Từ năm 1956, Ban phụ vận tổ chức nhiều phong trào đấu tranh Dân sinh dân chủ của Phụ nữ Sài Gòn - Gia Định nổ ra đều khắp các xóm lao động: chống đốt nhà đuổi dân ra ngoại ô, chống địch kềm kẹp bằng “Ngũ gia liên bảo” của 10.000 đồng bào và phụ nữ ở Bến Vân Đồn, Phú Thọ Hòa… Chị em hưởng ứng và hỗ trợ bãi công của công nhân Nhà đèn, công nhân Bến Cảng và bãi thị gắn với Tổng bãi công của 200.000 công nhân lao động toàn thành, làm tê liệt Sài Gòn hai ngày 26 và 27/3/56; đấu tranh chống sắc lệnh “đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật” khủng bố gia đình kháng chiến, bắt phụ nữ học tố cộng; cướp đất dân lập khu trù mật.
Đến ngày 26/6/1967, Hội bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ ra đời. Hội đã thu hút, tập hợp được đông đảo quần chúng phụ nữ, từ chị em công nhân các xí nghiệp, lao động các ngành nghề, học sinh sinh viên, trí thức… Chị em bạn hàng buôn bán ở các chợ Bàn Cờ, Vườn Chuối, Bến Thành, Tân Định … đấu tranh liên tục chống đuổi chỗ, chống phạt vạ, chống cảnh sát ngụy quyền lăng nhục chị em.
Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ngay sau khi được Quận ủy triển khai Nghị quyết “Tổng tấn công”, đoàn thể phụ nữ đã khẩn trương chuẩn bị tài chính, thuốc men, vũ khí, may cờ, khẩu hiệu, truyền đơn và xây dựng các tổ chức nòng cốt chờ nổi dậy. Cánh phụ vận chuẩn bị hầm vũ khí tại nhà bà Trần Thị Ngọc Sương tại số 51/10/14 Cao Thắng - đây là nơi gặp gỡ hội họp của Ban phụ vận Thành phố. Chị em phụ nữ vùng Bàn Cờ đã sử dụng trường Phan Đình Phùng (số 491/7 Nguyễn Đình Chiểu) làm trạm cứu thương cho bộ đội và dân tỵ nạn, dưới danh nghĩa là trại tiếp cư. Bất chấp lệnh giới nghiêm, đồng bào khu vực cư xá Đô Thành, Nguyễn Thiện Thuật ủng hộ cách mạng, ngăn chặn bước tiến của địch bằng cách lăn thùng phuy, cây cối, bàn ghế ra đường làm chướng ngại vật… Qua cuộc tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã thể hiện rõ tấm lòng của người dân thành phố, đặc biệt là các má, các chị vùng Bàn Cờ đối với cách mạng. Các chị vừa trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, tạo điều kiện cho các lực lượng vũ trang tấn công vào các mục tiêu của địch.
Năm 1975, để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chị em phụ nữ vùng Bàn cờ vận động bà con may cờ, chuẩn bị chu đáo lương thực, thực phẩm, thuốc men… đón bộ đội vào giải phóng thành phố. Ngày 30/04/1975, quân và dân ta đã đồng loạt nổi dậy chiến đấu giành chính quyền về tay nhân dân, kết thúc sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Từ khi thành lập cho đến ngày hòa bình thống nhất đất nước, Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định và cán bộ, chiến sĩ, hội viên phụ nữ đã cùng với nhân dân thành phố hoàn thành vẻ vang sứ mạng mà lịch sử giao phó.
(Còn tiếp)