Trung tướng Đỗ Quang Hưng
Năm 1960, đồng chí là Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 90. Năm 1961, đồng chí là Trưởng tiểu ban Tác huấn Trung đoàn 90, Sư đoàn 324. Cuối năm 1961, đồng chí được điều động vào chiến trường miền Nam, làm Tiểu đoàn phó, rồi Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 186, Quân khu 6.
Năm 1963, đồng chí Đỗ Quang Hưng là cán bộ Cục Tham mưu Miền. Năm 1964, đồng chí đảm nhiệm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1 (Q761), tham gia Chiến dịch Bình Giã (2-12-1964 - 3-1-1965). Trong Chiến dịch Bình Giã, đơn vị của đồng chí đóng tại ở Nam Xuân Sơn, Đông ấp chiến lược Bình Giã có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng địa phương Bà Rịa, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, diệt gọn từ 1 đến 2 tiểu đoàn lực lượng tổng trù bị và cơ giới của địch, liên tục chiến đấu thu hút địch, hỗ trợ cho phong trào chính trị phá mảng mở vùng. Sau gần 100 ngày đêm chiến đấu liên tục, đồng chí Đỗ Quang Hưng cùng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1 đã góp phần vào thắng lợi to lớn của Chiến dịch Bình Giã.
Năm 1965, đồng chí được điều động về Sư đoàn 9, lần lượt đảm nhiệm Tham mưu phó đến Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1, Sư đoàn 9. Thời gian này, Mỹ và ngụy quyền triển khai chiến lược “Chiến tranh cục bộ” với sự tham gia trực tiếp của quân Mỹ và quân đồng minh. Trước đối tượng tác chiến mới, dưới sự chỉ huy của Bộ Chỉ huy Miền, đồng chí Đỗ Quang Hưng cùng Ban Chỉ huy Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 trực tiếp tham gia chiến đấu, góp phần làm thất bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô (1965-1966 và 1966-1967). Đặc biệt, ngày 26-11-1965, đồng chí cùng Ban Chỉ huy Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 tổ chức lực lượng tiêu diệt quân Mỹ tại Dầu Tiếng. Đây là lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, Quân giải phóng loại khỏi vòng chiến đấu một trung đoàn quân ngụy Sài Gòn và 25 cố vấn Mỹ... Trận đánh ngày 26-11-1965 và một số trận đánh Mỹ ở miền Đông Nam Bộ được Bộ Chỉ huy Miền tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm và phổ biến nhanh nhất phương châm “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”. Tư tưởng dám đánh Mỹ, kết hợp với yêu cầu thực tế hạn chế tối đa hỏa lực - chỗ mạnh nhất của quân Mỹ, trở thành tư tưởng phổ biến đối với mọi lực lượng chiến tranh nhân dân, dưới nhiều hình thức.
Năm 1968, đồng chí Đỗ Quang Hưng đảm nhiệm Tham mưu phó Sư đoàn 9; tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong đợt 1, đồng chí cùng Ban Chỉ huy Sư đoàn 9 chỉ huy đơn vị tiến công Trung tâm huấn luyện Quang Trung; đánh địch ở vùng ven thành phố, ngăn chặn Sư đoàn 25 quân đội Sài Gòn ở Đồng Dù, không cho chúng kéo về Sài Gòn; tiến công Chi khu quân sự Thủ Đức và khu kho Long Bình, đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn thủy quân lục chiến. Trong đợt 2, thực hiện chủ trương trên, Sư đoàn 9 có nhiệm vụ cùng các tiểu đoàn mũi nhọn tiến vào các khu vực đông dân trong nội thành Sài Gòn, phát động quần chúng nổi dậy phá rã bộ máy kìm kẹp của địch từ quận trở xuống.
Thực hiện nhiệm vụ, đồng chí cùng Ban Chỉ huy Sư đoàn 9 chỉ huy đơn vị chuyển về hướng Tây, Tây Nam Sài Gòn lấy vùng nông thôn Long An, Gia Định làm vị trí bàn đạp tiến vào thành phố. Kết thúc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đồng chí cùng Ban Chỉ huy Sư đoàn 9 chỉ huy đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần vào thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Năm 1969, đồng chí Đỗ Quang Hưng là Hiệu trưởng Trường Quân chính Sơ cấp Miền (gọi tắt H12). Năm 1971, đồng chí được bổ nhiệm Tư lệnh C30. Năm 1972, đồng chí được chỉ định làm Tư lệnh phó Sư đoàn 9. Thời gian này, cùng với cán bộ, chiến sĩ sư đoàn, đồng chí tham gia Chiến dịch Nguyễn Huệ (1-4-1972 - 19-1-1973) và chỉ huy chiến đấu chống địch lấn chiếm, bảo vệ vùng giải phóng, chặn đứng âm mưu lấn đất, giành dân của chính quyền Sài Gòn sau Hiệp định Pari.
Năm 1974, Bộ Tư lệnh Miền quyết định thành lập một số đơn vị chủ lực ở B2 như thành lập thêm Sư đoàn 4, Sư đoàn 6, Sư đoàn 8 của Quân khu 7, Quân khu 8, Quân khu 9, Sư đoàn 3 của Miền và binh đoàn chiến lược của Bộ (Quân đoàn 1, Quân đoàn 2, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4) chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và chiến dịch quyết chiến chiến lược cuối cùng. Đồng chí Đỗ Quang Hưng được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 3. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (26-4-1975 - 30-4-1975), Sư đoàn 3 nằm trong đội hình Đoàn 232, tham gia chiến đấu ở hướng Tây và Tây Nam. Theo phương án tác chiến, Sư đoàn 3 tiến công Đức Hòa - Hậu Nghĩa. Ngày 26-4-1975, Sư đoàn 3 triển khai xong và hoàn thành mọi công tác chuẩn bị. 17 giờ ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Trên hướng Tây Nam và Nam, Binh đoàn cánh Tây Nam cắt đứt hoàn toàn đường 41, kìm chân Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9 của ngụy, mở đường cho Sư đoàn 9 của ta vào vị trí tập kết tiến hành đột kích Bàu Công - Mỹ Hạnh (Đức Hòa). 3 giờ ngày 27-4-1975, Sư đoàn 3 mở cửa đánh chiếm đầu cầu khu vực An Ninh - Lộc Giang, tổ chức vượt sông Vàm Cỏ, áp sát địch, bảo đảm cho Sư đoàn 9 và binh khí kỹ thuật qua sông.
10 giờ 10 phút ngày 29-4-1975, Sư đoàn 3 giải phóng thị xã Hậu Nghĩa, diệt Chi khu Đức Hòa, bức rút Chi khu Đức Huệ (14 giờ 30 phút) và Căn cứ Trà Cú (18 giờ 20 phút), mở bến vượt sông Vàm Cỏ Đông. Sau khi hoàn thành đánh chiếm khu vực Hậu Nghĩa, hai bên sông Vàm Cỏ, Sư đoàn 3 triển khai lực lượng tiêu diệt lực lượng biệt động quân và bảo an, bảo đảm cho đơn vị vượt sông thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu theo quy định; tiêu diệt làm tan rã toàn bộ Sư đoàn 22 và lực lượng biệt động quân, chiếm mục tiêu Biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát lúc 10 giờ 30 phút và phát triển hợp điểm tại Dinh Độc Lập. Hướng Tây và Tây Nam hoàn thành nhiệm vụ; góp phần vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày 30-4-1975, đồng chí Đỗ Quang Hưng cùng đơn vị thực hiện nhiệm vụ quân quản tại thành phố Sài Gòn. Năm 1977, đồng chí Đỗ Quang Hưng được điều chuyển giữ chức Phó Giám đốc Sở Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn này, Đảng bộ và nhân dân Thành phố vừa tập trung giải quyết các hậu quả chiến tranh vừa tiến hành công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội, cùng cả nước đối phó với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam… Tình hình an ninh trật tự ở địa bàn Thành phố trong giai đoạn này cực kỳ căng thẳng, phức tạp. Đồng chí cùng Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Công an Thành phố lãnh đạo lực lượng công an Thành phố Hồ Chí Minh liên tục tiến công trấn áp, phá rã hàng trăm tổ chức nhen nhóm phản động, truy bắt nhiều tên đầu sỏ nguy hiểm, phá tan nhiều âm mưu chuẩn bị gây biến động chính trị, hoạt động vũ trang. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1979, đồng chí Đỗ Quang Hưng được bổ nhiệm làm Tham mưu phó Quân khu 7, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Mặt trận 479. Năm 1981, đồng chí làm Tư lệnh Mặt trận 779. Năm 1983, đồng chí làm Phó Tư lệnh Quân khu 7, Tư lệnh Mặt trận 479. Năm 1988, đồng chí làm Tư lệnh Mặt trận 779. Trong thời gian này, đồng chí cùng với Bộ Tư lệnh Mặt trận 479 và Mặt trận 779, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trực thuộc, phối hợp các đoàn Chuyên gia truy quét tàn quân địch, đánh địch phản kích ở cả chiến trường biên giới và nội địa; giúp nhân dân Campuchia khắc phục hậu quả chế độ diệt chủng và phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống; xây dựng thực lực cách mạng và phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở cơ sở.
Tháng 10-1989, thực hiện Quyết định số 08-QĐ/QP về việc tổ chức các đoàn Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Campuchia, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 7 phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng tổ chức 2 đoàn Chuyên gia K2B và K4B sang giúp bạn. Đồng chí Đỗ Quang Hưng được chỉ định làm Trưởng đoàn Chuyên gia K4B. Với tư cách Trưởng đoàn, đồng chí cùng cán bộ, chiến sĩ và Chuyên gia Đoàn K4B tích cực chủ động giúp bạn trong việc điều chỉnh, tổ chức, bố trí lại lực lượng; củng cố cơ sở, tạo thế và lực có lợi cho bạn trong giai đoạn đấu tranh mới; giúp bạn vượt qua được những khó khăn, thử thách, giữ vững và phát triển thành quả cách mạng của dân tộc. Bạn đã trưởng thành trên nhiều mặt, nhất là tinh thần tự chủ, tự đảm đương nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng và xây dựng đất nước. Qua đó, góp phần giữ vững tình đoàn kết quốc tế trong sáng giữa hai quân đội và hai dân tộc Việt Nam - Campuchia.
Năm 1991, sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia về nước, đồng chí Đỗ Quang Hưng được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Quân khu 7. Năm 1994, Tư lệnh Bùi Thanh Vân đột ngột qua đời, đồng chí Đỗ Quang Hưng được chỉ định làm quyền Tư lệnh Quân khu 7. Năm 1995, đồng chí Đỗ Quang Hưng trở lại giữ chức Phó Tư lệnh cho đến khi nghỉ hưu năm 1998.
Từ năm 1999, mặc dù nghỉ hưu, đồng chí tiếp tục tích cực hoạt động tại Hội Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh, cùng tập thể Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh góp phần quan trọng vào việc bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của Đảng, trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày 31-5-2009, đồng chí qua đời do tuổi cao sức yếu. Suốt cuộc đời cống hiến cho cách mạng, đồng chí Đỗ Quang Hưng được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhì; 3 Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì, Ba; 3 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất; 3 Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ quyết thắng; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất do Nhà nước Campuchia trao tặng, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.