hẹp so với lưu lượng giao thông khổng lồ.
Tuy nhiên, điểm nghẽn này đã và đang được tỉnh Long An dần tháo gỡ với hàng loạt dự án hạ tầng “khủng”.
Trong đó phải kể đến tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM đã được khởi công từ tháng 6/2023 với tổng vốn đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng. Tuyến vành đai này sẽ kết nối Long An với TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương. Dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác từ đầu năm 2026.
Trong khi đó, dự án Vành đai 4 TP.HCM kết nối Long An, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương có tổng mức đầu tư lên đến hơn 122.000 tỷ đồng cũng đang được trình Quốc hội để khởi công ngay trong năm 2025.
Khi hai tuyến Vành đai này hoàn thành sẽ giải quyết bài toán kết nối giao thông giữa Long An với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và tạo nên lực đẩy giúp kinh tế - xã hội phát triển.
Trong đó, quỹ đất dọc hai bên các tuyến vành đai sẽ mang lại nguồn ngân sách khổng lồ cho các địa phương, đồng thời tạo nên các không gian để phát triển các chuỗi đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp mới.
Một hạ tầng quan trọng khác là tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành. Sau nhiều năm “trầy trật” thì nay dự án này đã thi công trở lại và sắp đưa vào vận hành một số đoạn trên địa bàn Long An, TP.HCM và Đồng Nai.
Cao tốc Bến Lức – Long Thành là hạ tầng giao thông trọng điểm giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến TP.HCM và Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tuyến cao tốc này cũng đấu nối với hàng loạt tuyến đường quan trọng của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam gồm quốc lộ 51, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Đường Vành đai 3, đặc biệt là sân bay quốc tế Long Thành sẽ đi vào khai thác từ đầu năm 2026.
Trong khi đó, tuyến cao tốc huyết mạch TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận kết nối TP.HCM với Long An và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang được cơ quan chức năng đề xuất mở rộng lên 6-8 làn xe.
Với khu vực cửa ngõ Long An và TP.HCM, cả hai địa phương đang “bắt tay” để triển khai hàng loạt tuyến đường kết nối có tổng vốn đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
“Tổ mới” dành cho “đại bàng”
Khi trở ngại lớn nhất là hạ tầng giao thông được tháo gỡ, bất động sản Long An đang trở thành “miếng bánh” cực kỳ hấp dẫn trong mắt các đại gia bất động sản lẫn các nhà đầu tư cá nhân.
Trong bối cảnh giá nhà đất tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai đã vượt ngưỡng của phần lớn người dân, quỹ đất triển khai dự án đắt đỏ và khan hiếm thì Long An lại đang rất dồi dào.
Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi trong khoảng 2 năm trở lại đây, Long An vượt lên để trở thành khu vực có thị trường bất động sản nhộn nhịp bậc nhất tại khu vực phía Nam.
Long An hội tụ nhiều tiềm năng chờ được khai phá (Ảnh: N. Phong)
Bên cạnh những doanh nghiệp tiên phong như Nam Long, Trần Anh và Cát Tường Group, bất động sản Long An được dự báo sẽ sôi động hơn trong thời gian tới với sự xuất hiện của hàng loạt “ông lớn” với các siêu dự án đô thị tỷ đô.
Trong đó phải kể đến, Liên danh Vinhomes-VIG với dự án khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây tại huyện Cần Giuộc có tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD. Khu đô thị này có quy mô sử dụng đất dự kiến gần 1.090 ha, dân số khoảng 90.000 người. Dự án gồm các sản phẩm như nhà ở thương mại với hơn 15.200 lô đất, trong đó 7.050 căn liền kề, gần 8.200 biệt thự; 13.440 căn nhà ở xã hội và 2.370 căn nhà ở tái định cư thấp tầng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, tiến độ thực hiện trong 7 năm.
Trước dự án này, công ty con của Vinhomes cũng được UBND tỉnh Long An chấp thuận làm chủ đầu tư một dự án có vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD khác tại huyện Đức Hòa.
Dự án này có tên là khu đô thị mới Đức Hòa - Hậu Nghĩa, quy mô gần 200 ha tại thị trấn Hậu Nghĩa, xã Đức Lập Thượng và Tân Mỹ, huyện Đức Hòa. Dự án dự kiến có hơn 500 căn biệt thự, khoảng 4.500 căn nhà liền kề cao 5 tầng. Chủ đầu tư dành 11 ha để làm chung cư cao 25 tầng, mật độ xây dựng 37%. Ngoài ra, dự án cũng có 16 ha để xây các công trình nhà ở xã hội cho dân số khoảng 5.700 người.
Trong khi đó, Tập đoàn Ecopark cũng đã hiện diện tại Long An với dự án Khu đô thị sinh thái, thương mại du lịch, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức. Khu đô thị này có quy mô trên 220 ha với tổng mức đầu tư gần 17.000 tỷ đồng. Dự án có quy mô dân số khoảng 37.163 người, với sản phẩm gồm xây dựng thô 4.951 lô đất ở mới thấp tầng; 4.300 căn hộ đất ở hỗn hợp cao tầng; 180 lô đất ở tái định cư và các công trình công cộng, cây xanh mặt nước. Dự án dự kiến thực hiện từ 2023-2028.
Chia sẻ về tiềm năng của bất động sản Long An, Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cho biết với vị trí chiến lược và sự phát triển hạ tầng, Long An đang trở thành thị trường bất động sản tiềm năng ở khu vực phía Nam, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.
Theo chuyên gia này, dự kiến trong 5-10 năm tới, Long An có thể cạnh tranh sòng phẳng với các địa phương trong khu vực như Bình Dương, Đồng Nai, và Bà Rịa – Vũng Tàu. Giá đất tại Long An, hiện còn thấp hơn nhiều so với các tỉnh lân cận, sẽ có xu hướng tăng lên trong tương lai, hứa hẹn một tiềm năng phát triển bất động sản lớn.
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, nhận định rằng với kế hoạch phát triển hạ tầng đã được chính quyền tỉnh quyết tâm thực hiện trong thời gian tới, Long An hoàn toàn có thể trở thành địa phương giữ vai trò quan trọng trong khu vực Đông và Tây Nam Bộ.
Hiện thực hoá giấc mơ an cư
Gần 15 năm làm việc TP.HCM, anh Bắc chưa bao giờ ngừng suy nghĩ về việc sở hữu một tổ ấm cho riêng mình. Chỉ có điều giá bất động sản tại đô thị này luôn ngược chiều với mơ ước của anh.
Anh Bắc nhẩm tính, nếu so giá căn hộ TP.HCM hiện nay với thu nhập của cả hai vợ chồng, dù có “cày cuốc” thêm hàng chục năm nữa thì cũng không mua được một nửa căn hộ.
Anh Bắc cũng đã lần tìm nhiều dự án ở Bình Dương, Đồng Nai khu vực tiếp giáp với TP.HCM nhưng giá căn hộ ở đây cũng không hề kém cạnh. Với viễn cảnh như vậy, đã có lúc vợ chồng anh Bắc xác định cả đời sẽ ở trọ tại thành phố.
Cơ hội đầu tư và an cư tại Long An nằm trong tầm với của nhiều người (Ảnh: N. Phong)
Tuy nhiên, một hướng mới đã mở ra khi anh Bắc có cơ hội tìm hiểu bất động sản Long An trong chuyến đi với người bạn vào năm 2023. Khác với Bình Dương, Đồng Nai, Long An cũng nằm cạnh TP.HCM nhưng giá nhà đất ở đây lại rẻ hơn rất nhiều.
Mặc dù kinh tế, hạ tầng giao thông không thể bì được với hai khu vực trên nhưng Long An cũng đang “thay da đổi thịt” mỗi ngày.
Với số vốn hơn 1 tỷ đồng, anh Bắc nhen nhóm lại giấc mơ an cư của mình. Sau nhiều lần cân nhắc, anh quyết định dùng số tiền này để mua nền đất tại một dự án ở Đức Hoà. Khu đô thị này đã được quy hoạch hoàn chỉnh, hạ tầng nội khu bài bản và cảnh quan đầy đủ.
Anh Bắc dự đoán, chỉ khoảng 3-5 năm nữa thì khu vực này sẽ nhộn nhịp cư dân về ở khi các tuyến đường kết nối lớn hoàn thành. Đến lúc đó anh có thể về đây sinh sống. Hoặc trong trường hợp không ở, anh xem đây như một khoản đầu tư tích cực, khi được giá sẽ bán đi để có số vốn tìm một căn nhà phù hợp hơn.
“Với số tiền 1 tỷ để mua hoặc đầu tư bất động sản ở TP.HCM hay Đồng Nai, Bình Dương gần như là không thể. Nhưng ở Long An thì lại rất hợp lý. Mua để vài năm nữa về ở, hoặc đầu tư chờ tăng giá cũng rất khả thi” anh Bắc vui vẻ nói.
Cũng như anh Bắc, chị Ngân cũng từng buông xuôi ý định an cư khi nhìn vào giá nhà tại TP.HCM. Nhưng khi tìm hiểu về Long An, chị đã không do dự chọn ngay một căn hộ chung cư nằm trong đại đô thị lớn ở huyện Bến Lức.
Chị Ngân cho biết, chung cư nằm trong khu đô thị rất lớn, được đầu tư bài bản với nhiều tiện ích, nhiều công viên cây xanh, đặc biệt dự án chạy dọc bờ sông rất trong lành. Hiện tại căn hộ chị đang cho thuê. Chị hy vọng trong những năm tới khi giao thông thuận lợi hơn sẽ dọn về đây sinh sống.
Ghi nhận thực tế cho thấy khu vực tiếp giáp Long An và TP.HCM như Đức Hoà, Bến Lức, Cần Giuộc, bên cạnh các dự án đại đô thị, đang có nhiều chủ đầu tư rục rịch triển khai các dự án chung cư với mức giá chỉ trên dưới 2 tỷ đồng. Đây là phân khúc gần như đã “tuyệt chủng” tại TP.HCM, thậm chí là ở Bình Dương và Đồng Nai.
“Ở TP.HCM không thể mua nhà vì giá quá cao. Đô thị này cũng quá ngột ngạt, ô nhiễm và ngập nước. Về Long An tuy hơi xa nhưng không gian thoáng đãng, cuộc sống nhẹ nhàng hơn nhiều”, chị Ngân chia sẻ.
Suy nghĩ của chị Ngân cho thấy phần nào xu hướng dịch chuyển của nhiều người có nhu cầu an cư hiện nay. Khi giá nhà ở nội đô đã xa tầm với, không gian ngột ngạt thì các đô thị khu vực vệ tinh là lựa chọn thích hợp.
Xu hướng thị trường đang đặt Long An vào tầm ngắm, khiến nới đây trở thành “miền đất hứa” cho những ai đang cố gắng mỗi ngày để hiện thực hóa giấc mơ xây một tổ ấm của riêng mình.
Phong Vân