70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, LLVT Quân khu 7 đã trải qua chặng đường lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường và giành nhiều chiến tích vẻ vang, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong thành tích chung ấy có sự đóng góp không nhỏ của những người lính làm báo miền Đông- những nhà báo Quân giải phóng năm xưa và Báo Quân khu 7 hôm nay.
Trung tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng,
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân khu 7 trao bức trước 12 chữ vàng cho Ban biên tập Báo Quân khu 7
Từ Báo Quân Giải phóng…
Sau phong trào Đồng Khởi năm 1960, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, nhiều chiến thắng trên chiến trường miền Nam như: Tua Hai, Ấp Bắc… đánh dấu những bước trưởng thành mạnh mẽ của Quân giải phóng Miền Nam. Để đáp ứng yêu cầu động viên và cổ vũ cuộc kháng chiến nói chung và các lực lượng vũ trang giải phóng nói riêng, Quân ủy Miền đã quyết định xuất bản tờ báo của lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam và được đặt tên là Báo Quân Giải phóng. (Ngày 01/11/1963, Báo Quân Giải phóng ra số đầu tiên. Và đây cũng chính là Ngày Truyền thống của Báo Quân khu 7 hiện nay).
Kể từ ngày ra số báo đầu tiên ngày 1 tháng 11 năm 1963 đến ngày ra số báo cuối cùng ngày 15 tháng 8 năm 1975, trong gần 12 năm hoạt động tại chiến trường miền Nam, ác liệt gian khổ, Báo Quân Giải phóng đã xuất bản được 318 số. Ngoài những bài viết được đăng trên Báo Quân Giải phóng còn hàng trăm bài viết được đăng tải trên các báo khác như: Báo Giải phóng, Báo Quân đội nhân dân, Báo Nhân dân và sử dụng phát trên Đài Giải phóng, Đài tiếng nói Việt Nam… Tất cả những bài viết trên đã tỏ rõ là một công cụ sắc bén trên mặt trận tư tưởng. Tuyên truyền, động viên cổ vũ đồng bào và các LLVT nhân dân trên khắp miền Nam, anh dũng chiến đấu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, đánh đuổi bọn xâm lược và bè lũ bán nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đó là những bài báo mang hơi thở nóng bỏng của chiến trường như “Lửa Rừng Tây Ninh”, “Tết chiến thắng ở Dầu Tiếng” của phóng viên Xuân Huy, “Giặc Mỹ no đòn ở Trà Phí” của Lê Văn Minh, “Nhấn chìm tàu mười nghìn tấn” của Duy Khải, “Vằm nát cứ điểm Lộc Ninh” của Phạm Ngọc Thành, “Lửa căm thù đốt cháy căn cứ Đồng Dù” của Xuân Huy… Hay như những bài báo mang đậm tình cảm con người miền Đông đối với bộ đội: “Tấm lòng người dân vùng sâu” của Mai Bá Thiện, “Người Sài Gòn của Lê Văn Minh”, “Lòng mẹ Long An” của Trần Phấn Chấn, “Tấm lòng má Năm” của Long Hà (Ngô Đăng Rêu)… Hoặc những bài viết về những tập thể, cá nhân điển hình với những chiến công vang dội: “Kiên cường bám trụ, ngời sáng chiến công” viết về Trung đoàn Đồng Nai của nhà báo Đình Thịnh, “Sống anh dũng chết vẻ vang” viết về anh hùng Nguyễn Văn Sơ của Thiệu Cơ, “Ở đâu khó có Lê Sơn Hà” của Duy Khải, “Lão pháo binh trên Đất thép Thành đồng” của Phan Tư, “Những chiến sĩ ở Đại đội 7 anh hùng trên Đường 13” của Mai Bá Thiện…
Có thể nói Báo Quân Giải phóng vượt qua những ác liệt, sinh tử của chiến tranh đã không chỉ phản ánh rõ nét hình ảnh kiên trung, bất khuất của quân dân miền Nam trên tuyến đầu chống Mỹ mà còn kịp thời phát hiện, xây dựng và nhân rộng nhiều gương điển hình; những gương anh hùng dũng sĩ, những cá nhân, tập thể điển hình, qua đó đã nhân lên sức mạnh phi thường của quân giải phóng miền Nam trên chiến trường đánh Mỹ. Đó chính là nguồn động viên to lớn và kịp thời, khích lệ quân dân miền Nam xốc tới để giành chiến thắng.
Và đương nhiên, để có những bài báo đó, các phóng viên Báo Quân Giải phóng đã sát cánh cùng đồng đội và nhân dân chiến đấu trên khắp chiến trường miền Nam, từ Quảng Trị đến Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, mặt trận Sài Gòn - Gia Định, Chiến dịch Mậu Thân 1968, rồi sang cả chiến trường Campuchia... Đặc biệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975, nhiều phóng viên, cán bộ Báo Quân Giải phóng đã có mặt ngay tại các điểm nóng của chiến trường, như Vũ Bằng, Thanh Giang, Mai Bá Thiện, Trần Phấn Chấn, Nguyễn Viết Tá, Vũ Xiêm, Đình Thịnh, Đỗ Tất Thắng, Nguyễn Sung, Đỗ Kết, Trần Thanh Nguyên… Báo Quân Giải phóng đã thực sự trở thành một Mặt trận trong chiến tranh của quân dân miền Nam. Ở đâu có chiến sự là ở đó có mặt phóng viên Báo Quân Giải phóng. Viết bất kể thời gian, bất cần điều kiện, viết dưới tầm bom đạn, viết trong hầm trú ẩn… và bao lần hầm sập, bị thương máu nhuộm loang cả trang viết. Đó là hình ảnh của Phú Bằng, Thanh Giang… dưới mưa bom bão đạn vẫn ung dung viết bài trong căn hầm nổi ở vùng ven Sài Gòn, dù đã bị thương - những trang giấy thấm máu mình và đồng đội, nhưng vẫn cắn răng để quyết tâm viết xong bài gửi về báo. Bởi ai cũng tâm niệm rằng: “Chiến sĩ hi sinh là hoàn thành nhiệm vụ. Nhà báo hi sinh thì nhiệm vụ chưa hoàn thành”.
Đó là phóng viên quay phim Phan Đồng Cam trong Chiến dịch Nguyễn Huệ giải phóng Lộc Ninh 1972, đã dũng cảm theo sát lực lượng đột phá khẩu của Sư đoàn 5 và hy sinh ngay tại cửa mở, để lại những thước phim vô cùng quý báu quay cận cảnh xe tăng và bộ binh ta tiến công tiêu diệt kẻ thù.
Đó là nhà báo Thân Trọng Hân, bất chấp hiểm nguy theo tiểu đoàn mũi nhọn tiến sâu vào Sài Gòn trong dịp Mậu Thân 1968 và đã anh dũng hi sinh. Đó còn là hình ảnh Nhà báo Phạm Ngọc Châu, đi cùng Trung đoàn Bình Giã, tấn công vào Tây Nam Sài Gòn trong đợt 2 Mậu Thân, đã kiên cường chiến đấu và đã oanh liệt ngã xuống khi trúng bom xăng của kẻ thù, hình ảnh anh bốc cháy trong thế tiến công trên cánh đồng Tân Kiên, như ngọn đuốc sống, không chỉ đã khơi gợi, thắp sáng ngọn lửa nhân văn cho từng trang viết đồng nghiệp, mà còn là biểu tượng bi hùng về sự xả thân của những nhà báo mặc áo lính miền Đông anh dũng…
Đó còn là nhà báo, nhà văn Nguyễn Thi theo Đoàn 10 đặc công thọc sâu vào các các mục tiêu hiểm yếu ở Sài Gòn, bị địch phát hiện và bao vây, anh đã cùng 90 chiến sĩ Đoàn 10 chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và đã ngã xuống trên đường phố Sài Gòn. Máu anh đã góp phần nhuộm đỏ lịch sử oanh liệt của Sài Gòn - nơi đó có gia đình và con gái anh đang chờ đón, nhưng mãi mãi anh (một nhà báo - nhà văn tài năng) đã không trở về.
Những phóng viên Báo Quân Giải phóng không chỉ cầm bút mà còn trực tiếp cầm súng. Đó là phóng viên Bất Diệt, Tôn Bảo, Hồng Hải… trong trận càn Gian Xơn city năm 1967 đã anh dũng chiến đấu bắn cháy cả xe tăng và thiết giáp Mỹ; đó là phóng viên Vũ Thập, Đồng Cam dùng súng ngắn, thủ pháo tiêu diệt Mỹ… được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt cơ giới”, “Dũng sĩ diệt Mỹ ngụy”…
Có thể nói, trong suốt 12 năm oanh liệt và rực lửa đó, cùng với quân dân cả nước nói chung, quân dân miền Đông Nam bộ nói riêng, những phóng viên Báo Quân Giải phóng đã tỏ rõ khí phách của người lính làm báo trên chiến trường, lăn lộn, xông pha vào những nơi nguy hiểm nhất, vừa viết vừa bám trụ chiến đấu. Nhiều phóng viên đã anh dũng hi sinh, và sự xả thân của họ, máu đào của họ không chỉ đã góp phần tô thắm những chiến công mà còn đốt lên ngọn lửa trong từng trang giấy, thắp sáng niềm tin - sức mạnh của cả dân tộc làm nên vinh quang của chiến thắng.
… Báo Quân khu 7 hôm nay
Phát huy, kế thừa truyền thống Báo Quân Giải phóng, sau ngày giải phóng, Báo Quân khu 7 lại tiếp tục đồng hành cùng bộ đội tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và thực hiện nghĩa vụ quốc tế trên nước bạn Campuchia. 10 năm lăn lộn, gắn bó, xông pha cùng bộ đội trên khắp nẻo trên chiến trường nước bạn với những tên gọi khác nhau như: Báo Quân khu 7, Tin Quân khu 7, Tin Tiền phương, Tin Mặt trận…, Báo Quân khu 7 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu giao, ngày càng để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc; thực sự là người bạn tri kỷ, thân thiết với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang quân khu, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế vẻ vang, giúp nước bạn Campuchia hồi sinh và thoát khỏi họa diệt chủng, vun đắp tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia anh em.
Trong những năm vừa qua, thực hiện Đề án Hiện đại hóa các cơ quan báo chí Quân đội, giai đoạn 2014 - 2018 ban hành kèm theo Quyết định số 2795 ngày 22/7/2014 của Bộ trưởng Quốc phòng, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu, trực tiếp là Đảng ủy- Ban Chủ nhiệm Cục Chính trị, Báo Quân khu 7 ngày càng có sự tiến bộ về nhiều mặt, cả về nội dung và hình thức, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, vừa là diễn đàn của nhân dân và LLVT Quân khu, góp phần vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc trên địa bàn quân khu.
Hiện nay, Báo Quân khu 7 thực hiện loại cả 4 loại hình báo chí: Báo in, Truyền hình, Phát thanh, Báo mạng (Bộ Thông tin và truyền thông vừa có quyết định cấp phép hoạt động Báo Điện tử Quân khu 7). Nhiều tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục đã không ngừng đổi mới, tăng tính hấp dẫn, bảo đảm tính định hướng tư tưởng, nêu cao tính chiến đấu chống các quan điểm sai trái, thù địch, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin kịp thời đến đông đảo cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước về những nét mới, nét riêng của Quân khu, góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị trong LLVT quân khu hăng hái thi đua hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, công tác, lao động sản xuất, làm kinh tế, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng cơ sở chính trị địa phương ngày càng vững mạnh. Hoạt động báo chí đã góp phần đẩy mạnh và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó góp phần xây dựng LLVT quân khu vững mạnh, hoàn thành tốt mọi trọng trách giao phó, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kì mới. Ghi nhận những thành tích đó, trong những năm qua Báo Quân khu 7 đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhì, năm 2014 được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng bằng khen, năm 2015 được Tổng cục Chính trị, Bộ Thông tin và Truyền thông tặng bằng khen. 5 năm liền từ 2011 đến nay được Tư lệnh Quân khu tặng danh hiệu Đơn vị quyết thắng cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác.
Kế thừa bề dày truyền thống hào hùng năm xưa của Báo Quân Giải phóng, Báo - Truyền hình Quân khu 7 ngày hôm nay nguyện tiếp bước hào khí miền Đông anh hùng, luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích, định hướng chính trị; từng bước nâng cao chất lượng, tiếp thu những tiến bộ về khoa học, công nghệ, kỹ thuật; quan tâm tới việc xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, phóng viên, với phương châm: “Giỏi về nghiệp vụ - Vững về chính trị, tư tưởng - Đẹp về văn hóa”. Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền; đổi mới tư duy làm báo, nâng cao chất lượng nội dung song hành với việc nâng cao hàm lượng văn hóa và tính mỹ thuật của tờ báo cũng như của từng tác phẩm báo chí. Tất cả đều hướng tới mục đích để Báo Quân khu 7 luôn luôn thực sự là “Tiếng nói của LLVT và nhân dân trên địa bàn Quân khu 7”.
Nguyễn Bắc