Ngày 5/11, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai cho biết đã bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá tài sản là lô gỗ, củi thu hồi sau bão số 3 (Yagi). Tài sản đấu giá gồm gần 110 m3 gỗ xà cừ, hơn 130 m3 gỗ tạp và khoảng 54 tấn củi.
"Đây là gỗ, củi thu hồi sau cơn bão số 3 thuộc nhiệm vụ Xử lý khẩn cấp, khắc phục thiệt hại về cây xanh đô thị sau cơn bão số 3 trên địa bàn quận Hoàng Mai theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội," thông báo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai nêu rõ.
Theo đó, giá khởi điểm của lô gỗ, củi hơn 340 triệu đồng. Dự kiến sau khi lựa chọn được tổ chức đấu giá tài sản, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai sẽ đưa lô gỗ này ra đấu giá vào cuối tháng 11/2024.
Hà Nội sắp đấu giá gỗ thu hồi sau bão Yagi
Thống kê của TP Hà Nội, bão Yagi làm khoảng 40.000 cây xanh đô thị gãy đổ, thành phố đã trồng lại được 4.000 cây cần bảo tồn, cây quý hiếm có giá trị, cây có đường kính dưới 25 cm.
Khoảng 36.000 cây còn lại đã được giải tỏa, vận chuyển gỗ củi về các bãi tập kết của thành phố ở Thanh Trì, Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm và 28 điểm tập kết ở 16 quận huyện.
Theo Sở Xây dựng, do củi gỗ được tập kết về nhiều địa điểm dẫn đến khó khăn trong quản lý, kiểm kê, đồng thời phát sinh nhiều chi phí thu gom vận chuyển nếu tổ chức bàn giao, tiếp nhận gỗ củi về địa điểm tập kết chung của thành phố để thanh lý, bán đấu giá.
Sở Xây dựng đã giao Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố phối hợp cùng các nhà thầu tổ chức kiểm đếm khối lượng gỗ, củi thu hồi sau bão Yagi tại các điểm tập kết để phục vụ thanh lý, đấu giá.
Kết quả cho thấy gỗ củi đã thu hồi chủ yếu là lát hoa, keo, móng bò, ban, bàng lá nhỏ, chiêu liêu, giáng hương, sao đen, muồng, bằng lăng, phượng, xà cừ. Dự kiến trong tháng 11/2024 công tác kiểm đếm, phân loại số lượng củi gỗ tại các bãi tập kết mới hoàn thành.
Trước đó, trong cuộc họp thông tin nhanh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về một số giải pháp để khắc phục sản xuất nông nghiệp sau bão Yagi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, cơn bão càn quét khiến cho nhiều diện tích rừng tại một số tỉnh miền Bắc bị gãy đổ, gây thiệt hại đáng kể.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay dăm gỗ và viên nén gỗ là mặt hàng đang được các thị trường ưa chuộng. Chính vì vậy, ngành lâm nghiệp cần có hướng dẫn các địa phương và chủ rừng có rừng bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 để xem xét hiện trạng, từ đó xử lý.
Đặc biệt, với diện tích những cây rừng gãy đổ không thể khôi phục được thì nên tiến hành khai thác ngay và trồng cây thay thế. Với những cây gỗ nhỏ, cành gỗ cần gom lại để đem về băm là dăm gỗ, viên nén gỗ bán, nhằm giúp bà con giảm thiểu về thiệt hại.
Thiên An