1. Chiến đấu tạo thế tạo lực sau Hiệp định Paris
Mặc dù buộc phải ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, nhưng đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, sử dụng Chính phủ và quân đội Việt Nam cộng hòa làm công cụ thực hiện chủ nghĩa thực dân kiểu mới, chia cắt lâu dài nước ta, biến Nam Việt Nam thành một quốc gia riêng biệt, thân Mỹ. Được sự hậu thuẫn của Mỹ, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ra sức lấn chiếm và bình định, sẵn sàng gây lại chiến tranh lớn, mưu toan phục hồi toàn bộ vùng chúng kiểm soát. Trước tình hình trên, lực lượng vũ trang B2 thực hiện kế hoạch, tiến công giành thế chủ động trên các chiến trường, thực hành tạo thế tạo lực trong mùa khô 1974-1975.
Từ đầu năm 1973, các đoàn hậu cần được sắp xếp lại, chuyển hệ thống kho tàng, địa bàn thu mua lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm từ Campuchia về nước, lập thêm nhiều cung trạm mới sẵn sàng tiếp nhận chi viện lớn trên tuyến 559 Đông Trường Sơn. Nhờ có sự chi viện lớn của hậu phương miền Bắc (quân số, vũ khí và phương tiện kỹ thuật, hàng quân y, quân nhu, xăng dầu…), từ đầu năm 1973, lực lượng vũ trang B2 phát triển nhảy vọt. Các binh chủng như xe tăng, pháo binh, công binh, thông tin… phát triển mạnh mẽ về đầu đơn vị, số lượng với nhiều chủng loại trang bị khí tài lớn và hiện đại. Cụ thể, năm 1973: Quân giải phóng toàn B2 là 185.000 cán bộ, chiến sĩ (trong đó, bộ đội chủ lực Miền và các Quân khu là 149.000 người, bộ đội địa phương các tỉnh, huyện là 36.000 người), và 70.699 dân quân du kích.
Quán triệt Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “con đường cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng”, tháng 11/1973, Bộ chỉ huy Miền đề ra kế hoạch quân sự mùa khô 1973-1974 và toàn năm 1974 với nội dung: Đẩy mạnh đánh địch bình định lấn chiếm ở đồng bằng, tiêu diệt địch ở vùng rừng núi, mở rộng hành lang tiếp nhận chi viện từ miền Bắc vào và hành lang thông nối đến các chiến trường. Diễn biến hoạt động của lực lượng vũ trang Miền trong mùa khô 1973-1974 chia làm 2 đợt. Trong đợt 1, các đơn vị chủ lực tiến công phá lấn chiếm của quân đội Sài Gòn, mở rộng vùng cách mạng làm chủ, phát triển phong trào du kích chiến tranh. Trong đợt 2, Sư đoàn bộ binh 5 từ Đông Nam Bộ hành quân xuống đồng bằng Khu 8 hoạt động mở hành lang từ vùng biên giới Long An xuống Vàm Cỏ Tây. Sư đoàn 9 tiến đánh xuống Bến Cát, mở thông hành lang từ căn cứ địa Lộc Ninh đến các căn cứ phía Bắc Sài Gòn như Bời Lời, Long Nguyên, Củ Chi. Sư đoàn 7 đánh địch, giải phóng khu vực đường 14 từ Chơn Thành đến Đồng Xoài.
Từ giữa năm 1974, thưc hiện Nghị quyết Hội nghị Quân ủy Miền về phát triển lực lượng, mở các hành lang trên chiến trường B2, lực lượng vũ trang B2 được xây dựng phát triển cả về thành phần và số lượng. Hàng loạt đơn vị binh chủng ra đời như: Bộ Tư lệnh Thông tin (Đoàn 23), Bộ Tư lệnh Công binh (Đoàn 25), Bộ Tư lệnh Tăng-Thiết giáp (Đoàn 26), Bộ Tư lệnh Đặc công (Đoàn 27), Bộ Tư lệnh Phòng không (Đoàn 77), Bộ Tư lệnh Pháo binh (Đoàn 75), Lữ đoàn Đặc công - Biệt động 316 và Sư đoàn bộ binh 3. Đặc biệt, Ngày 20/7/1974, Quân đoàn 4 - quân đoàn đầu tiên ở Nam Bộ - được thành lập (gồm 2 sư đoàn bộ binh 7, 9; 7 trung đoàn binh chủng và 3 tiểu đoàn đặc công; Bộ Tư lệnh Quân đoàn: Thiếu tướng Hoàng Cầm - Tư lệnh, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện - Chính ủy - Đại tá Bùi Cát Vũ - Phó Tư lệnh). Các Quân khu được bổ sung quân, trang bị để thành lập các Sư đoàn bộ binh nhẹ: Quân khu 7 có Sư đoàn 6, Quân khu 8 có Sư đoàn 8, Quân khu 9 có Sư đoàn 4, Quân khu 6 có Trung đoàn 812. Lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định được tổ chức thành từng đoàn đứng chân trên các hướng: Đoàn 196 (Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp); Đoàn 197 (Tân Bình, Bình Chánh); Đoàn 198 (Bình Chánh, Nhà Bè); Đoàn 199 (Thủ Đức); Đoàn 195 (nội đô). Lực lượng đặc công được bố trí tại các vị trí xung quang Sài Gòn: Đoàn 10 (Rừng Sác), Đoàn 116 (Long Thành), Đoàn 113 (sân bay Biên Hòa), Đoàn 119 (Bình Dương), Đoàn 115 (Phú Hòa Đông), Đoàn 117 (Vườn Thơm - Bà Vụ). Lực lượng biệt động tổ chức thành 3 tiểu đoàn, 11 đại đội, bố trí trên hai hướng Đông và Tây Sài Gòn, một bộ phận áp sát thành phố Vũng Tàu. Riêng lực lượng dân quân du kích, chỉ trong 8 tháng năm 1974, toàn chiến trường B2 phát triển thêm 6.320 đội viên. Tính đến tháng 12/1974, tổng số dân quân du kích có 95.828 cán bộ, chiến sĩ.
Vừa xây dựng phát triển lực lượng, các đơn vị vừa đẩy mạnh nhịp độ tiến công địch trên các chiến trường. Tính chung trong mùa mưa 1974, lực lượng vũ trang B2 loại khỏi chiến đấu 89.341 tên, hạ 1.310 đồn bót, giải phóng hoàn toàn 21 xã với 27 vạn dân. Cùng với hoạt động tác chiến, công tác chuẩn bị hậu cần - kỹ thuật, tạo lực để sẵn sàng đón lấy thời cơ mới được triển khai với tốc độ khẩn trương. Hệ thống hậu cần Miền được kiện toàn, đường cơ giới được xây dựng nối từ đầu nguồn Srepok Đông Trường Sơn qua Bù Gia Mập đến Lộc Ninh, hỗ trợ các tiểu đoàn xăng dầu 559 lắp đặt đường ống dẫn dầu từ miền Bắc vào.
Trung ương Cục nhận xét, đến trước mùa khô 1974-1975, hoạt động của lực lượng vũ trang B2 góp phần quan trọng tạo ra thế và lực mới, “mở rộng địa bàn đứng chân cho các đơn vị áp sát vùng ven Sài Gòn - Gia Định, hình thành một thế bố trí chiến lược vây cắt địch cả về quân sự, chính trị, kinh tế”.
2. Hình thành thế trận bao vây thành phố Sài Gòn
Từ giữa năm 1974, khi chính quyền và quân đội Sài Gòn bắt đầu bộc lộ sự suy yếu toàn diện, khó có khả năng gượng dậy trước sức tiến công liên tục của lực lượng cách mạng miền Nam, Bộ Tư lệnh Miền gửi nhiều báo cáo với các số liệu tỉ mỉ, phân tích tình hình, nhận định đánh giá và đề đạt ý kiến với Trung ương Cục, Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Cuối tháng 10/1974, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn gửi thư cho Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng thông báo kết luận của Hội nghị Bộ Chính trị ngày 10/10/1974. Thư viết: “Ngay từ giờ phải tiến hành mọi công việc chuẩn bị thật khẩn trương, tạo điều kiện và cơ sở vật chất đầy đủ nhất để đánh mạnh, đánh nhanh, thắng nhanh, thắng gọn, thắng triệt để trong hai năm 1975-1976”. Quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị, Trung ương Cục chủ trương mở đợt hoạt động mùa khô 1974-1975 nhằm: “Hoàn chỉnh khu giải phóng cách mạng nối liền hành lang chiến lược từ biên giới xuống bờ biển phía đông, xây dựng thành căn cứ địa vững chắc liên hoàn, tạo thế bao vây Sài Gòn, giải phóng đường 14 và dự kiến giải phóng Phước Long khi có điều kiện”. Triển khai chủ trương trên, Bộ Tư lệnh Miền xây dựng kế hoạch gồm hai nội dung: 1. Phá bình định, giải phóng nhiều xã ấp liên hoàn ở đồng bằng Sông Cửu Long; 2. Giải phóng các vùng chiến lược theo thứ tự ưu tiên bắc Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên - Đông Sài Gòn (từ đường 20 qua đường 1, đường liên tỉnh 2 xuống đường 15) - Đồng Tháp Mười (từ biên giới qua đường 4 xuống sát sông Vàm Cỏ Tây) - các tỉnh duyên hải ra Đà Nẵng, Trị Thiên.
Thực hiện kế hoạch trên, lực lượng vũ trang B2 đồng loạt tiến công tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch; phá cơ bản kế hoạch bình định của chúng trọng điểm ở đồng bằng Sông Cửu Long; hoàn chỉnh căn cứ địa miền Đông Nam Bộ, giải phóng đường 14 và tỉnh Phước Long. Ngày 6/1/1975, tỉnh Phước Long, tỉnh đầu tiên của miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Chiến thắng đường 14, Phước Long chứng tỏ khả năng to lớn của lực lượng vũ trang B2 trong việc đánh bại địch, giải phóng tỉnh và thị xã, rút ra những kinh nghiệm về chiến dịch, chiến thuật, thăm dò được phản ứng của quân ngụy, đặc biệt là của Mỹ. Tại mặt trận cực Nam Trung Bộ, lực lượng vũ trang Quân khu 6 tiến công giải phóng hoàn toàn huyện Tánh Linh đồng thời mở tiếp xã Trà Tân đến cầu Gia Huynh, giải phóng hoàn toàn huyện Tánh Linh và 4 xã huyện Hoài Đức. Tại mặt trận Tây Ninh, lực lượng chủ lực Miền phối hợp với bộ đội địa phương tiến công các vị trí khu vực Châu Thành, bao vây đánh lấn dài ngày căn cứ truyền tin của địch trên núi Bà Đen, làm rối loạn hệ thống tiếp phát sóng, liên lạc của địch, uy hiếp mạnh thị xã Tây Ninh.
Tại mặt trận vùng ven Sài Gòn, lực lượng vũ trang Thành đội tiến công hạ nhiều đồn bót ở Củ Chi, Hóc Môn, nam Thủ Đức. Các đoàn đặc công 10, 115, 116, 117, 119 tiến công diệt nhiều tàu địch trên sông Nhà Bè; bắn pháo khống chế sân bay Biên Hòa, Trung tâm huấn luyện Quang Trung, căn cứ Đồng Dù, Trường huấn luyện Nước Trong; bức rút nhiều đồn ở Đức Hòa, Bình Chánh, Thủ Dầu Một, Thủ Đức, triển khai lực lượng xuống sát Lái Thiêu. Tại mặt trận đồng bằng Sông Cửu Long, lực lượng vũ trang Quân khu 8, Quân khu 9 tiến công địch mở mảng mở vùng, làm chủ đại bộ phận nông dân Vĩnh Long - Trà Vinh, chung quanh Chương Thiên, phát triển sâu vào vùng đông dân cư ở Vĩnh Long, Sa Đéc, Chợ Gạo, Nam Long An, giải phóng hoàn toàn hoặc giải phóng về cơ bản hàng chục xã, thu hẹp vùng kiểm soát của địch.
Căn cứ vào diễn biến thực tế chiến trường, đầu năm 1975, Trung ương Cục miền Nam khẳng định: Lực lượng vũ trang B2 có đủ khả năng tự giải phóng các địa phương trên địa bàn, từ đó thông qua kế hoạch do Bộ Tư lệnh Miền đề xuất gồm ba điểm: 1. Giải phóng đại bộ phận nông thôn đồng bằng, mở thông hành lang từ Tây Ninh xuống Quân khu 8, Quân khu 9, chia cắt tuyến quốc lộ 4 nối Sài Gòn với đồng bằng sông Cửu Long; 2. Hoàn thành một bước quan trọng ý định chiến lược chuẩn bị cho đòn quyết chiến chiến lược đánh vào thành phố Sài Gòn; 3. Đánh địch vừa tạo thế trận vừa nhằm tiêu diệt sinh lực của chúng (đánh quỵ 2-3 sư đoàn chủ lực, làm giảm 1/3 quân số bảo an, dân vệ). Để thực hiện kế hoạch nêu trên, được sự chi viện của hậu phương miền Bắc (tính từ tháng 1/1973 đến tháng 4/1975, miền Bắc chi viện cho B2 115.399 người, 37.267 tấn vũ khí đạn dược và phương tiện kỹ thuật, 41.160 tấn hàng Quân nhu, 1.335 tấn hàng quân y và gần 1 vạn tấn xăng dầu), lực lượng vũ trang B2 kiện toàn tổ chức từ cấp Miền xuống cơ sở, nâng tổng quân số bộ đội tập trung lên 277.659 cán bộ, chiến sĩ và dân quân du kích lên 112.981 đội viên. Đầu tháng 2/1975, Bộ Tư lệnh Miền quyết định thành lập thêm một đơn vị chủ lực có quy mô cấp quân đoàn, mang phiên hiệu Đoàn 232, gồm Sư đoàn 5, Sư đoàn 3, Trung đoàn 16, các đơn vị binh chủng và cơ quan đoàn bộ. Bộ Tư lệnh gồm: Thiếu tướng Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà, Tư lệnh), Đại tá Trần Văn Phác (Tám Trần, Chính ủy), Đại tá Bùi Thanh Vân (Út Liêm, Phó Tư lệnh), Đại tá Trần Văn Nghiêm (Phó Tư lệnh).
Trong ba tháng đầu năm 1975, các lực lượng vũ trang đồng loạt mở nhiều chiến dịch và đợt hoạt động tổng hợp. Tại miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, Quân đoàn 4 cùng lực lượng vũ trang địa phương tiến công giải phóng Phước Long phát triển nối liền với Tây Ninh, tạo bàn đạp bao vây Sài Gòn từ hướng Bắc. Quân giải phóng tiếp tục giải phóng lộ 20, Định Quán, Lâm Đồng, Tuyên Đức, Võ Đắc và một đoạn đường 1 ở Long Khánh, tạo bàn đạp bao vây cô lập Sài Gòn từ hướng Đông. Đồng thời, quân chủ lực phối hợp với lực lượng địa phương giải phóng Dầu Tiếng, Bàu Đồn, Truông Mít, uy hiếp lộ 22, tạo bàn đạp bao vây Sài Gòn từ phía tây bắc. Tất cả tạo thế hoàn chỉnh vùng giải phóng và căn cứ địa ở miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ. Tại đồng bằng sông Cửu Long, Đoàn 323 cùng các lực lượng tại chỗ mở hành lang từ Tây Ninh xuống Kiến Tường, áp sát tuyến phòng thủ Vàm Cỏ Đông, tạo bàn đạp tiến công từ hướng tây nam Sài Gòn, uy hiếp lộ 4, thuận lợi để tiến lên chia cắt Quân khu 3 và Quân khu 4 quân lực Việt Nam cộng hòa. Tại Sài Gòn - Gia Định, các đơn vị địa phương, đặc công, biệt động tiếp tục triển khai lực lượng xuống chiếm lĩnh các địa bàn bao quanh thành phố.
Đến đây, thời cơ chiến lược để giải phóng miền Nam bắt đầu lộ diện, thế trận chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy hình thành. Tại Hội nghị lần thứ 15 ngày 29/3/1975, Trung ương Cục nhận định: “Tình thế chiến lược mới đã xuất hiện, cán cân lực lượng đã thay đổi hẳn. Thời cơ chiến lược để tiến hành cuộc tổng công kích tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch chín muồi, quân và dân ta hoàn thành tạo thế tại chỗ cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng”.
3. Chiến đấu giải phóng địa bàn và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh
Trước nguy cơ chính quyền Sài Gòn bị sụp đổ, Mỹ lớn tiếng hăm dọa ném bom trở lại miền Bắc, báo động khẩn cấp Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến Mỹ ở Thái Bình Dương. Ngày 25-3-1975, Tổng thống Ford quyết định cử một phái đoàn do tướng Weyand cầm đầu, cấp tốc sang miền Nam Việt Nam để nghiên cứu tình hình và chỉ đạo Thiệu đối phó với Quân giải phóng, đồng thời vận chuyển cấp tốc trang bị vũ khí cho quân đội Sài Gòn. Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn xây dựng kế hoạch tổ chức phòng thủ gồm ba tuyến, trong đó tổ chức hệ thống ngăn chặn từ xa, lực lượng phòng thủ ven đô và hệ thống cố thủ nội đô Sài Gòn.
Hội nghị Trung ương Cục lần thứ 15 đề ra nhiệm vụ khẩn cấp: “Phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp ba mũi giáp công, ba thứ quân, ba vùng, vùng lên tổng công kích tổng khởi nghĩa, nhanh chóng đánh sụp đổ ngụy quân ngụy quyền, giành lại toàn bộ chính quyền về tay Nhân dân với khí thế tấn công quyết liệt, thần tốc, táo bạo và quyết giành phần thắng, giải phóng xã mình, huyện mình, tỉnh mình và toàn miền Nam”. Chủ trương của Trung ương Cục được Bộ Chính trị chấp thuận qua bức điện của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn gửi Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng: “Tôi rất đồng ý với các anh là lúc này cần hành động hết sức kịp thời, kiên quyết và táo bạo. Trên thực tế, có thể coi chiến dịch giải phóng Sài Gòn đã bắt đầu từ đây”.
Triển khai chủ trương trên, Bộ Tư lệnh Miền xây dựng kế hoạch sử dụng lực lượng B2 là chủ yếu, tăng cường thêm hai sư đoàn đến 1 quân đoàn của Bộ thực hành tiến công trên 5 hướng vào Sài Gòn, kết hợp hoạt động đặc công, biệt động với phát động quần chúng nổi dậy trong đánh ra, ngoài đánh vào, thực hiện tổng công kích và tổng khởi nghĩa giải phóng Sài Gòn. Thực hiện sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, kế hoạch tiến công Sài Gòn của Bộ chỉ huy Miền được Bộ Tư lệnh Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định (ngày 14/4 mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh) hoàn chỉnh hơn về nghệ thuật chiến dịch với việc sử dụng lực lượng áp đảo (15 sư đoàn), hình thành 5 cánh quân tiến Sài Gòn từ 4 hướng. Hướng Tây Bắc, mục tiêu sân bay Tân Sơn Nhất do Quân đoàn 3 (Tư lệnh - Vũ Lăng, Chính ủy - Đặng Vũ Hiệp) đảm nhiệm. Hướng Bắc và Đông Bắc, mục tiêu Bộ Tổng Tham mưu do Quân đoàn 1 (Tư lệnh - Nguyễn Hòa, Chính ủy - Hoàng Minh Thi) đảm nhiệm. Hướng Đông và Đông Nam, mục tiêu Dinh Độc Lập do Quân đoàn 4 (Tư lệnh - Hoàng Cầm, Chính ủy - Hoàng Thế Thiện) và Quân đoàn 2 (Tư lệnh - Nguyễn Hữu An, Chính ủy - Lê Linh) đảm nhiệm. Hướng Tây và Tây Nam là hướng tiến công hiểm yếu, địa hình sông nước phức tạp. Bộ chỉ huy Miền cử các Phó Tư lệnh và Phó Chính ủy Miền trực tiếp chỉ huy, mục tiêu: Biệt khu Thủ Đô và Tổng nha Cảnh sát, lực lượng, do Binh đoàn cánh Tây Nam (gồm Đoàn 232 và các đơn vị địa phương, Lê Đức Anh - Tư lệnh, Lê Văn Tưởng - Chính ủy đảm nhiệm.
Trong diễn biến trên, lực lượng vũ trang B2 sắp xếp lại các đơn vị chủ lực, thành lập mới Sư đoàn đặc công 2, điều chuyển các đoàn hậu cần khu vực từ nhiệm vụ phục vụ cho các chiến dịch của Miền và các Quân khu chuyển sang phục vụ cho 5 quân đoàn chủ lực của chiến dịch. Ngoài một số cán bộ trong Bộ Tư lệnh và các cơ quan của Bộ Tư lệnh Miền tham gia Bộ Tư lệnh và các cơ quan Chiến dịch Hồ Chí Minh, bộ phận còn lại chủ yếu là ba cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần tập trung vào mặt trận đồng bằng Sông Cửu Long. Các lực lượng vũ trang B2 bắt đầu thực hiện các đòn chia cắt chiến lược. Quân đoàn 4 tiến công căn cứ Sư đoàn 18 ngụy tại Xuân Lộc. Lực lượng vũ trang đồng bằng Sông Cửu Long tiến sát lộ 4, thành phố Cần Thơ, thị xã Vĩnh Long, các tỉnh lỵ, huyện lỵ. Toàn bộ lực lượng vũ trang Thành đội Sài Gòn - Gia Định chiếm lĩnh các vị trí bàn đạp sát nội đô chuẩn bị sẵn sàng nổi dậy tại Sài Gòn.
Bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, từ 17 giờ 26/4 đến 24 giờ 28/4, lực lượng B2, cùng với các đơn vị bạn tấn công vào tuyến phòng thủ trực tiếp Sài Gòn ở hướng Đông và Tây Nam. Quân đoàn 4 (gồm các Sư đoàn 7, 341, 6, một số đơn vị bộ binh và binh chủng trực thuộc) đánh chiếm yếu khu Trảng Bom, áp sát đường 1. Binh đoàn 232 (gồm các Sư đoàn 5, 9, 3, 8 một số đơn vị bộ binh và binh chủng trực thuộc) cắt đứt hoàn toàn đường 4, kiềm chế được Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9 địch, mở cửa qua tuyến sông Vàm Cỏ, áp sát Sài Gòn. Lực lượng vùng ven (gồm Lữ đoàn Đặc công biệt động 316; các Trung đoàn Đặc công 10, 113, 116, 429; Trung đoàn Gia Định và các tiểu đoàn địa phương) tiến công kiểm soát cầu Ghềnh, cầu Xa lộ Biên Hòa (nay là cầu Đồng Nai), cầu Rạch Chiếc, khu vực Ngã ba Đồng Tranh - sông Lòng Tàu, áp sát sân bay Tân Sơn Nhất.
Rạng sáng 29/4, Bộ Tư lệnh chiến dịch hạ lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận. Lực lượng vũ trang B2 cùng với các binh đoàn của ta tiến công ngăn chặn và tiêu diệt các tập đoàn chủ yếu của địch bên ngoài, đồng thời thọc sâu vào bên trong chiếm các địa bàn quan trọng sát ven đô, làm tê liệt hoàn toàn sân bay Tân Sơn Nhất. Quân đoàn 4 tiến công địch tại Ngã ba Yên Thế, phát triển vào Hố Nai, đánh chiếm sở chỉ huy Quân đoàn 3 - Vùng 3 chiến thuật, sân bay Biên Hòa, vào Dinh Độc Lập, làm chủ trụ sở Bộ Quốc phòng, Đài Phát thanh, cảng Bạch Đằng, Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Hải quân. Binh đoàn 232 đánh chiếm cầu Tân An, Thủ Thừa, cầu Bình Điền, cầu Nhị Thiên Đường, trạm radar Phú Lâm, Bộ Tư lệnh Biệt khu thủ đô, Tổng nha Cảnh sát. Lực lượng vùng ven (đặc công biệt động, Thành đội) phối hợp tiến công Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, sân bay Tân Sơn Nhất, chiếm giữ cầu Bình Phước, cầu Tham Lương và các cầu trong nội đô, dẫn đường cho bộ đội chủ lực chiếm các mục tiêu, làm nòng cốt cho quần chúng nổi dậy. Tại các tỉnh Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, lực lượng vũ trang địa phương đồng loạt tiến công, phối hợp với quần chúng nổi dậy, giải phóng quê hương. Tính đến ngày 6/5/1975, 29/29 tỉnh, cả các đảo Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Chu hoàn toàn giải phóng.
Có thể nói rằng, chiến trường Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ trong đó có Thành phố Sài Gòn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là nơi mở đầu và kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nơi Trung ương Đảng tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề chiến lược chủ yếu nhất nhằm phát triển cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng. Quán triệt những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân, chấp hành sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Xứ ủy, sau đó là Trung ương Cục miền Nam và các cấp ủy Đảng trên chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ xuất phát từ tình hình thực tiễn lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân ngày càng lớn mạnh. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, được sự chi viện lớn của hậu phương miền Bắc, lực lượng vũ trang B2 được xây dựng một cách toàn diện cả về số lượng lẫn chất lượng. Chấp hành sự chỉ đạo của cấp trên, lực lượng vũ trang B2 chủ động tiến công, đánh địch lấn chiếm vi phạm Hiệp định Paris, tạo thế tạo lực, giải phóng cục bộ từng vùng, hình thành thế trận bao vây thành phố Sài Gòn và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.