Chuyện làm báo ở nhà tù Côn Đảo
Bác Trịnh Văn Lâu (Tư Cẩn) nhớ lại, sau những cuộc đàn áp dã man xảy ra liên tiếp đối với tù nhân chính trị ở Trại 6B-Côn Đảo, không ai có thể nghĩ rằng, trong điều kiện hà khắc, sự kiểm soát gắt gao của bọn cai ngục mà anh em trong tù vẫn đầy lòng lạc quan. Ai cũng biết trong tình cảnh đó, việc viết báo, viết văn, làm thơ là một điều khó có thể thực hiện được, nếu không nói là viển vông. Ấy thế mà tại Trại 6B-Côn Đảo, một trong những trại bị tra tấn dã man nhất, từ trong ngục tối chốn lao đày ấy, những tờ tạp chí, nội san của các chi bộ Cộng sản đã ra đời, phát hành rộng khắp trong nội bộ những tù nhân ở nhà tù Côn Đảo.
Theo bác Sáu Dân, Phó Ban liên lạc cựu tù Côn đảo tại TP.HCM, theo sự chỉ đạo của Đảng bộ Lưu Chí Hiếu, trước khi tờ nội san “Xây dựng” ra đời, ở các phòng, các chi bộ đã tự phát động phong trào làm báo trong tù. Từ các tờ báo, tạp chí làm trước đây trong trại, anh em trong chi bộ tự làm và xuất bản trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của các tù chính trị. Khi các tờ báo này ra đời và thu hút đông đảo tù nhân chính trị tham gia, trở thành tài liệu được chuyền tay nhau đọc đi đọc lại, coi như là các tài liệu của Đảng ủy Lao 6B cho từng đảng viên. Sau đó Đảng ủy Lao 6B quyết định xây dựng một tờ báo chính thống, cơ quan ngôn luận của Đảng ủy; tức nội san “Xây dựng” của Đảng ủy Lao 6B - cơ quan chủ quản tờ “Xây Dựng” ra đời từ giữa năm 1972.
Trong các phần nội dung, thì phần xã luận là khó đặt bài nhất. Phần này do bác Tư Cẩn, bí danh Tư Đen trực tiếp viết, biên tập. Là người có lý luận chặt chẽ, khúc chiết, các bài xã luận của đồng chí Tư Cẩn được viết trong tù cho nội san “Xây dựng” sắc sảo, có tầm khái quát, định hướng cho các đồng chí đảng viên trong Trại tù 6B. Ngoài ra, tại Trại tù 6B có hai cây bút chính luận sắc sảo, thường có mặt trên trang xã luận là bác Toán quê Bắc Ninh và bác Nguyễn Tấn Tài quê ở Quảng Nam vào Sài Gòn hoạt động rồi bị địch bắt.
Các chuyên mục khác của nội san “Xây dựng” như: Khoa học & đời sống, Địa lý, Lịch sử và Toán học của mỗi số báo đều do các học sinh, sinh viên đã học tại các trường khoa học ở Sài Gòn bị Mỹ nguỵ bắt ra đảo viết bài. Do trình độ văn hóa, nhận thức của một số tù chính trị ở Côn Đảo rất khá, có nhiều người học ở trường Pháp ra, các sinh viên trí thức giỏi cùng tham gia nên nội dung của tờ nội san “Xây dựng” rất phong phú, bổ ích và lý thú cả về phần chính trị, văn hóa, văn nghệ và các kiến thức khoa học lịch sử. Tờ “Xây dựng” của Trại tù 6B gần như là tài liệu học tập quý giá của anh em tù chính trị và là tài liệu giác ngộ cách mạng của tù nhân, những đồng chí đảng viên trung kiên của Côn Đảo trước 1975.
Tiến sĩ sử học, Anh hùng Lao động Bùi Văn Toản, cựu tù Côn Đảo nhớ lại: Việc trình bày nội dung các trang báo đều phải tự tay chép bằng chữ in. Khổ của cuốn nội san “Xây dựng” là 13x19cm. Quy trình chép báo đầu tiên chép nháp vào bìa cát tông, sau đó chép sạch vào giấy trắng. Bìa cát tông được các “nhà báo” xé từng miếng, kê lên đầu gối làm bàn để chép.
Mực thì các tù chính trị tự chế bằng thuốc nhuộm đen, nước và 1 ít dung dịch gly-xê-rin để bôi trơn khi viết. Mỗi cây bút được các bác cho đẩy hòn bi ra hút đầy mực vào rồi lắp bi vào, cứ thế viết hết lại hút mực vào. Chính vì vậy, nên hình thức mỗi số báo, bài báo có khi mực đậm nhạt khác nhau, cốt là anh em đọc rõ.
Màu sắc dùng để minh họa trên bìa tạp chí như màu đỏ, nâu là thuốc đỏ y tế; màu vàng là bột nghệ, bột thuốc tê-tra-xi-lin; màu xanh từ màu lá khoai lang hoặc muối sát trùng xê-ti-len. Các loại nước màu trên được pha trộn là sáng tạo của “họa sĩ”. Khi nội dung trình bày xong, thì cắt xén báo cho gọn gàng và đóng thành từng quyển. Dao cắt xén trong tù là dao cắt ống tiêm tù lấy được từ Trạm xá Tự quản. Việc lấy được những con dao đó, giấu được trong người, rồi mang vào nhà lao mài sắc nhọn dùng để cắt giấy là một kỳ công của các tù nhân.
Mỗi số báo của nội san “Xây dựng” ban đầu xuất bản chỉ có 2 cuốn song do nhu cầu người đọc nhiều, trên 800 tù nhân chuyền tay nhau đọc, đến người cuối cùng thì tờ báo đã nát, giấy đã rách, chữ không rõ nên Đảng ủy Lao 6B quyết định tăng số lượng lên 5 cuốn/kỳ để đáp ứng nhu cầu đọc tăng của các tù nhân chính trị - là những đảng viên của Đảng ta.
Năm 1974, do chính quyền Sài Gòn nhận thấy tính chất nguy hiểm của tù chính trị ở Lao 6B, chúng phân tán tù nhân chính trị ở Lao 6B ra các lao khác nên tờ nội san tạm thời đình bản. Bác Tư Cẩn cùng một số tù chính trị khác bị đưa vào chuồng cọp số 7 gọi là Trại 7, bị cách ly với nhóm tù chính trị khác… Từ đó tờ nội san “Xây dựng” không thể tiếp tục xuất bản được nữa.
Đấu tranh bằng báo chí, giáo dục anh em bằng báo chí là một đặc sắc của các chiến sĩ cách mạng, lao tù Côn Đảo. Đây chính là bằng chứng mãnh liệt nhất, lạc quan nhất cho việc các chiến sĩ tù Côn Đảo đã tranh đấu thành công và giành được quyền tự quản ngay giữa chốn địa ngục trần gian.
Tiếc rằng do điều kiện quá khắc nghiệt, những tư liệu sống - tờ báo tại lao tù phần nhiều đã bị thất lạc. Nhưng lịch sử thật công bằng, với hơn 10 năm tìm tòi, sưu tầm, bác Toản cùng các bác cựu tù đã thu thập lại những số báo, bài báo ngày trước. Những gì tưởng đã thất lạc hoàn toàn lại lần lượt được hiện ra trong cuốn sách “Báo chí tù nhân Trại 6, Khu B Côn Đảo” (do bác Bùi Văn Toản chủ biên). Dù số lượng các tờ báo tù được sưu tầm và thống kê còn rất khiêm tốn nhưng đã làm phong phú thêm lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam cũng như thể hiện dũng khí của các chiến sĩ cách mạng Côn Đảo trong cuộc đấu tranh vì mục tiêu độc lập, tự do cho Tổ quốc.