(QK7 Online) - Sáng 22/11, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội thảo khoa học 60 năm Chiến thắng Bình Giã - giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm. Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam dự và phát biểu chỉ đạo.
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và Thủ trưởng Bộ Quốc phòng dự hội thảo.
Đoàn chủ tịch Hội thảo gồm các đồng chí: Thượng tướng, Tiến sĩ Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo hội thảo; Đinh Thị Mai, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đồng Trưởng Ban chỉ đạo hội thảo; Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng Trưởng Ban chỉ đạo hội thảo; Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Phó trưởng Ban chỉ đạo hội thảo; Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7; Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo hội thảo.
Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7 và các đại biểu dự hội thảo.
Dự hội thảo có đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và gần 300 đại biểu là các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng; lãnh đạo các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố; các vị lão thành cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhân chứng lịch sử; các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý các cơ quan, đơn vị, địa phương trong và ngoài Quân đội.
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết: Chiến thắng Bình Giã mãi là một mốc son trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 60 năm đã trôi qua nhưng âm hưởng, ý nghĩa và kinh nghiệm của Chiến thắng Bình Giã vẫn còn vang vọng, là động lực tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trên con đường đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu chào mừng.
Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Phạm Viết Thanh, bày tỏ niềm vui mừng được đón tiếp các đại biểu về tham dự hội thảo, đồng thời khẳng định: Kế thừa và phát huy truyền thống hào hùng của Chiến thắng Bình Giã, Đảng bộ, dân và quân tỉnh Bà Rịa - Vũng đã ra sức thi đua, nỗ lực khắc phục khó khăn, thử thách, chủ động, sáng tạo, phấn đấu xây dựng và phát triển, khẳng định vai trò là một cực tăng trưởng quan trọng của cả nước.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu khai mạc hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, Chiến thắng Bình Giã có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đánh dấu sự phát triển trong tư duy chỉ đạo và điều hành chiến tranh cách mạng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam; khẳng định vai trò của đấu tranh quân sự, vị trí của lực lượng vũ trang. Chiến thắng Bình Giã góp phần đẩy nhanh sự phá sản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Thành công của chiến dịch là đã vận dụng sáng tạo cách “đánh điểm diệt viện”, chọn điểm khơi ngòi chính xác, tạo thế, tạo thời cơ và tổ chức, sử dụng lực lượng thích hợp để đánh thắng những trận then chốt, để lại những kinh nghiệm quý cho các chiến dịch tiếp sau.
Các đồng chí trong Ban chỉ đạo hội thảo.
Hội thảo khoa học là một trong những hoạt động lớn, trọng tâm, không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn mang giá trị thực tiễn sâu sắc, thiết thực kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã. Những tham luận và ý kiến được trình bày sẽ góp phần bổ sung thông tin, tư liệu để tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn tầm vóc to lớn, ý nghĩa của chiến thắng đối với tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và những nhân tố góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch Bình Giã; tôn vinh và tri ân công lao của lực lượng vũ trang giải phóng cùng các tầng lớp Nhân dân đã làm nên chiến thắng, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; khích lệ, cổ vũ động viên các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tiếp tục xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, đồng thời rút ra những kinh nghiệm quý báu cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí Đinh Thị Mai, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo đề dẫn.
Báo cáo đề dẫn hội thảo, đồng chí Đinh Thị Mai, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ, Cách đây 60 năm, thực hiện chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền xây dựng kế hoạch mùa khô 1964-1965, tập trung phần lớn lực lượng chủ lực Miền phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương mở Chiến dịch Bình Giã. Đây là lần đầu tiên, lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam tổ chức cuộc tiến công dài ngày, trên một địa bàn tương đối rộng. Qua 2 đợt chiến đấu, từ 2 tháng 12 năm 1964 đến ngày 3 tháng 1 năm 1965, chiến dịch Bình Giã kết thúc thắng lợi, ta loại khỏi vòng chiến đấu một bộ phận lớn sinh lực địch; phá hủy và thu nhiều vũ khí, phương tiện, giải phóng nhân dân và một vùng đất đai rộng lớn.
Trung tướng Trần Hoài Trung điều hành phát biểu tham luận.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam khẳng định, Chiến thắng Bình Giã có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đánh dấu sự phát triển trong tư duy chỉ đạo và điều hành chiến tranh cách mạng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam; khẳng định vai trò của đấu tranh quân sự, vị trí của LLVT. Chiến thắng Bình Giã góp phần đẩy nhanh sự phá sản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Thành công của chiến dịch là đã vận dụng sáng tạo cách “đánh điểm diệt viện”, chọn điểm khơi ngòi chính xác, tạo thế, tạo thời cơ và tổ chức, sử dụng lực lượng thích hợp để đánh thắng những trận then chốt, để lại những kinh nghiệm quý cho các chiến dịch tiếp sau.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Hoàng, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 7 phát biểu tham luận.
Nhân chứng lịch sử Tăng Phát Nhuần chia sẻ ký ức người lính trong Chiến dịch Bình Giã.
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết mong muốn, những tham luận và ý kiến được trình bày sẽ góp phần bổ sung thông tin, tư liệu để tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn tầm vóc to lớn, ý nghĩa của chiến thắng đối với tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và những nhân tố góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch Bình Giã. Đồng chí yêu cầu, những bài học, kinh nghiệm quý giá được rút ra từ Hội thảo cần được thiết thực vận dụng vào thực tiễn, thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng và an ninh nhân dân; khẳng định vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại biểu dự Hội thảo khoa học 60 năm Chiến thắng Bình Giã.
Ngọc Duy