Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh
Tháng 8-1956, đồng chí Hoàng Nghĩa Khánh được cử đi học tại Học viện Quân sự Nam Kinh (Trung Quốc). Kết thúc khóa học, từ tháng 10-1960 đến tháng 11-1968, đồng chí lần lượt giữ các nhiệm vụ Phó phòng, Trưởng phòng Tác chiến, Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu kiêm phái viên Tác chiến tại Lào. Tháng 12-1968, đồng chí được bổ nhiệm Cục phó Cục Tác chiến, phái viên Tác chiến Đoàn 559 và B4, kiêm Tham mưu phó tác chiến Bộ Tư lệnh Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (30-1-1971 - 23-3-1971); Tham mưu phó tác chiến Bộ Tư lệnh Chiến dịch Trị - Thiên (30-3-1972 - 27-6-1972). Trên các cương vị công tác, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đồng chí tham mưu xây dựng kế hoạch tác chiến, cùng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị chiến đấu dũng cảm, góp phần cùng quân và dân miền Bắc đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ xâm lược.
Tháng 1-1974, đồng chí được bổ nhiệm làm Tham mưu phó phụ trách tác chiến Bộ Tham mưu Miền. Tháng 7-1974, đồng chí là Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, tham gia Chiến dịch Đường 14 - Phước Long (13-12-1974 - 6-1-1975), Chiến dịch Xuân Lộc (9-4-1975 - 20-4-1975) và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh (26-4-1975 - 30-4-1975), tiến công vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Sau ngày 30-4-1975, Quân đoàn 4 có nhiệm vụ tiếp quản Sài Gòn - Gia Định. Trong thời gian này, đồng chí Hoàng Nghĩa Khánh cùng Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp cơ quan, ban ngành liên quan tiếp thu tốt nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật của địch; giữ gìn trật tự trị an, vận động Nhân dân đi bầu cử Quốc hội, tham gia xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang ở cơ sở, trấn áp mọi âm mưu bạo loạn và hành động phá hoại của địch, góp phần bảo vệ và nhanh chóng đưa Sài Gòn - Gia Định trở lại sinh hoạt, sản xuất bình thường. Ngày 21-1-1976, Ủy ban quân quản các cấp của thành phố kết thúc nhiệm kỳ hoạt động, bàn giao việc quản lý toàn diện thành phố cho Ủy ban nhân dân thành phố Sài Gòn – Gia Định. Quân đoàn 4 kết thúc nhiệm vụ quân quản. Giữa năm 1976, đồng chí Hoàng Nghĩa Khánh tham gia đoàn cán bộ cao cấp học tại Học viện Quân sự Vôrôsilốp (Liên Xô).
Tháng 2-1978, đồng chí Hoàng Nghĩa Khánh được bổ nhiệm Tham mưu trưởng Quân khu 7. Trên cương vị Tham mưu trưởng Quân khu 7, trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, đồng chí cùng với Bộ Tư lệnh Quân khu trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy lực lượng của Quân khu 7 trong đội hình Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng nước bạn tiến công vào sào huyệt của tập đoàn phản động Pôn Pốt, giúp nhân dân Campuchia giải phóng đất nước thoát khỏi họa diệt chủng.
Tháng 3-1979, đồng chí Hoàng Nghĩa Khánh được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu, với những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy trong quá trình chiến đấu và chỉ huy đơn vị, đồng chí cùng với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy của Cục Tác chiến tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương xây dựng quy hoạch chương trình phòng thủ quốc gia, những chủ trương, biện pháp xử trí những tình huống xảy ra trên biên giới đất liền, trên biển, đảo và vùng trời. Đồng chí đã tham mưu giúp Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tổ chức và duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị trong toàn quân. Chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị xây dựng kế hoạch tác chiến… Phối hợp với các bộ, ngành địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tổ chức huấn luyện, diễn tập theo các tình huống chiến dịch, chiến lược. Đồng chí được thăng quân hàm Thiếu tướng tháng 12-1982 và Trung tướng năm 1988.
Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp hình lưu niệm tại nhà riêng ở Hà Nội năm 2005.
Tháng 10-1997, đồng chí Hoàng Nghĩa Khánh được Đảng, Nhà nước và Quân đội cho nghỉ hưu. Trong quá trình tham gia cách mạng, chiến đấu và công tác, đồng chí Hoàng Nghĩa Khánh luôn phấn đấu học tập rèn luyện, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội. Khi được Đảng và Quân đội cho nghỉ hưu, với phẩm chất và trách nhiệm cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, đồng chí Hoàng Nghĩa Khánh có nhiều ý kiến tâm huyết tham gia với Cục Tác chiến và Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu xử trí các tình huống đặc biệt trên Biển Đông; tích cực tham gia các hoạt động của Hội Cựu chiến binh và các phong trào tại địa phương.
Ngày 21-6-2016, đồng chí qua đời do tuổi cao sức yếu. Với công lao cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân và Quân đội, đồng chí Hoàng Nghĩa Khánh được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhì; 3 Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì, Ba; 3 Huân chương Chiến công (2 hạng Nhất, 1 hạng Ba); Huân chương Chiến thắng hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba; Huy chương Quân kỳ quyết thắng; 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và các huân chương do Nhà nước Campuchia, Lào, Cuba, Liên Xô tặng…