(QK7 Online) - Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh cách mạng Việt Nam ở thế kỷ 20, thắng lợi của “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12-1972 là một mốc son chói lọi, đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vĩ đại của Nhân dân Việt Nam; đã làm cho cả nước Mỹ rung động, lan rộng ra cả thế giới, làm cho cuộc tiến công chiến lược đường không mang tên “Chiến dịch Linebacker-II” bằng máy bay B-52 của Mỹ bị thất bại.
Thắng lợi đó đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quí cho các lực lượng vũ trang Nhân dân, trong đó có Bộ đội PK-KQ. Đó là bài học về nghệ thuật tác chiến PK - KQ trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Trận địa pháo khai hỏa trong diễn tập.
Giá trị lịch sử của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”
Nửa thế kỷ trôi qua, Chiến dịch phòng không bảo vệ Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố ở miền Bắc cuối tháng 12-1972, là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử đặc biệt trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, thông minh, sáng tạo, quân dân ta cùng lực lượng Phòng không-Không quân và phòng không Nhân dân đã làm nên trận quyết chiến chiến lược “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, đập tan uy thế của không lực Hoa Kỳ. Thắng lợi vẻ vang đó như một mốc son rực sáng làm rạng rỡ trang sử vàng đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của Thủ đô và của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 21 (7-1973) khẳng định: “Cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ trong 12 ngày đêm (từ 18-29/12-1972) đã bị quân và dân miền Bắc đập tan, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, đánh thắng một bộ phận quan trọng trong chiến lược chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Bảo vệ vững chắc hậu phương lớn của cả nước. Thắng lợi đó có ý nghĩa cả về quân sự và chính trị tạo điều kiện cho ta giành thắng lợi trên mặt trận ngoại giao…Thắng lợi lớn nhất của Nhân dân ta là buộc đế quốc Mỹ phải rút quân về nước, chấp nhận sự tồn tại của bộ đội chủ lực ở miền Nam”.
Tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến dịch phòng không tháng 12-1972
Có được thắng lợi vĩ đại của chiến dịch phòng không tháng 12-1972, một trong những nguyên nhân, đồng thời cũng là bài học về sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến dịch phòng không tháng 12-1972.
Một là, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận rõ và đánh giá đúng kẻ thù. Đây chính là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với việc giành thế chủ động, tạo yếu tố bất ngờ để đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ. Để đi đến Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972, Bộ Chính Trị, Quân ủy Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một quá trình nhận định, nghiên cứu, phân tích, đánh giá thấu đáo tình hình chiến trường miền Nam cũng như đánh giá đúng tình hình; quyết định và chỉ đạo chiến lược cho Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh trên miền Bắc cùng lực lượng phòng không ba thứ quân chuẩn bị, sẵn sàng chiến đấu, huy động được sức mạnh to lớn của cả nước cho cuộc đụng đầu lịch sử giữa Bộ đội Phòng không-Không quân ta và không lực Hoa Kỳ.
Việc Mỹ dùng máy bay chiến lược B-52 vào đánh phá Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh, thành phố ở miền Bắc tháng 12-1972 đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta dự kiến trước đó 5 năm. Ngay từ năm 1962, khi giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi Tư lệnh Quân chủng: Chú đã biết gì về B-52 chưa? và sau đó Bác nói: Nếu chú có biết, bây giờ cũng chưa làm gì được nó, vì nó bay cao, bay nhanh. Bác căn dặn: “… ngay từ nay là Tư lệnh Bộ đội Phòng không - Không quân, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B-52”. Nhớ lời Bác dạy, lãnh đạo và chỉ huy Quân chủng đã chuẩn bị kế hoạch, đầu tư nghiên cứu về cách đánh máy bay B-52.
Ngày 19-7-1965 đến thăm Bộ đội Phòng không Hà Nội trước giờ tên lửa ra quân, Bác căn dặn: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-57, B-52 hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng!”. Lời Bác căn dặn đã truyền thêm sức mạnh cho Bộ đội Phòng không - Không quân. Ngày 12-4-1966, đúng như dự báo của Bác Hồ, đế quốc Mỹ đã đưa B-52 ra đánh đèo Mụ Giạ ở Tây Quảng Bình và sau đó mở rộng ra các mục tiêu quân sự, dân sự và các trọng điểm giao thông trên địa bàn Quân khu 4 nhằm phá hoại, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho cách mạng miền Nam. Lãnh đạo và chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân đã nghiên cứu kỹ việc đưa tên lửa vào chiến trường Quân khu 4 để tìm cách đánh B-52.
Tháng 6-1966, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ tọa của Hồ Chí Minh thống nhất chủ trương: “Sớm đưa tên lửa phòng không vào Nam Quân khu 4 để nghiên cứu đánh B-52”. Một buổi, Bác gọi Tư lệnh Bộ đội Phòng không - Không quân lên báo cáo với Bác về việc đánh B-52. Người căn dặn: “Muốn thắng địch thì phải hiểu địch, nắm chắc địch, muốn bắt cọp phải vào tận hang”. Chú về suy nghĩ thêm đi và tranh thủ trao đổi với các đồng chí xung quanh. Vâng lời Bác, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng thống nhất kế hoạch đưa một Trung đoàn Tên lửa 238 vào tuyến lửa Vĩnh Linh để đón đánh B-52. Tháng 8-1966, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bác, Quân chủng bí mật đưa lực lượng tên lửa và ra đa vào chiến trường Vĩnh Linh, trực tiếp nghiên cứu, tìm hiểu tính năng kỹ chiến thuật, nghiên cứu quy luật hoạt động, cách đánh phá của B-52, từ đó tìm ra cách đánh B-52 thích hợp.
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Giôn-xơn quyết định cho B-52 leo thang ra đánh phá hành lang cửa khẩu Quảng Bình, Vĩnh Linh cuối năm 1967, trong một lần làm việc với Tư lệnh và Chính ủy Bộ đội Phòng không - Không quân, Bác nhắc nhở: “Sớm muộn đế quốc Mỹ sẽ đưa B-52 ra đánh phá Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm, càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị…”. Bác nói thêm: “Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Lời dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ bản chất ngoan cố, hiếu chiến và quy luật “thua” của đế quốc Mỹ. Theo lời dạy của Bác và Chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh vạch ra kế hoạch chuẩn bị đánh B-52, đẩy mạnh công tác xây dựng lực lượng Phòng không - Không quân, đồng thời đưa lực lượng Phòng không - Không quân vào chiến trường Quân khu 4 để nghiên cứu phát hiện máy bay B-52 và thực tập đánh B-52. Do hiểu biết sâu sắc quy luật chiến tranh xâm lược của Mỹ, nên Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo quân và dân các địa phương, trong đó đặc biệt là Bộ đội Phòng không - Không quân chuẩn bị tốt mọi mặt, sẵn sàng đánh bại nấc thang cao nhất của địch khi chúng liều lĩnh leo thang ra đánh phá Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng.
Tháng 10-1972, khi chính quyền Ních-xơn lật lọng đòi sửa hết những điều khoản trong dự thảo Hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta nhận định: Âm mưu của địch là tiếp tục kéo dài chiến tranh trong một thời gian nữa, cố giành một thắng lợi quân sự, nhằm kết thúc chiến tranh trên thế mạnh, cho nên ta phải đề phòng Mỹ tăng cường hành động quân sự. Tuyệt đối không thể lơ là mất cảnh giác. Miền Bắc phải tiếp tục đánh bại chiến tranh bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ ở “mức độ cao hơn”.
Hai là, cùng với xác định nhiệm vụ chiến lược của miền Bắc, Đảng chỉ đạo đẩy mạnh toàn diện các mặt công tác ở hậu phương, nhất là công tác tư tưởng và tổ chức trong điều kiện chiến tranh lan rộng ra cả nước. Đối với công tác tư tưởng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đặt ra yêu cầu: Cần phải làm cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nhận rõ âm mưu và hành động mới của Mỹ, nhận rõ chỗ mạnh và chỗ yếu, thuận lợi và khó khăn của ta và của địch; nhận rõ ta đang chiến thắng, nhất định sẽ thắng, Mỹ đang thất bại và nhất định sẽ thất bại hoàn toàn. Trên cơ sở đó xây dựng ý chí, niềm tin quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược; sẵn sàng đánh bại bất cứ loại chiến tranh nào của chúng, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, xây dựng tinh thần tự lực cánh sinh, chống chủ quan khinh địch. Cùng với đó, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan của Nhà nước, Quân đội mở các hội nghị phòng không Nhân dân, xây dựng kế hoạch tác chiến phòng không, sơ tán, bảo vệ các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, kho tàng, bến bãi, trọng điểm giao thông. Lực lượng đánh máy bay và tàu chiến Mỹ với nòng cốt là Quân chủng PK - KQ và Quân chủng Hải quân được tăng cường về nhiều mặt, cả về người và vũ khí trang bị, cả kế hoạch tổ chức hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng khác, tạo thế trận liên hoàn của “chiến tranh Nhân dân đất đối không, đất đối biển”.
Ba là, chủ động tạo lập thế trận chiến dịch vững chắc, hiểm hóc, chuyển hóa linh hoạt, kết hợp với phá thế địch. Trong chiến dịch, Bộ đội PK - KQ đã xây dựng thế trận vững chắc, hiểm hóc, tập trung đánh máy bay B-52 là chủ yếu. Thế trận của chiến dịch lấy lực lượng tên lửa phòng không (TLPK) làm nòng cốt, tập trung đánh đối tượng chủ yếu là máy bay B-52, bố trí bảo đảm đánh địch tập trung, từ xa đến gần, đánh địch cả khi bay vào và bay ra. Lực lượng không quân đánh địch từ xa, phá vỡ đội hình tiến công của địch. Lực lượng pháo phòng không đánh máy bay chiến thuật, bảo vệ đội hình của TLPK, bảo vệ sân bay. Quá trình tác chiến chiến dịch, thế trận của lực lượng PK - KQ luôn giữ được sự ổn định vững chắc, bảo đảm vòng trong luôn có lực lượng đủ mạnh, tập trung hỏa lực đánh, đánh máy bay từ nhiều hướng. Thế trận chiến dịch được tạo ra đã liên kết được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng phòng không ba thứ quân; tạo nên sự hiểm hóc liên hoàn, có chiều sâu và bề rộng của thế trận chiến dịch. Mặc dù địch sử dụng rất nhiều thủ đoạn khác nhau nhưng đều bị ta vô hiệu hóa. Các lực lượng hỏa lực TLPK, pháo phòng không, không quân tiêm kích đều phát huy sức mạnh bắn rơi B-52.
Thứ tư, cách đánh mưu trí, sáng tạo, linh hoạt, luôn giành và giữ quyền chủ động trong tác chiến chiến dịch. Trong điều kiện lực lượng của ta có hạn, vũ khí trang bị kỹ thuật kém và lạc hậu so với địch, để đánh thắng cuộc tiến công đường không hiện đại của địch đòi hỏi các lực lượng phòng không chiến dịch phải rất mưu trí, dũng cảm, linh hoạt và sáng tạo trong cách đánh. Mưu trí, dũng cảm và sáng tạo trong đánh địch, trước hết phải thể hiện chọn đúng đối tượng đánh chủ yếu. Ngay từ đầu, ta đã xác định đối tượng nguy hiểm nhất là máy bay ném bom B-52, đây là loại máy bay được các nhà quân sự Mỹ gọi là “Pháo đài bay”, con “át chủ bài” của không lực Hoa Kỳ. Trước khi mở cuộc tập kích đường không, Nhà Trắng chủ quan cho rằng, với trang bị các loại vũ khí phòng không của Bắc Việt Nam hiện có sẽ không có khả năng bắn rơi máy bay B-52, bởi lẽ: (1). Máy bay B-52 bay ở độ cao trung bình khoảng 10 km, có rất nhiều máy bay tiêm kích hộ tống bảo vệ chặt chẽ và được bao phủ bởi các loại nhiễu điện tử cường độ mạnh (gây nhiễu từ các máy bay chuyên dụng EB-66, từ các máy gây nhiễu trang bị ngay trên máy bay B-52, mồi bẫy...). (2). Các sân bay, các trận địa tên lửa của Bắc Việt Nam sẽ bị chế áp tối đa, khó có khả năng phát huy hỏa lực.
Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 - một sự kiện có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vĩ đại của dân tộc ta. Nhận thức sâu sắc và đầy đủ những bài học kinh nghiệm về nghệ thuật tác chiến PK - KQ trong chiến dịch phòng không cần được vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Tăng cường xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân. “Xây dựng Quân đội Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”. Xây dựng thế trận phòng không Nhân dân vững chắc, giữ gìn tình đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân với Đảng, với Quân đội. “Tiếp tục nghiên cứu phát triển lý luận về quốc phòng, an ninh, nghệ thuật quân sự trong tình hình mới. Nâng cao năng lực dự báo chiến lược, giữ vững thế chủ động chiến lược; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”.
Trung tướng Vũ Văn Kha, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân