Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Đức giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Năm nay, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Đức đã 80 tuổi đời, hơn 60 năm tuổi Đảng, nhưng ông còn minh mẫn, khỏe mạnh. Ông sinh ra và lớn lên trên quê hương đồng khởi Bến Tre. Mới mười mấy tuổi đầu, ông đã tham gia “Đội thiếu nhi cứu quốc”, rồi “Đội thanh niên cứu quốc”, cho đến khi vừa tròn 18 tuổi thì ông thoát ly gia đình theo cách mạng chiến đấu chống giặc ngoại xâm đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Nhớ về những ngày Nam Bộ kháng chiến, ông không khỏi bồi hồi xúc động: “Lúc đó tôi còn nhỏ, nhưng đã cảm nhận được khí thế cách mạng sôi sục của người dân Nam Bộ nói chung và người dân Bến Tre nói riêng. Chỉ sau ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập được ít lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, không một người dân Việt Nam nào có thể chấp nhận được, tất cả nhất tề đứng lên đánh đuổi quân xâm lược với tinh thần thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước”. Ngày 2-9-1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập thì ngay sau đó, vào rạng sáng ngày 23-9-1945, thực dân Pháp trắng trợn nổ súng vào trụ sở chính quyền của ta ở Sài Gòn, hòng xâm lược nước ta một lần nữa. Trước tình thế “sơn hà nguy biến” ấy, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ và đại diện Tổng bộ Việt Minh ra lời kêu gọi đanh thép: “Đồng bào Nam Bộ, Nhân dân thành phố Sài Gòn. Anh em công nhân, thanh niên, tự vệ, dân quân, binh sĩ! Đêm qua thực dân Pháp đã đánh chiếm trụ chính quyền ta ở trung tâm Sài Gòn. Vậy là Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa… Độc lập hay là chết! Hỡi đồng bào! Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp, tiêu diệt bè lũ tay sai của chúng. Hỡi anh em binh sĩ, dân quân tự vệ! Hãy nắm chặt vũ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp cứu nước…” Tiếp đó, ngày 26-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “Hỡi đồng bào Nam Bộ! nước ta vừa giành quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm…Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập chứ không tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh hơn bọn giết người, cướp nước. Nước Việt Nam độc lập muôn năm! Đồng bào Nam Bộ muôn năm!” Với tinh thần “Độc lập hay là chết” và hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ, toàn thể người dân Nam Bộ không phân biệt trẻ già, trai gái…cùng nhất tề đứng lên đánh đuổi bọn thực dân Pháp xâm lược, tạo thành khí thế cách mạng vô cùng to lớn. Tháng 2-1946, Bác Hồ tặng đồng bào Nam Bộ danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc”.
Vẹn nguyên ngọn lửa yêu nước
Suốt 77 năm qua kể từ ngày Nam Bộ kháng chiến, dân tộc ta đã phải hy sinh biết bao xương máu cho nền độc lập, tự do và hòa bình như ngày hôm nay. Trong số hàng vạn gia đình người dân Nam Bộ yêu nước đã hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc, có gia đình Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Đức đã hy sinh 21 người thân, trong đó có mẹ và các em ruột thịt của ông hiện đang chôn chung trong một ngôi mộ tập thể ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.
Hôm cùng ông về Bến Tre thăm quê, đứng trước ngôi mộ tập thể của gia đình, nhìn ông run run thắp những nén nhang cho người đã khuất, chúng tôi không thể cầm lòng… Ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, sau chiến tranh ông trở về thăm quê thì nhà cửa tan hoang, người thân yêu nhất không còn… “Không hiểu sức mạnh nào đã giúp ông vượt qua nỗi đau quá lớn đó?”. Như hiểu được ý nghĩ của chúng tôi, ông bộc bạch: “Đó là sức mạnh của lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc và tinh thần quyết bảo vệ cho được nền độc lập, tự do mà Bác Hồ đã dặn…”. Nhắc đến Bác Hồ, mắt ông chợt bừng sáng khi nhớ lại bao kỷ niệm của 3 lần được gặp Bác Hồ. Đó là lần đầu bí mật vượt biển ra Bắc xin vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Đức được gặp Bác. Rồi lần hai, lần 3, sau những chuyến bí mật chở vũ khí thành công vào chiến trường miền Nam, ông đều được gặp Bác Hồ.
Sau những lần gặp Bác Hồ, những chàng trai Nam Bộ như ông được tiếp thêm sức mạnh không gì lay chuyển nổi. Có lẽ vì thế mà ông đã hoàn thành 14 chuyến bí mật vượt biển chở vũ khí thành công vào chiến trường miền Nam. Mỗi lần trước khi vượt biển, ông và đồng đội đều làm lễ truy điệu sống. Dẫu biết chắc mình sẽ hy sinh nhưng ai nấy cũng cùng chung ý chí: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và lời thề “Độc lập hay là chết” của người dân Nam Bộ. Nhiều đồng đội của ông chở vũ khí vượt biển đã hy sinh, thân xác họ hòa lẫn vào sóng biển để góp phần viết nên một đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển. Riêng Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Đức, sau hàng chục lần bí mật chở vũ khí vượt biển chi viện cho chiến trường miền Nam mà cái chết rình rập bủa vây trong từng gang tấc, vậy mà ông vẫn sống bất khuất cho đến ngày hôm nay. Với thế hệ trẻ hôm nay, ông mãi là người truyền lửa và là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.