Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người, chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí là một thứ vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người không tách rời hoạt động báo chí, từ tác phẩm đầu tiên “Quyền của các dân tộc thuộc địa” đăng trên báo Nhân đạo ngày 18-6-1919 đến tác phẩm cuối cùng “Thư trả lời Tổng thống Mỹ” đăng trên báo Nhân dân ngày 25-8-1969. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm báo gần như cả cuộc đời chỉ với một mục đích duy nhất là phục vụ nhân dân lao động, phục vụ cho đấu tranh thống nhất nước nhà, cho hòa bình trên thế giới.
Người cho rằng, hoạt động báo chí thực chất là hoạt động chính trị. Báo chí Cách mạng trước hết phải mang tính chiến đấu, tính quần chúng rộng rãi nhằm tuyên truyền, giáo dục, tổ chức cho dân chúng đi đến một mục đích chung đó là kháng chiến và kiến quốc, chính vì thế cho dù viết trong điều kiện hoàn cảnh nào, bằng hình thức thể loại nào thì báo chí vẫn là vũ khí sắc bén vạch tội, tấn công kẻ thù, là phương tiện hữu hiệu để “thắp lửa” cho quần chúng cách mạng và tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới.
Với Người, Báo chí Cách mạng phải thể hiện một cách ngắn gọn, súc tích, dể nhớ, dể hiểu, mang tính nhân văn, nhân đạo cao cả, và đặc biệt phải đề cập đến trong nội dung đó là: Viết cho ai? Viết để làm gì? Thế thì viết cái gì? Cách viết thế nào? Viết rồi phải thế nào? Những điều đó, tuy đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được, nó đã tạo nên một nét đặc sắc riêng có của Báo chí Cách mạng, báo chí mang tên Hồ Chí Minh.
Khi viết về kẻ thù, chủ tịch Hồ Chí Minh thường dùng lối văn châm biếm nhưng sắc sảo, thông minh đến kì lạ. Khi viết cho quần chúng nhân dân, người dùng lối văn nôm na, ca dao, tục ngữ, thành ngữ, theo cách nghĩ, cách nói của cá nhân nhưng mang đậm nét đặc sắc của dân tộc.
Người nêu rõ, khi trình bày các tác phẩm Báo chí Cách mạng thì phải rõ ràng, gọn gàng, chớ ham dùng chữ, những chữ mà ta có, thì phải dùng chữ của ta, bất đắc dĩ mới phải dùng chữ. Viết phải trung thực, chính xác, nói phải đúng, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả ra làm sao? viết báo là để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của bạn ta, nhưng đồng thời, cũng để phê bình những khuyết điểm của chúng ta. Viết cũng không phải chỉ nêu ra những mặt tốt mà giấu diếm cái xấu, phải chân thực, khách quan, nhưng không thể để kẻ thù lợi dụng vào đó mà tuyên truyền phản cách mạng.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Báo chí Cách mạng tiếp tục là vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, giúp cho mọi người hiểu rõ về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thành tựu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam; đấu tranh phản bác những thông tin một chiều, xuyên tạc, thù địch; tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Báo chí cũng góp phần không nhỏ phản ánh sinh động thực tiễn và quan điểm của các tầng lớp nhân dân, giúp Đảng và Nhà nước có những chỉ đạo phù hợp, kịp thời, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Đặc biệt học tập theo cách viết và phong cách Báo chí Cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ những người làm báo không ngừng lớn mạnh và trưởng thành theo năm tháng, nhiều nhà báo không ngại khó khăn, thử thách, đi đầu trong việc cập nhật và nắm bắt thông tin, định hướng trong dư luận, vạch ra những vấn đề tạo dư luận bức xúc trong đời sống xã hội.
Trước sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong nước cũng như trên thế giới, rào cản về khoảng cách địa lý của mỗi quốc gia không còn là yếu tố ảnh hưởng đến việc chọn lọc và nắm bắt thông tin. Báo chí Cách mạng về cơ bản đã vận dụng và thực hiện tốt lời dạy của Người, từ việc lựa chọn nội dung, cập nhật thông tin, phong cách viết đều mang một nét đặc trưng khác biệt so với các thể loại báo chí khác, khẳng định được vị thế, uy tín của một tờ báo chính trị hàng đầu của đất nước, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội tin cậy, công chúng, bạn đọc trong và ngoài nước dành những lời ca ngợi và những tình cảm tốt đẹp nhất.
Nhìn lại chặng đường phát triển của Báo chí Cách mạng Việt Nam từ khi ra đời cho đến nay, có thể tự hào khẳng định rằng, những ưu điểm, thành tựu của báo chí vẫn là chủ đạo. Song, bên cạnh đó trong hoạt động của báo chí vẫn còn những hạn chế chậm được khắc phục. Tình trạng trùng lặp tin tức, hình ảnh là khá phổ biến trong khi mỗi tờ báo đều có những đặc thù riêng. Đặc biệt, nguyên tắc khách quan, trung thực chưa thực sự được bảo đảm triệt để, đạo đức nghề nghiệp của một số ít đội ngũ những người làm báo đang ở trong tình trạng đáng báo động, cần được phản ánh.
Cho đến bây giờ, quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tính chất, tầm quan trọng của Báo chí Cách mạng vẫn còn vẹn nguyên giá trị lịch sử, Báo chí Cách mạng nước nhà luôn khẳng định vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay - đó là một trong những điểm nổi bật trong lịch sử, truyền thống của nền Báo chí Cách mạng luôn được các thế hệ nhà báo của cả nước vun đắp, phát huy trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành.
Để đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng và cạnh tranh với các tờ báo khác, Báo chí Cách mạng phải thực sự là “ đội quân chiến đấu” trên mặt trận văn hóa - chính trị - tư tưởng, phản ánh nhanh chóng, kịp thời những vấn đề thời sự của đất nước, những vấn đề dư luận đang quan tâm. Đội ngũ những người làm báo phải không ngừng tu dưỡng về phẩm chất đạo đức cách mạng cho bản thân và đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp, ra sức học tập để có tri thức, trao dồi kĩ năng, chuyên môn nghiệp vụ công tác. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, yếu tố quyết định để độc giả trung thành và tin tưởng với một ấn phẩm báo chí, cơ quan báo chí là chất lượng thông tin. Đặc biệt, khi trình độ dân trí ngày càng cao, sự tác động đa chiều của hội nhập quốc tế, đòi hỏi báo chí phải thực sự giàu tri thức, mẫu mực về mọi mặt. Do đó, chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết là bài học hàng đầu mà báo chí cần nghiêm khắc tuân thủ.
Lấy tư tưởng, phong cách báo chí của chủ tịch Hồ Chí Minh soi rọi vào thực tiễn Báo chí Cách mạng hiện nay, có thể thấy, những di sản báo chí của Người để lại, tiếp tục là “kim chỉ nam” dẫn đường cho Báo chí Cách mạng và những người làm báo tiếp tục đóng góp những công lao to lớn cho nền Báo chí Cách mạng nước nhà và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.