Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ.
Từ năm 1947 đến năm 1950, đồng chí Phan Trọng Tuệ được cử giữ chức Chính trị viên Khu 9; Chính ủy Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn; Chính ủy Khu 7; Thanh tra Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Từ năm 1952 đến năm 1954, đồng chí làm Tư lệnh, sau đó làm Tư lệnh phó kiêm Phó Chính ủy Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ. Từ tháng 8-1954, đồng chí là Đại tá, Phó Trưởng đoàn Liên hiệp đình chiến Nam Bộ rồi Quyền Trưởng đoàn Đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến Trung ương, đồng thời đồng chí cũng giữ vai trò Phó Trưởng đoàn Liên hiệp đình chiến Trung ương. Năm 1954, đồng chí cùng các lực lượng vũ trang của ta tập kết ra miền Bắc, được thăng quân hàm Thiếu tướng, giữ chức vụ Phó Tổng Thanh tra Quân đội. Đầu năm 1958, đồng chí được Nhà nước ra quyết định giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an. Ngày 3-3-1959, khi lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng Việt Nam) thành lập, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ được cử làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang.
Đồng chí Phan Trọng Tuệ (khi làm Bộ trưởng Bộ GTVT) kiểm tra cầu đường sắt qua sông Trà Khúc năm
1977.
Từ tháng 4-1973 đến năm 1976, đồng chí giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thời gian này, đồng chí đã cùng Phó Thủ tướng Đỗ Mười thay mặt Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác xoi mở đường mở thông hành lang vận chuyển chiến lược Trường Sơn vào đến miền Đông Nam Bộ. Đây là một quyết định chiến lược, góp phần quan trọng tạo thế và lực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1980, trong những ngày khó khăn nhất của cách mạng Campuchia, đồng chí được cử làm Phó Tổng đoàn Chuyên gia của Chính phủ Việt Nam giúp Campuchia về xây dựng kinh tế; Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Ngày 18-12-1991, đồng chí qua đời.
Trong hơn 50 năm hoạt động cách mạng, với nhiều cương vị công tác, ở nhiều lĩnh vực, địa bàn phong phú, đồng chí Phan Trọng Tuệ luôn là một chiến sĩ Cộng sản kiên trung của Đảng, tận tụy vì nước, vì dân, không sợ hy sinh, gian khổ, luôn bám dân, gây dựng và phát triển được phong trào cách mạng. Khi bị địch bắt cầm tù, tra tấn cực hình, đồng chí vẫn luôn giữ vững khí tiết của người Cộng sản. Trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, đồng chí được Đảng, Chính phủ và nhân dân tin tưởng giao giữ nhiều chức vụ quan trọng, ở bất cứ cương vị lãnh đạo, lĩnh vực công tác nào đồng chí cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đồng chí đã có công lớn trong việc xây dựng Ngành Giao thông vận tải lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu khôi phục kinh tế và bảo vệ Tổ quốc.
Viết về Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành những lời trân trọng: “Đồng chí Phan Trọng Tuệ, người Cộng sản kiên trung, một vị tướng, một cán bộ cao cấp của Đảng, của Nhà nước có đức độ và tài năng, hết lòng vì nước, vì dân. Đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, gia nhập Đảng từ năm 1934, lúc mới 17 tuổi, đã 2 lần bị địch bắt, tù đày, tra tấn nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết... Với tôi, đồng chí là người bạn chiến đấu thủy chung”.
Với những công lao, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Phan Trọng Tuệ đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và nhiều huân chương, huy chương, huy hiệu, danh hiệu cao quý khác.
Trân trọng những đóng góp của đồng chí, một tuyến đường ở huyện Thanh Trì và một số trường học ở Thủ đô Hà Nội vinh dự được mang tên Phan Trọng Tuệ.