Đón Tết cổ truyền trên mảnh đất ngàn hoa
Hằng năm, cứ đến những ngày tháng Tư Dương lịch, khi nắng nóng xuất hiện thì cũng là dịp Nhân dân các bộ tộc Lào đón Tết truyền thống Bun-pi-may, còn được gọi là Tết té nước. Té nước là một phong tục đã có từ lâu đời của Nhân dân Lào, nhằm xóa tan nắng nóng, cầu chúc cho một năm mới mưa thuận gió hòa, ai cũng được may mắn, khỏe mạnh, hạnh phúc. Đây cũng là dịp diễn ra Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của Nhân dân Khmer ở Campuchia, với ý nghĩa quan trọng là thêm một tuổi mới, thêm nhiều hy vọng, sự may mắn, tốt lành, chấm dứt thời kỳ nắng hạn, chuẩn bị cho vụ mùa mới.
Năm nay, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, các sinh viên Lào đang học tập tại Trường Đại học Đà Lạt và đoàn cán bộ, sĩ quan Quân đội Nhân dân Lào, Quân đội Hoàng gia Campuchia đang học tập tại Học viện Lục quân đều không được hưởng không khí Tết truyền thống bên gia đình. Tuy nhiên, tại buổi gặp mặt do Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Sở Ngoại vụ, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia tỉnh Lâm Đồng tổ chức, những người con xa nhà đều phần nào thấy ấm lòng bởi những tình cảm thân thương mà họ nhận được nơi thành phố hoa.
Đến từ Quân đội Nhân dân Lào, Trung tá Si South Thong Lư chia sẻ: “Đây là năm thứ hai tôi được đón tết tại Việt Nam, trong bầu không khí vui vẻ, đoàn kết, thắm tình hữu nghị giữa các dân tộc anh em tại Lâm Đồng. Chúng tôi luôn coi đây là quê hương thứ hai và Học viện Lục quân đã là gia đình của mình”. Được Quân đội Hoàng gia Campuchia tuyển chọn, cử sang học tập, nghiên cứu tại Học viện Lục quân, Thiếu tướng Phanny Zama cho biết: “Trong thời gian học tập, rèn luyện ở đây, chúng tôi đã tiếp thu được những kiến thức rất bổ ích, quý giá. Đồng thời, được tiếp xúc và cảm nhận tình cảm chân thành, nồng ấm của Nhân dân thành phố hoa. Đây là những hành trang quý giá, là cơ sở, nền tảng vững chắc cho chúng tôi sau khi ra trường, về nước vận dụng vào thực tiễn công tác”.
Cùng với các thế hệ lãnh đạo và Nhân dân, quân đội ba nước, những du học sinh và học viên Lào, Campuchia đang học tập tại Lâm Đồng sẽ là lực lượng góp phần bồi đắp thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa ba nước lên một tầm cao mới, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững. Như lời nhắn nhủ của Đại tá Trần Văn Khương - Chính ủy Bộ CHQS tỉnh: Tự hào về truyền thống, tình đoàn kết bao nhiêu, chúng ta lại càng phải có trách nhiệm giữ gìn, kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp lên bấy nhiêu. Mỗi một con người, nhất là người trẻ không ngừng rèn đức, luyện tài, phát huy sáng kiến, sáng tạo và mang sức trẻ của mình để cùng nhau hợp tác, cùng nhau giữ vững tình đoàn kết truyền thống, tình hữu nghị hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước, Nhân dân và quân đội ba nước; đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của đất nước và tương lai tươi sáng của mỗi dân tộc.
Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long
Lịch sử đã chứng minh, Nhân dân 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia thường bị các thế lực bên ngoài uy hiếp, xâm lược. Lịch sử ấy đã tạo nên sự đồng cảm, tự nguyện liên kết giúp đỡ nhau giữa ba quốc gia để cùng chống ngoại xâm. Từ ngày Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập, tình đoàn kết đó càng thêm sâu sắc, từ “láng giềng, hữu nghị thành đồng chí, anh em” keo sơn gắn bó, sát cánh kề vai, chung một chiến hào chiến đấu chống kẻ thù chung.
Ông Nguyễn Bạn - Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh Lâm Đồng chia sẻ thêm: “Mối quan hệ giữa Việt Nam với Lào được thiết lập từ năm 1962, với Campuchia từ năm 1967. Thật hiếm có liên minh dân tộc - quốc gia nào trong khu vực và trên thế giới có sự phối hợp chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau chống kẻ thù chung lâu dài và căn cơ như liên minh chiến đấu đặc biệt giữa Việt Nam - Lào - Campuchia. Hợp tác giữa ba nước là hợp tác toàn diện và đầy đủ trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng…”.
Với Lào, tỉnh Lâm Đồng đã thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác với tỉnh Champasak và tỉnh Bolykhamxay. Hai bên đã triển khai các nội dung trên lĩnh vực kinh tế - xã hội: giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nông nghiệp. Tỉnh đã hỗ trợ đầu tư, chuyển giao kỹ thuật nuôi cá nước lạnh, kỹ thuật canh tác nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và đưa vào sử dụng hiệu quả Trường Năng khiếu hữu nghị Champasak - Lâm Đồng và biệt phái 2 giáo viên của tỉnh sang dạy tiếng Việt tại trường từ tháng 10/2014 đến tháng 9/2017. Hiện có 22 du học sinh Lào đang học tập tại Trường Đại học Đà Lạt.
Với Campuchia, hàng năm, Bộ CHQS tỉnh đều phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia và các đơn vị liên quan tổ chức đoàn đi thăm, tặng quà và chúc tết cổ truyền; đón đoàn Tiểu khu Quân sự tỉnh Siem Reap thăm và chúc Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Bước đầu, Bộ CHQS tỉnh đã hỗ trợ kinh phí giúp Tiểu khu Siem Reap sửa chữa nhà làm việc cho một số đơn vị trị giá hàng tỷ đồng. Hiện nay, Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia đang xúc tiến việc kết nối để thiết lập mối quan hệ hữu nghị giữa tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Siem Reap. Và mới đây nhất, vào tháng 6/2020, tỉnh Lâm Đồng đã ủng hộ 600 triệu đồng hỗ trợ Nhân dân Campuchia, bà con kiều bào tại Campuchia và 2 tỉnh kết nghĩa với Lào trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-119.
Kế tục và phát huy truyền thống tốt đẹp đó, ngày nay, Chính phủ và Nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia không ngừng vun đắp và truyền tiếp cho thế hệ sau này tài sản vô giá là tình đoàn kết, mối quan hệ thủy chung và hợp tác toàn diện giữa ba nước, ba dân tộc. Ở mảnh đất Nam Tây Nguyên, tình cảm đó tiếp tục được vun đắp sâu sắc, để dẫu qua bao thăng trầm của thời gian, vạn vật có thể thay đổi, nhưng tình đoàn kết, hữu nghị giữa ba nước vẫn đời đời bền chặt...